Trưởng ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc cho rằng "so với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí", thậm chí nó còn lớn hơn cả thất thoát và tham nhũng.

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 24/7 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nói hiện nay chống tham nhũng "tương đối tốt", nhưng để kéo dài sự phá sản sau vụ án là lãng phí, thất thoát. Nhiều vụ án tuyên mà không thực hiện được, không tháo gỡ vướng mắc khiến địa phương lãng phí rất lớn do đất đai, nguồn lực không đưa vào phục vụ phát triển kinh tế.

"Thực tế này đòi hỏi chúng ta có một cơ chế đặc thù, như việc Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về xử lý nguồn lực đất quốc phòng cho phát triển kinh tế", ông nói.

Ông Phan Đình Trạc: So với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, định mức kinh tế kỹ thuật của Đức với Việt Nam "khác nhau một trời một vực". Có công trình yêu cầu sử dụng sắt phi 12, nhưng chỉ sử dụng phi 10, báo chí gọi là "rút ruột công trình". Khi Cục Giám sát chất lượng vào làm việc thì thấy chất lượng công trình đảm bảo. Điều này cho thấy định mức kinh tế kỹ thuật về xây dựng quá lớn, vượt quá dự toán.

Ông Trạc cho rằng đây là điều dễ hiểu vì chi phí nhà tư vấn ăn theo giá trị công trình, giá trị càng cao thì chi phí nhận được càng lớn. Bộ Luật hình sự bổ sung tội lãng phí, nhưng định mức kinh tế kỹ thuật không thay đổi nên khó thực hiện, chưa kể nhận thức về trách nhiệm chống lãng phí chưa cao.

"Phải xem chống lãng phí là trách nhiệm lớn", ông nói, thêm rằng ở Việt Nam, người dân bình thường cũng lãng phí so với người Đức, Nhật, Hà Lan, Thụy Điển... Những nước này phúc lợi công cộng phổ biến, nhưng người dân cực kỳ tiết kiệm, "bát súp cá hồi, đĩa bí đỏ, thế là xong bữa ăn".

Thảo luận tại tổ 14, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận định "đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng". Chỉ tính các dự án treo, nếu địa phương rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn. Đơn cử tại Hà Nội, việc rà soát, giám sát và hậu giám sát các dự án treo trên địa bàn đã tạo điều kiện cho thành phố bứt phá. Năm 2020, Hà Nội tăng trưởng gấp 1,3 lần trung bình chung cả nước.

Theo ông Huệ, nhiều lĩnh vực khác cũng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả như không gian ngầm, băng tần viễn thông, tài nguyên thiên nhiên... Việc quản lý, sử dụng tài sản công cũng còn bất cập. "Ở các nước, cơ quan nhà nước thuê lại trụ sở do tư nhân xây dựng, Nhà nước không phải đầu tư từ đầu, không phải lo việc bảo trì phục vụ. Vốn đầu tư công xây trụ sở khi đó được chuyển thành chi thường xuyên, nhà nước có thêm nguồn tiền để đầu tư phát triển", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm. Chính sách, thể chế đã được hoàn thiện nhiều, nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm, cần giáo dục nâng cao nhận thức, kỷ luật, kỷ cương, bên cạnh xây dựng thể chế.

Ông nói những dự án kéo dài, được nhận diện là manh mún, gây lãng phí, cần kết hợp xử lý "từ dưới lên và từ trên xuống". Đơn cử kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới là 2,87 triệu tỷ đồng, nhưng so với nhu cầu của bộ, ngành và địa phương thì chưa đủ. Tuy vậy không thể xây dựng kế hoạch dựa trên nhu cầu, vì huyện nào cũng muốn có công trình, nhất là hạ tầng, an sinh xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ kể, thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp nhận 3.650 dự án, trong khi vốn đầu tư chỉ có 3.000 tỷ đồng, tức là một dự án chưa được một tỷ đầu tư. Ông đã yêu cầu rà soát, tránh manh mún.

"Vừa qua, các tỉnh lên trao đổi với tôi, có những con đường 400-500 tỷ thôi mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong, nên ta làm từ dưới lên phải kết hợp hài hòa từ trên xuống", lãnh đạo Chính phủ nói và nhấn mạnh mất cân đối một phần, nhưng quan trọng là lãng phí. Vì dự án cứ kéo dài hàng chục năm sẽ không tránh được lãng phí, không tạo ra động lực cho phát triển.

Ông Phan Đình Trạc: So với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều việc cần quan tâm, làm sao mỗi nhà, mỗi người, các tổ chức đẩy mạnh tiết kiệm. "Cha ông mình nói tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống nên phải có tích lũy. Tích lũy chung từ người dân đến từng cấp, từng ngành", ông Phúc nói.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị, cần bổ sung đánh giá và có giải pháp đối với một số vấn đề, như làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ cần làm rõ và đánh giá cụ thể hơn việc thể chế những hệ thống chỉ tiêu định mức so với yêu cầu cần ban hành.

Đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực cụ thể, đại biểu đề nghị có giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát việc quản lý sử dụng tài nguyên nhất là nước; bảo vệ môi trường, xử lý rác thải rắn, tận dụng rác thải như một loại tài nguyên; chú trọng việc liên thông, dùng chung cơ sở dữ liệu...