Hôm qua 22-7, Quốc hội đã nghe và thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với nhiều mục tiêu lớn được đặt ra cho 5 năm tới.

Nhiệm kỳ 2021 - 2025: Đột phá hạ tầng giao thông, liên kết vùng - Ảnh 1.
Cầu Phước Khánh thuộc đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới GDP bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. 

Năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, điều chỉnh các chỉ tiêu về xã hội, môi trường ở mức cao, cũng như chủ động các phương án để kịp thời thích ứng với biến động của tình hình.

Gỡ các quy định chồng chéo, phân cấp trách nhiệm

Trong đó, trước hết thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, với phương châm "5K + vắc xin", dồn mọi nguồn lực cho chiến lược vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Với các chỉ tiêu lớn về kinh tế đã đề ra, như tỉ trọng chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP, đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng là 45%, Chính phủ ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Trọng tâm là hoàn thiện các quy định còn chồng chéo, chưa phù hợp liên quan đến quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đất đai, tài chính, ngân sách, tài sản công, thuế, công nghiệp... 

Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó sửa đổi, hoàn thiện, trường hợp cần thiết ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc ban hành nghị quyết thí điểm với các vấn đề mới phát sinh, gắn đẩy mạnh phân cấp phân quyền, rõ trách nhiệm.

Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh được đặt ra. Trong đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp nền tảng, cụm liên kết, gắn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. 

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ gắn với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch chất lượng cao.

Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng kiên quyết khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún, sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát. 

Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chỉ sử dụng cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia. Cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Đáng chú ý, Chính phủ chú trọng việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả với mục tiêu vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. 

Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP khoảng 55%. Thu hút FDI tập trung các tập đoàn lớn, tạo sự lan tỏa, kết nối với kinh tế trong nước.

Liên kết vùng, nâng chất nguồn nhân lực

Đặc biệt, đầu tư cho kết cấu hạ tầng được xem là chiến lược ưu tiên của Chính phủ trong 5 năm tới, nhằm hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống giao thông. 

Trong đó, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1); các tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao, kết nối giữa các đô thị, hướng tới có ít nhất 3 đô thị thông minh ở 3 vùng kinh tế trọng điểm...

Gắn với đó là việc phát triển đồng bộ, toàn diện, tập trung ưu tiên liên kết vùng, khu kinh tế. Trong đó, lựa chọn địa điểm phù hợp xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, có thể chế chính sách đột phá. 

Đơn cử, có cơ chế để thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế; Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển...

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ được đặt ra. 

Trọng tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, chuẩn bị cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nâng cao chất lượng lao động, cải cách tiền lương, gắn năng suất và có cơ chế đặc thù, vượt trội cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thu hút nhà khoa học, chuyên gia giỏi, thành lập các cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngoài ra là việc tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng...