Một trong những kỳ Thế vận hội kỳ lạ nhất trong lịch sử sẽ có một khởi đầu lạ lùng khi lễ khai mạc Olympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản (dự kiến từ 18 giờ hôm nay, theo giờ Việt Nam) diễn ra trước hàng ngàn ghế trống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một lễ khai mạc Olympic diễn ra mà không có khán giả.
Lễ khai mạc Olympic 2020 sẽ diễn ra trước những hàng ghế trống
AFP
Theo ban tổ chức, chỉ khoảng 1.000 quan chức sẽ có mặt trên khán đài sân Olympic (sức chứa 68.000 chỗ ngồi) dự khán lễ khai mạc.
Đặc biệt hơn, buổi lễ khai mạc được tinh giản đến mức tối thiểu để hạn chế người tham dự. Trong đó, số lượng người tham gia cuộc diễu hành của các quốc gia, vốn được xem là trọng tâm của lễ khai mạc Olympic, đã giảm đáng kể. Những chi tiết về các buổi diễn tập khai mạc được hé lộ cho thấy sẽ diễn ra màn biểu diễn công nghệ cao bằng âm thanh và ánh sáng, trong đó có màn trình diễn máy bay điều khiển từ xa. Nhật hoàng Naruhito sẽ là người đứng đầu trong số các nhân vật quan trọng dự buổi lễ, cùng các nhà lãnh đạo thế giới và các nhân vật cấp cao như phu nhân Tổng thống Mỹ Jill Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Lễ khai mạc Olympic Tokyo cũng sẽ không có các nhà tài trợ chính dự khán. Trong các tuyên bố từ chối dự lễ, họ cho rằng các cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy công chúng địa phương liên tục phản đối việc tổ chức Olympic 2020, nên không muốn bị ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh và thương hiệu. Sau 1 năm bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19, công chúng Nhật Bản hầu như không còn hứng thú với việc đăng cai Olympic 2020, khi lo sợ sẽ có một làn sóng lây nhiễm mới từ các du khách nước ngoài đến dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Lễ khai mạc Tokyo 2020 cũng có những bất thường trong quá trình xây dựng kịch bản với hàng loạt vụ sa thải những người có liên quan đến chương trình. Giám đốc của buổi lễ Kentaro Kobayashi đã bị sa thải 1 ngày trước khai mạc vì một phát ngôn nhạy cảm trong quá khứ. Cách đây 4 ngày, một nhà soạn nhạc cho buổi lễ từ chức khi bị cáo buộc lạm dụng các bạn học khuyết tật thời trẻ. Giám đốc sáng tạo của lễ khai mạc và lễ bế mạc Hiroshi Sasaki cũng đã từ chức vào tháng 3 sau khi đề nghị một nữ diễn viên hài ngoại cỡ xuất hiện trong vai một con lợn.
Thế nhưng, bất chấp những khó khăn và nguy cơ bị hủy bỏ, nước chủ nhà và ban tổ chức vẫn đặt quyết tâm tổ chức Olympic Tokyo 2020 để gửi đi thông điệp “con người chiến thắng đại dịch” như câu slogan của sự kiện: “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - Đoàn kết”.
Kết quả bắn cung Olympic Tokyo: Ánh Nguyệt hụt hơi đáng tiếc
Hụt hơi đáng tiếc trong loạt bắn áp chót, nữ cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt lỡ cơ hội chinh phục thứ hạng cao ở nội dung bắn cung 1 dây Olympic Tokyo.
Ánh Nguyệt xếp hạng 49 phân hạng, chạm trán cung thủ Nhật Bản ở vòng loại trực tiếp
THU SÂM
Ở loạt bắn phân hạng diễn ra hôm nay, Ánh Nguyệt khởi đầu loạt bắn đầu tiên rất ấn tượng với 3 điểm 10 liên tiếp nhưng không giữ được sự ổn định. Pha bắn chỉ được 6 điểm ở cuối loạt đầu khiến cô gái lần đầu tham dự Olympic tiếp tục thể hiện không tốt ở loạt thứ 2.
Tuy nhiên cô gái quê Hưng Yên dần lấy lại tinh thần, thi đấu ổn định và đặc biệt “thăng hoa” ở lượt bắn thứ 5 với 4 điểm 10, 1 điểm 9, 1 điểm 8, đạt tổng cộng 57 điểm và đó cũng là loạt bắn tốt nhất của Ánh Nguyệt cho đến hết phần thi.
Ánh Nguyệt có phần thi chưa thật sự như ý ở loạt phân hạng |