“Khi Việt Nam có được tỉ lệ cao người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine thì đây sẽ là động lực để nền kinh tế có thể quay trở lại”
Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.
“Chúng ta vừa chăm lo sinh mệnh người dân, vừa nỗ lực bảo vệ sinh kế cho người dân. Đây là mục tiêu kép, cả hai mục tiêu này đều rất hệ trọng và chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Quốc hội sáng nay, 25-7.
Ông Lộc ghi nhận Chính phủ đang củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế ngay trong bối cảnh khó khăn.
Cho rằng tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng và thực tế kinh tế đang xấu đi do COVID-19, ông Lộc khuyến nghị cần thận trọng để xây dựng kế hoạch phát triển từ nay đến cuối năm. Những điểm cần lưu ý là tuy tổng kim ngạch tăng 30% so với cùng kỳ 2020, nhưng bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng gần như đứng yên. Nông, lam, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng cũng chưa có chỉ số khả quan.
“Đây là tín hiệu rất lo ngại vì chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ như “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.
Nguyên nhân, theo ông Lộc, do các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường đã khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là DNNVV, mà cụ thể là các doanh nghiệp dịch vụ. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn.
“Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải.. đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí không còn khả năng vực dậy sau đại dịch, nếu chúng ta không có biện pháp để hỗ trợ một cách thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này”, ông Lộc nói và nhận xét các biện pháp hỗ trợ chưa đi vào cuộc sống nhiều.
Nhưng dù vậy, ông Lộc nói “hoàn toàn đồng tình” với những định hướng lớn của Chính phủ đã và đang thực hiện.
“Đó là đẩy mạnh tiêm vaccine, đặc biệt tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sinh mạng người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa tránh đứt, gãy nguồn cung. Chuẩn bị lộ trình mở cửa nền kinh tế tương ứng với tỉ lệ tiêm vaccine của người dân”, ông Lộc phát biểu.
Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ, ngoài trợ giúp tài chính thì tăng cường hộ chiếu vaccine là rất cần thiết. “Hộ chiếu vaccine không chỉ hiểu là dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà phải dành cho toàn dân Việt Nam”, ông Lộc nói. Theo ông, khi Việt Nam có được tỉ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine cao thì sẽ có động lực để nền kinh tế có thể quay trở lại.
Những biện pháp như quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm 2021, cắt giảm, thu hồi của các bộ, địa phương làm chưa tốt để bổ sung cho các cơ quan trung ương và địa phương có tốc độ giải ngân tốt được ông Lộc đánh giá cao.
Ngành ngân hàng cố gắng giảm lãi suất, theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao. Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng được cho là đã cắt giảm thủ tục để giải ngân nhanh.
Đánh giá chính sách tài khóa là rất tích cực, nhưng trong lúc khó khăn này, ông Lộc đề nghị nhà nước nên chi tiêu tăng cho các đối tượng yếu thế. Làm vậy sẽ đạt “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa kích thích tiêu dùng vừa giải quyết được các vấn đề xã hội.
Ông cũng cho rằng: việc Chính phủ tiếp tục tập trung rà soát những thủ tục bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, hỗ trợ các dự án sớm triển khai trong cả đầu tư công lẫn FDI là những “giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021”.