Để người dân có nhiều điểm mua sắm hàng thiết yếu, TP.HCM đang có giải pháp mở chợ mới bên chợ cũ, tìm những không gian thoáng thay vì phụ thuộc vào các chợ hiện hữu.
Sở Công thương TP.HCM cho biết đã giao cho quận, huyện chịu trách nhiệm xây dựng phương án để tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn thời gian tới, ráo riết gỡ khó cho tiểu thương, trong đó có tâm lý ngại dịch bệnh nên chưa mặn mà quay lại bán hàng.
Nhiều cách thức họp chợ
Sáng 21-7, chợ An Hội (Gò Vấp) đã phải đóng cửa vì có ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số chợ tạm ngưng hoạt động trên địa bàn lên con số 205, chỉ còn 32 chợ đang hoạt động. Nhằm duy trì hoạt động, các chợ này buộc phải triển khai cách thức "họp chợ" khác nhau để tránh nguy cơ xuất hiện ca nhiễm, đồng nghĩa với việc đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Bá Tùng - trưởng ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11), 240 hộ tại chợ này được mở bán theo dạng chia bán ngày chẵn lẻ (mỗi ngày 120 hộ bán), trước khi tăng thêm quy mô nếu công tác tổ chức ổn định.
Tại những khu vực có dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND các địa phương đã tổ chức điểm bán, phân luồng một chiều, kẻ ô, phân chia các gian hàng để bảo đảm giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Hàng hóa được đóng gói và niêm yết sẵn giá để người mua lựa chọn nhanh và hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán và người mua. Các tiểu thương cũng kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ trong trường hợp cần thiết để giảm sự tập trung, đảm bảo giãn cách.
Chính quyền địa phương phối hợp ban quản lý chợ phát thẻ ra vào các điểm bán để kiểm soát số lượng, phân bổ người đến theo khung giờ... Đại diện Phòng kinh tế quận 11 cho biết cả 3 chợ truyền thống trên địa bàn đã tổ chức bán lại ổn định với nhiều mô hình như thí điểm mặt hàng tươi sống tại chợ Phú Thọ, bán hàng lưu động tại chợ Thiếc, và mở bán bình thường tại chợ Bình Thới. "Chúng tôi thường xuyên tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với tiểu thương, đảm bảo nghiêm 5K, phân luồng một chiều... và đang xem xét tăng dần quy mô bán tại các chợ" - vị này khẳng định.
Trong khi đó, ngoài khu bán thực phẩm thiết yếu ở chợ An Đông, quận 5 cũng cho biết đang chỉ đạo ban quản lý các chợ, cơ quan y tế trên địa bàn sớm tổ chức mở bán thí điểm mặt hàng tươi sống tại các chợ đang tạm ngưng với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Sinh - trưởng ban quản lý chợ Xã Tây (quận 5), chợ khẩn trương đẩy nhanh việc đánh giá về các tiêu chí đảm bảo an toàn dịch để sớm đưa chợ vào hoạt động trở lại.
Cần sớm mở cửa lại các chợ
Sáng cùng ngày, tại buổi kiểm tra hoạt động các chợ truyền thống ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm các chợ truyền thống, chợ đầu mối nhằm giảm áp lực với một số chợ và siêu thị đang hoạt động, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với hàng thiết yếu, bởi các hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ đáp ứng 30% nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu của người dân trên địa bàn, 70% còn lại do hệ thống chợ cung cấp.
Cũng theo ông Hải, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ TP.HCM trong việc tăng nguồn cung hàng hóa, đồng thời làm việc với bộ, ngành và địa phương liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn trong vận tải hàng hóa thiết yếu, đặc biệt tại 19 tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16. Đối với hoạt động đầu cơ, tích trữ và tăng giá bán để kiếm lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Hải đề nghị người dân ghi nhận và phản ánh kịp thời để lực lượng quản lý thị trường xử lý.
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 21-7, trên địa bàn chỉ còn 32 chợ hoạt động, trong khi có đến 205 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Trong số 32 chợ đang hoạt động có một số chợ vừa khôi phục hoạt động, gồm chợ Nguyễn Tri Phương và chợ An Đông - khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương (quận 5), chợ Bình Thới và chợ Phú Thọ (quận 11)...
Ngoài ra, có 4 điểm bán nhỏ được quận 12 và huyện Củ Chi tổ chức. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, các quận huyện đang tích cực xây dựng phương án mở bán lại các chợ truyền thống trong điều kiện đảm bảo dịch bệnh.
"Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều quận huyện diễn biến phức tạp nên công tác tổ chức lại các chợ cần thực hiện thận trọng, đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh khi mở cửa chợ" - ông Vũ nói.
Chợ đầu mối sẵn sàng mở cửa trở lại
Chợ An Đông (quận 5) phát phiếu đi chợ. Ngoài ghi thông tin cá nhân, người mua hàng sẽ đưa phiếu này để người bán ghi thông tin giao dịch - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Trước đó, UBND huyện Hóc Môn đã có văn bản gửi đến UBND TP về việc cho mở điểm trung chuyển, tập kết tại chợ đầu mối Hóc Môn. Theo đó, UBND huyện Hóc Môn cho biết chợ Hóc Môn sẽ tổ chức điểm tập kết tại 2 vị trí với diện tích 2.000m2; chỉ giải quyết tập kết, trung chuyển hàng bằng xe tải, xe container, số tiểu thương tham gia là 4 người, và 23 công nhân bốc vác.
Tất cả người hoạt động tại chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước 1 ngày vận hành chính thức, và sau đó 3 ngày sẽ xét nghiệm lại 1 lần. Ngoài ra, phải có phương án xây dựng nhiều kịch bản về trường hợp dịch bệnh bùng phát tại điểm trung chuyển...
Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết 118 người lao động tại chợ đã xét nghiệm COVID-19 và đều có kết quả âm tính, chợ cũng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên, do chưa có quyết định cụ thể về thời hạn triển khai nên thương nhân và người lao động đang lo lắng kết quả xét nghiệm bị hết thời hạn.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, do nằm trong khu vực phong tỏa nên mỗi ngày điểm trung chuyển chỉ có 2 thương nhân nhập khoảng 30 - 35 tấn nông sản.
NG.TRÍ
Hệ thống bán lẻ điện thoại đi bán rau củ quả
Ngày 21-7, hệ thống bán lẻ Di Động Việt bắt đầu tham gia bán rau củ quả đồng giá 30.000 đồng với chương trình có tên gọi "Thực phẩm chia sẻ". Theo đó, người dân có nhu cầu có thể mua các loại rau củ quả tại 16 điểm bán, gồm 14 điểm là các cửa hàng trong hệ thống này và 2 điểm thuê chung với các đối tác tại TP.HCM hoặc mua online tại website: thucphamchiase.didongviet.vn.
Ngoài ra, hệ thống này còn triển khai bán dưới dạng 0 đồng một số mặt hàng như chanh, sả và rau củ để hỗ trợ người dân chống dịch. "Đây là chiến dịch phi lợi nhuận của Di Động Việt nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân. Di Động Việt khuyến khích khách đặt mua online để tránh tiếp xúc, đặt hàng số lượng nhiều để đỡ phí vận chuyển. Nếu khách không hài lòng về sản phẩm dịch vụ sẽ được hoàn tiền 100%, không cần đổi trả" - ông Nguyễn Ngọc Đạt, tổng giám đốc Di Động Việt, chia sẻ.
ĐỨC THIỆN
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thịt tươi
Ngày 21-7, tại buổi họp tháo gỡ khó khăn về sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, do Bộ NN&PTNT tổ chức, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT khẳng định tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung rau củ quả hiện dồi dào, đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho 19 tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, có một số vướng mắc khiến việc cung cấp hàng hóa ra thị trường bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, nguồn cung thịt tươi cho thị trường TP.HCM đang gặp khó khăn do các doanh nghiệp không thể áp dụng các phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường - 2 địa điểm".
"Các lò giết mổ đang thiếu nhân lực, do việc đi lại của người dân gặp khó khăn trong bối cảnh giãn cách xã hội, chưa kể lái xe chở thịt cũng phải đi qua nhiều trạm kiểm dịch trên đường, từ công an, y tế, đến thú y...", một lãnh đạo tổ công tác cho biết.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp sản xuất thịt tươi tổ chức được sản xuất, đồng thời làm việc với một số đơn vị có kho bãi sẵn để trưng dụng làm điểm trung chuyển hàng hóa trong thời gian chống dịch.
CHÍ TUỆ
Đưa vật tư nông nghiệp, giống cây và vật nuôi... vào danh mục hàng thiết yếu
Đó là kiến nghị của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT trong văn bản ngày 21-7 gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống covid-19, Văn phòng Chính phủ và bộ ngành liên quan sau khi một số tỉnh ở khu vực phía Nam phản ánh việc vận chuyển cây con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp gặp khó khăn do nhiều địa phương giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Tổ công tác 970 cũng kiến nghị Thủ tướng bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Đề nghị TP.HCM phối hợp Bộ Công thương và Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tổ công tác cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm gia hạn các giấy chứng nhận đủ điều kiện thêm 3 tháng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có giấy chứng nhận đã hết hạn hoặc sắp hết hạn.