Phú Quốc sẽ “hút” khách quốc tế trở lại Việt Nam?
Ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam trong thời gian gần đây luôn ở trong tình trạng nhạy cảm với những tin tức và diễn biến thay đổi từng ngày của dịch Covid-19.
Không giống như các đợt bùng phát trước đây, làn sóng thứ tư hiện đang là đợt dịch lớn nhất và phức tạp nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam (CAA) số chuyến bay phục vụ trong tháng 6 giảm 74% so với cùng kỳ và 76% so với tháng trước. Công ty dữ liệu hàng không OAG ghi nhận Việt Nam cũng là quốc gia có mức sụt giảm công suất phục vụ lớn nhất trong nhóm 20 thị trường hàng đầu trong tuần đầu tiên của tháng 6, sau khi TP.HCM và một số tỉnh thành thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Ngành khách sạn đã chứng kiến sự hồi phục khá tốt trong tháng 4/2021 khi công suất phòng trung bình trên cả nước đạt 31%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam (vào tháng 3/2020). Tuy nhiên, làn sóng thứ tư đã lập tức gây sụt giảm mạnh công suất phòng về mức 10% trong tháng 6 năm nay. Các khách sạn tại TP.HCM càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong đợt dịch lần này, chỉ một số ít khách sạn có thể đạt công suất thuê ở mức hai con số trong tháng sáu.
Với các chiến dịch đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, nhiều quốc gia đã và đang nới lỏng các biện pháp hạn chế để hỗ trợ quá trình khôi phục của ngành du lịch. Mùa hè năm nay, các quốc gia châu Âu là một trong những nơi sớm nhất mở cửa lại biên giới cho khách du lịch sau hơn một năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tùy vào tình hình, mỗi điểm đến sẽ đưa ra các yêu cầu khác nhau đối với du khách, hoặc chỉ mở cửa đối với du khách đến từ một số quốc gia cụ thể.
Từ tháng 6 năm 2021, Pháp mở cửa trở lại cho khách du lịch từ một số nước dựa theo tốc độ tiêm chủng và tình hình kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia đó. Ý cũng đã mở cửa và không yêu cầu áp dụng cách ly đối với du khách đến từ một số nước như Mỹ, Canada và Nhật Bản. Ngành du lịch Tây Ban Nha cũng đang mong đợi một mùa hè rực rỡ sau khi nới lỏng các yêu cầu kiểm soát đối với khách du lịch từ Anh, và cũng đã mở cửa biên giới cho du khách đến từ Mỹ.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã bắt đầu rút ngắn thời gian cách ly xuống chỉ còn 7-10 ngày đối với những du khách đã được tiêm chủng và đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong khi đó, Thái Lan đang tiên phong trong việc thử nghiệm mở cửa đón khách quốc tế bằng việc triển khai chương trình “Phuket Sandbox”.
Từ ngày 1/7/2021, chính phủ Thái Lan bắt đầu thí điểm cho khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ (từ các quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình) đến Phuket mà không cần phải cách ly. Sau 2 tuần lưu trú tại Phuket và đạt một số điều kiện nhất định, những du khách quốc tế này có thể tự do di chuyển đến các địa phương khác trong Thái Lan. Sau một tuần thực hiện chương trình này, Phuket đã đón hơn 2.100 du khách nước ngoài. Chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ tiếp nhận 100.000 lượt khách quốc tế trong quý ba từ mô hình “Phuket Sandbox” này. Nếu được áp dụng thành công, chương trình sẽ được Thái Lan triển khai đến nhiều điểm du lịch quan trọng khác trong những tháng sắp tới.
Tại Việt Nam, Phú Quốc đang được đề xuất là địa điểm đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình đón khách quốc tế. Kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) đang được Bộ VH-TT&DL lấy ý kiến các bộ ngành. Theo dự thảo, Việt Nam dự định đón khách từ tháng 10 tới, thí điểm trong vòng 6 tháng, được chia làm hai giai đoạn.
Trong 3 tháng đầu, Phú Quốc thí điểm đón từ 2.000-3.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, chỉ triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế do địa phương xem xét lựa chọn. 3 tháng sau đó, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000-10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay thương mại và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế.
Dự kiến, Phú Quốc sẽ đón được 25.000 đến 40.000 khách du lịch quốc tế trong 6 tháng thí điểm.
Đối tượng khách quốc tế được ưu tiên lựa chọn trong giai đoạn thí điểm là các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại một số khu vực như: Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc,... Cụ thể, đó là các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Đức, Anh, Nga, Pháp.
Khách được nhập cảnh với điều kiện có chứng nhận tiêm đủ liều văc-xin phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Ngoài ra, có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19, thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng.
Du khách cũng phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Đồng thời, đến Phú Quốc, khách phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành được công nhận là đủ điều kiện đón khách.
Lựa chọn hình thức phù hợp, an toàn
Để chuẩn bị cho việc thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” đón khách quốc tế, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến thành phố Phú Quốc, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này. Theo đó, tỉnh Kiên Giang đề xuất chủ trương đón khách du lịch Nga đến nghỉ dưỡng tại Phú Quốc triển khai áp dụng thực hiện thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” theo mô hình “du lịch khép kín”.
Những du khách đã thực hiện tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, có thể du lịch tại Việt Nam với hành trình khép kín từ chuyến bay, vận chuyển ô tô theo hình thức thuê nguyên chuyến (charter), đến việc nghỉ tại một điểm quy định. Tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân tại thành phố Phú Quốc để bảo đảm việc an toàn phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng đón khách quốc tế.
Bàn thêm về giải pháp và lựa chọn hình thức du lịch phù hợp để thực hiện đón khách quốc tế an toàn, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính cho rằng, nên bắt đầu thí điểm với những thị trường khách lâu năm của Việt Nam và an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, hai bên cần có sự thỏa thuận song phương về các bước triển khai, thực hiện những chuyến bay thẳng và các dịch vụ trọn gói.
Trước đó, Tổng cục Du lịch đã có nhiều buổi làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch để xây dựng các kịch bản phục hồi, trong đó có hoạt động đón khách quốc tế. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục đã hình thành được một nền tảng công nghệ, đó là hệ thống chứng nhận số vắc-xin (https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón khách khi hoạt động du lịch quốc tế được kích hoạt trở lại.
“Việc mở cửa đón khách quốc tế là vấn đề quan trọng, trong đó cần ưu tiên cao nhất cho bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Vì thế, các đơn vị cần áp dụng công nghệ số trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, như: Khai báo y tế bằng mã quét QR code, hướng dẫn du khách sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam” an toàn…”, ông Hà Văn Siêu lưu ý.