Chợ cung cấp đến 70% nguồn cung thực phẩm, vì thế ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm các chợ truyền thống, chợ đầu mối.

Theo thứ trưởng, hiện một số nơi còn thiếu hàng cục bộ, giá cả tăng hơn bình thường. Nhưng không thể chấp nhận việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và làm lợi trên khó khăn chung, khó khăn của người dân.

"Chúng tôi rất cần có sự phối hợp của người dân để phản ảnh với chúng tôi những nơi nào bán giá không hợp lý, không đúng niêm yết để chúng tôi chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện đúng chức năng của mình, xử lý nghiêm", thứ trưởng khẳng định.

Bộ Công thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm chợ truyền thống - Ảnh 2.

Tại buổi kiểm tra hoạt động các chợ truyền thống tại TP.HCM vào sáng 21-7, do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu, ông Trương Văn Ba - cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết đã chỉ đạo các đội bám địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi bán hàng không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết để kịp thời xử lý.

Theo ông Ba, cục đã công bố 2 số điện thoại qua đường dây nóng, vì thế "rất mong nhận được những phản ánh của người dân đối với việc nâng giá, bán giá không niêm yết".

Trao đổi với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Bá Tùng - trưởng ban quản lý chợ Bình Thới (Q.11) - cho biết hiện nguồn cung tại chợ đang dần ổn định nhờ tiểu thương đa dạng nguồn nhập.

Về giá bán, ông Tùng cho biết một số mặt hàng như rau, củ và thủy hải sản do giá nhập vào tăng nên tiểu thương bán ra có tăng hơn so với bình thường, nhưng mức tăng vừa phải và đang có dấu hiệu giảm dần nhờ nguồn cung tăng.

"Những tiểu thương bán giá không hợp lý hoặc quá cao chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan chức năng để xử lý, có thể cho ngưng bán", ông Tùng khẳng định.

Bộ Công thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm chợ truyền thống - Ảnh 3.

Do khâu nhập hàng gặp khó nên giá bán mặt hàng thủy hải sản được tiểu thương tại chợ An Đông (Q.5) cho biết tăng hơn bình thường - Ảnh: N.TRÍ

Theo bà Thoa - tiểu thương tại chợ An Đông (Q.5), do chợ đầu mối Bình Điền tạm ngưng nên bà phải lấy hải sản từ Vũng Tàu và các địa phương khác nên giá nhập vào tăng hơn, vì vậy giá bán ra tăng 20-30% so với bình thường, và việc tăng giá này là hợp lý do tiểu thương bị động về nguồn nhập.

 
Bộ Công thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm chợ truyền thống - Ảnh 4.

Kiểm soát người đi chợ bằng phiếu ra vào chợ tại chợ Bình Thới - Ảnh: N.TRÍ

Theo Thứ trưởng Hải, bình thường các chợ đầu mối và chợ truyền thống cung cấp 70% nguồn cung thực phẩm cho TP, và 30% từ hệ thống hiện đại như siêu thị; việc đóng cửa các chợ khiến áp lực nguồn cung đổ dồn lên hệ thống hiện đại, như vậy không chỉ ảnh hưởng đến TP mà còn các địa phương. Do đó, Bộ Công thương sẽ đề nghị với TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm các chợ truyền thống, chợ đầu mối.

"Để giảm áp lực với một số chợ đang mở, và giảm áp lực cho người dân, khi chúng ta mở chợ nhiều hơn thì tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với hàng thiết yếu", thứ trưởng nhận định.

Bộ Công thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm chợ truyền thống - Ảnh 5.

Người dân vào chợ An Đông phải cầm phiếu mua hàng để ghi thông tin cụ thể của cá nhân và đưa cho sạp hàng ghi lại thông tin ngày, giờ, tên sạp đã bán - Ảnh: N.TRÍ

Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 20-7, TP có 44/234 chợ truyền thống hoạt động; 3 chợ đầu mối gồm Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức tạm ngưng hoạt động nhưng hiện chợ đầu mối Thủ Đức đã thành lập điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, và sắp tới là chợ đầu mối Hóc Môn nhằm hỗ trợ nguồn cung cho người dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 21-7 - ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết các quận, huyện đang tích cực xây dựng kế hoạch mở bán lại các chợ truyền thống trong điều kiện đảm bảo dịch bệnh, khả năng sắp tới sẽ có thêm nhiều chợ mở bán. 

"Tuy nhiên, khâu an toàn dịch bệnh vẫn đặt lên hàng đầu nên công tác này cần thực hiện thận trọng để đạt mục tiêu kép vừa cung cấp thực phẩm cho người dân, vừa đảm bảo dịch bệnh khi mở cửa chợ", ông Vũ nhấn mạnh.

Bộ Công thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm chợ truyền thống - Ảnh 6.

Các vách ngăn tại khu bán hàng ở chợ Bình Thới được áp dụng để đảm bảo an toàn dịch bệnh - Ảnh: N.TRÍ

Sớm tháo gỡ khó khăn cho khâu vận tải

Thứ trưởng thừa nhận dù đã có những chỉ đạo từ Thủ tướng, bộ ngành liên quan về việc tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu nhưng thực tế hiện vẫn có một số địa phương áp dụng không đồng nhất, chưa tuân thủ đúng quy định.

"Chúng tôi sẽ có thêm buổi làm việc với các bộ, địa phương liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành với nhau, giữa các tỉnh thành với TP.HCM và ngược lại, đặc biệt tại 19 tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ", ông Hải khẳng định.

 

Hàng hóa về TP.HCM tăng rất mạnh, 5.000 xe có giấy 'thông hành'

Cuối ngày 20-7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cho biết lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM đã dần ổn định cùng 5.000 xe được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị lưu thông, vận chuyển.

Hàng hóa về TP.HCM tăng rất mạnh, 5.000 xe có giấy thông hành - Ảnh 1.

Tối 20-7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cho biết buổi họp cùng ngày với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các hệ thống nhà phân phối, bán lẻ cam kết tiếp tục tăng cường lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường TP.HCM.

Hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tăng lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu gấp 3-4 lần so với dự trữ hiện tại. Doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tổ chức những xe hàng lưu động, chuyến hàng đồng giá 0 đồng để đưa hàng đến các vùng khó khăn do bị phong tỏa.

Với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA, lượng hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp tăng lên gấp 4-5 lần so với bình thường. Nguồn hàng dự trữ tại kho hiện nay đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong khoảng ba tuần, ít hơn trước một tuần và khẳng định giá cả được giữ ổn định từ đầu tháng 7 đến nay, chỉ một số mặt hàng có biến động khoảng 3-5% do chi phí vận chuyển tăng.

Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, doanh nghiệp cho hay cũng đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, mắm, muối tại các hệ thống siêu thị khoảng 45 ngày bán hàng, trong đó tại các trung tâm phân phối là khoảng hai tháng. 

Hệ thống cũng cam kết giá cả không tăng, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu trong danh sách bình ổn của thành phố. Hiện Saigon Co.op đang có lượng rau về thành phố bình quân khoảng 700 tấn/ngày, thịt là 150 tấn/ngày.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart + với khoảng 1.000 cửa hàng tiện ích và siêu thị đáp ứng 100-120 tấn thịt/ngày, 270-300 tấn rau củ/ngày, 50-70 tấn trái cây/ngày, 80-100 tấn thủy hải sản/ngày. 

Hệ thống này cũng cho biết đang dự trữ lượng hàng hóa tăng 300% so với bình thường, tương ứng 40-60 ngày tiêu thụ do đang có 3 kho dự trữ hàng, gồm 2 kho ở TP.HCM và một ở tỉnh Bình Dương.

Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải thành phố cho Tổ công tác biết đã bố trí 5.000 xe được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị trong khâu lưu thông, vận chuyển. Hiệp hội cam kết không tăng giá và sẵn sàng hỗ trợ về chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.

Báo cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương ghi nhận ngày 20-7 hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định. 

Các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà; áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại.

Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM và ngược lại tới các địa phương vẫn còn khó, "cần tiếp tục được tháo gỡ", Tổ công tác lưu ý.

Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng tổng lượng hàng hóa cung cấp cho toàn vùng và cho TP.HCM có thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên, việc thiếu hay tăng giá cục bộ ở một vài khu vực của TP.HCM là có.

Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan của thành phố cần nhận diện chính xác nhu cầu của địa phương, chủng loại, số lượng... cũng như cần xác định được các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, từ đó đưa ra được các giải pháp và sự phối hợp với các ngành liên quan như nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải để giải quyết, xử lý, đặc biệt là ở khâu vận chuyển.