Picnic trên sân thượng, học nấu ăn tại nhà, tổ chức team building online... là những cách mà nhiều người đang thực hiện trong thời gian thành phố giãn cách để phòng dịch.

Là một travel blogger, ưa xê dịch, trước khi Covid-19 bùng phát mỗi năm chị Vũ Minh Điệp ở quận 3, đi du lịch ít nhất 4-5 lần. Suốt hơn hai tháng qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP HCM liên tục áp dụng các chế độ giãn cách, người phụ nữ 31 tuổi này không khỏi buồn chán, tẻ nhạt khi phải ở nhà. Để bớt "cuồng chân" và tự tạo niềm vui cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình, chị tận dụng khoảng không gian xanh trên sân thượng 20 m2 làm chỗ picnic cuối tuần.

Ý tưởng này nảy ra từ cuối tháng 6, nhân dịp sinh nhật chồng. Từ đó, sân thượng 20 m2 trở thành "điểm du lịch" quen thuộc của gia đình nhỏ.

Gia đình chị Điệp trong một buổi picnic trên sân thượng. Ảnh: NVCC.

Gia đình chị Điệp trong một buổi picnic trên sân thượng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mỗi buổi picnic diễn ra khá đơn giản. Bà mẹ trẻ mua thịt bò, hải sản, cá viên về tẩm ướp, thêm cả hoa quả và đồ ngọt. Sau đó, cả nhà cùng bày biện ra đĩa, thay quần áo đẹp và mang đồ lên sân thượng. "Nhà mình có nồi lẩu nướng điện và cả bếp ga, nướng đồ ăn khá tiện. Mình cũng chuẩn bị cả quạt máy vì ngồi trên sân thượng khá nóng", chị Điệp chia sẻ.

Picnic giữa không gian xanh với cây cối, hồ cá không những cho gia đình chị Điệp những bức ảnh đẹp mà còn cải thiện rõ rệt tâm trạng của họ.

"Khi giãn cách, mọi người thường có xu hướng buồn chán và suy nghĩ tiêu cực nếu quanh quẩn ở nhà không có gì làm. Nhà mình hoạt động, bày biện, ăn uống, chụp ảnh cùng nhau trong không gian thiên nhiên khiến tinh thần thoải mái hơn nhiều. Đây cũng coi như một kiểu làm việc nhóm, khiến mỗi thành viên phấn chấn hơn", chị Điệp nói.

Sân thượng xanh mát thành chỗ chill cho cả nhà chị Điệp. Ảnh: NVCC.

Sân thượng xanh mát thành chỗ "chill" cho cả nhà chị Điệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khác với gia đình chị Điệp, thời kỳ giãn cách không làm xáo trộn nhiều cuộc sống của anh Mã Hoàng Sơn ở quận 4. Người đàn ông 33 tuổi tự nhận mình là người thích ở nhà. Tuy nhiên, việc các quán ăn không được phục vụ tại chỗ buộc anh Sơn tự vào bếp.

Từ chỗ không biết nấu ăn, anh Sơn dành ít nhất hai tiếng mỗi ngày đứng bếp. Anh không lên lịch nấu món gì mà làm theo cảm hứng, mở tủ lạnh ra thấy có gì thì nấu món đó. Công thức tìm trên mạng xã hội hoặc hỏi bạn bè.

Sau hai tuần giãn cách, anh đã nấu thành thạo nhiều món ăn, từ những món đơn giản thân quen như rau muống luộc, trứng sốt đến những món Tây phức tạp hơn như bánh mì nướng kiểu Pháp, gỏi bưởi sò điệp, mỳ Ý với sò điệp và măng tây.

"May mắn là món nào cũng thành công", anh Sơn nói. Anh còn đùa với bạn bè "hết dịch sẽ thành đầu bếp".

Một số món ăn đẹp mắt do anh Sơn tự nấu trong những ngày giãn cách. Ảnh: NVCC.

Một số món ăn đẹp mắt do anh Sơn tự nấu trong những ngày giãn cách. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngoài nấu ăn, Sơn còn xả stress bằng cách chăm sóc cây cối và dọn dẹp. Cách vài ngày, anh đổi vị trí một số đồ đạc và cây cối để nhìn nhà mới hơn, đỡ bị chán. Làm việc trong lĩnh vực mùi hương, decor và bedding, anh còn đặc biệt chăm chút giường ngủ, cứ 4-5 ngày lại thay ga giường, xịt nước thơm để không gian nghỉ ngơi dễ chịu nhất có thể.

"Nếu ở nhà không biết làm gì thì bạn hãy tổng vệ sinh nhà cửa, thay ga giường, giặt sofa, dời mấy món đồ từ chỗ này qua chỗ khác để nhìn lạ mắt xíu. Đổ mồ hôi như đi tập gym luôn đó", Sơn nhắn nhủ.

Với Huỳnh Khang, mùa dịch là cơ hội tìm lại đam mê. Yêu thích Lego và từng được giới thiệu lên fanpage với hơn 14 triệu người theo dõi của hãng, song đã một năm nay, Khang phải gác lại thú vui vì quá bận rộn.

Mùa giãn cách, ít việc và chỉ ở nhà, nhà thiết kế (designer) sinh năm 1990 có nhiều thời gian hơn để tập trung cho dự án đã nhen nhóm từ đầu năm của mình mang tên Lắp dựng giàn giáo, tả lại một ngôi nhà đang xây.

Ý tưởng sơ khai của tác phẩm bắt đầu từ bộ giàn giáo, thứ Khang có cảm tình vì hay tiếp xúc mỗi khi đi vẽ tường cho các công trình và cũng thường xuyên thấy trên đường. Ban đầu, anh chỉ định làm bộ giàn giáo nhưng sau mở rộng ra một ngôi nhà đang xây với gạch, cát, giàn giáo, tôn bao quanh, tấm bạt phủ.

Tác phẩm được Huỳnh Khang hoàn thành trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC.

Tác phẩm được Huỳnh Khang hoàn thành trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khang cho biết đây là tác phẩm to nhất, mỗi chiều khoảng 55 cm và cũng tốn nguyên liệu nhất bởi riêng bộ giàn giáo đã cần 80 chi tiết nhỏ. Mất hai tuần, anh mới hoàn thiện tác phẩm này.

Vì chú trọng góc nhìn và thẩm mỹ, chàng designer thừa nhận tác phẩm có "vài điểm vô lý". Tuy vậy, nó vẫn mang giá trị tinh thần to lớn trong mùa dịch và gửi gắm hy vọng của tác giả. "Nó mô tả nhịp sống nhộn nhịp hàng ngày, thứ mà tôi cũng như mọi người mong muốn trở lại", anh bày tỏ.

Cảm thấy "thiếu vắng một cái gì đó" vì không thể gặp nhau đều đặn hàng tuần, nhiếp ảnh gia Phú Đào và các cộng sự tổ chức team building online. Phú cho biết đây là ý tưởng của Hạ Chi, một thành viên trong nhóm nghĩ ra để mọi người kết nối với nhau.

Việc lên lịch khá khó khăn bởi thời gian biểu của mỗi người khác nhau song cuối cùng, chủ nhật tuần trước, nhiếp ảnh gia 26 tuổi cùng sáu cộng sự đã được tụ họp qua Zoom. Trong gần một tiếng đồng hồ, họ cùng chơi đố chữ và trò chuyện. Phần thưởng cho người thắng là những đồ cứu trợ thiết thực trong mùa dịch như trứng, trái cây và đồ ăn vặt.

Thời gian team building không dài nhưng cũng đủ để lấp đi khoảng trống của những bạn trẻ thân với nhau như một gia đình. Hiện tại, cả nhóm của Phú đang lên lịch buổi team building online kế tiếp. Họ còn dự định quay một video ca nhạc sau khi hết giãn cách để vừa có việc cùng bàn với nhau, vừa có sản phẩm kỷ niệm quãng thời gian khó quên.