Sáng nay 23-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 3.898 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.302 ca ở TP.HCM. Từ hôm nay, TP.HCM bắt đầu 7 ngày khử khuẩn toàn thành phố. Thêm tỉnh Lai Châu ghi nhận ca bệnh.
Bản tin 6h ngày 23-7 cho biết có 3.898 ca mắc mới ghi nhận trong nước, gồm tại TP.HCM (3.302), Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Cần Thơ (10), Trà Vinh (9), Đắk Lắk (4), Quảng Nam (1), Lai Châu (1) trong đó có 191 ca trong cộng đồng.
Như vậy Lai Châu lần đầu tiên ghi nhận có ca mắc mới tại cộng đồng kể từ đầu đợt dịch này. Đây là ca bệnh có tiền sử về từ TP.HCM.
Tính đến sáng 23-7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 74.570 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Về tiêm chủng, trong ngày có 43.720 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 4.411.660 liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 4.077.100 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều.
Bộ Y tế cũng cho biết nhằm giảm thiểu tỉ lệ tử vong, đảm bảo cứu chữa người bệnh COVID-19 kịp thời, Bộ Y tế dự kiến lập gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng và 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới trung ương, Đa khoa trung ương Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TP.HCM, mỗi trung tâm có 500-1.000 giường bệnh.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành, đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động... với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.
Ngày 22-7, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đại trà đợt 5 với khoảng 615 điểm tiêm tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo kế hoạch của TP, sẽ có 200.000 người trên 65 tuổi và 50.000 người mắc bệnh mãn tính có địa chỉ thường trú tại TP.HCM được tiêm ngừa trong đợt này.
Trong những người mắc bệnh nền được điều trị ổn định, ưu tiên những người mắc cùng nhiều bệnh nền một lúc hoặc mức độ nặng của bệnh. người theo danh sách cơ sở khám chữa bệnh đang quản ý điều trị ngoại trú là bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì có chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 30.
Những người trên 65 tuổi cũng được chọn theo nguyên tắc ưu tiên trên 80 tuổi, từ 70 đến 80 tuổi, trên 65 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trung bình mỗi điểm sẽ tiêm cho 120 người/ngày, có thể tăng lên 200 người/ngày và dự kiến đợt 5 này sẽ tiêm xong 930.000 liều vắc xin phòng COVID-19 trong 2-3 tuần.
Vắc xin tiêm trong đợt 5 gồm vắc xin AstraZeneca (tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên của đợt 5, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm AstraZeneca mũi 1 từ 8 - 12 tuần); vắc xin Moderna và vắc xin Pfizer.
Ngoài ra, đối tượng được tiêm trong đợt 5 này còn có người thuộc diện chính sách và có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế, người làm việc trong cơ sở y tế công lập - tư nhân và thân nhân, thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên...
Đối tượng được tiêm vắc xin trong đợt 5 bao gồm cả người được tiêm mũi 1 và người được tiêm nhắc mũi 2 nếu đủ điều kiện.
Khử khuẩn toàn TP.HCM trong 7 ngày tới
Bắt đầu từ hôm nay 23-7, Bộ tư lệnh TP.HCM sẽ thực hiện phun khử khuẩn tiêu độc trên toàn địa bàn TP, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp. Dự kiến kế hoạch khử khuẩn diễn ra trong 7 ngày.
Theo đó, sẽ có 2 đội gồm 16 xe chuyên dụng mỗi ngày chia ra 2 quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Lực lượng tham gia gồm Bộ tư lệnh TP, Lữ đoàn phòng hóa 87, Tiểu đoàn phòng hóa 38 và lực lượng các quận huyện.
Bộ tư lệnh TP yêu cầu các cơ quan đơn vị, Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức và các quận huyện nắm rõ tình hình dịch bệnh tại địa phương để đề xuất khu vực tiêu độc khử khuẩn.
Đồng thời phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, chỉ dẫn đường tại các khu vực khử khuẩn. Ngoài khử khuẩn đường phố, cần xây dựng kế hoạch khử khuẩn trên địa bàn dân cư, các khu trọ bằng phương tiện tại chỗ.
Dự kiến trong ngày 23-7, các lực lượng sẽ khử khuẩn tại TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh.