Thực trạng chống dịch không thống nhất ở các địa phương liên tục được các đại biểu Quốc hội nêu như một nguyên nhân khiến doanh nghiệp thêm khó.

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/7, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đại biểu Thái Bình nêu thực tế đang có sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch ở các địa phương. Hoàn cảnh nào đó là cần thiết, nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp dịch dẫn tới ách tắc lưu thông vận chuyển hàng hoá, con người.

"Tôi biết, ngay bây giờ trên nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ vẫn đang xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hoá do các quy định khác nhau trong phòng, chống dịch của các địa phương", ông Hiếu nói.

Ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Giang Huy
 

Ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Giang Huy

Ông đề nghị, các địa phương cần phối hợp, giảm tối đa điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết trong phòng, chống Covid-19 để doanh nghiệp bớt gánh chịu chi phí, giảm ách tắc lưu thông hàng hoá.

"Các địa phương cần áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai áp dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh", Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đề cập về biện pháp chống dịch kiểu "ngăn sông cấm chợ" ở một số nơi khiến vận chuyển hàng hoá tắc nghẽn. Theo ông, các doanh nghiệp đang cố gắng đáp ứng các phương thức, mô hình chống dịch của các địa phương nhưng thực tế "họ đang khó khăn".

Ở phiên thảo luận sáng cùng ngày, thực trạng mỗi địa phương cát cứ khi đưa ra biện pháp chống dịch cũng được bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhắc tới. Bà Thuỷ chỉ ra, một số tỉnh, thành áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp, như không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn.

Có doanh nghiệp phản ánh xe hàng được đi qua chốt kiểm soát nhiều tỉnh, song đến địa phương cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu ra vì mỗi nơi một quy định khác nhau.

"Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, gây đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nói.

Khía cạnh này, theo ông Phạm Trọng Nhân, hệ thống sản xuất các khu công nghiệp cần sự liên kết với các lãnh đạo tỉnh, thành phố, hiệp hội ngành hàng... tạo cơ chế thuận lợi, dễ dàng hơn trong luân chuyển, cung ứng hàng giữa địa phương này, địa phương khác để tiếp tục duy trì mạch sống nền kinh tế.

Ở tầm vĩ mô hơn, ông Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh tới "mẫu số chung" giải quyết những bất cập là cần có vai trò Bộ Tổng tham mưu giúp Chính phủ điều phối nguồn lực cả nước trong tình trạng khẩn cấp.

"Nhà nước nắm nguồn lực giữ dữ liệu từ trung ương đến địa phương. Để điều phối kịp thời, hợp lý, sẽ không cần những công văn của các địa phương đề nghị chi viện y tế, đề nghị giải toả lưu thông hàng hoá... mà các tỉnh, thành hay hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đang phải gửi tới nhiều nơi như hiện tại", Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Giải trình tại phiên thảo luận chiều 25/7, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, cung ứng hàng hoá cho TP HCM, các tỉnh phía Nam trong thời gian đầu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 gặp khó khăn, thiếu hàng cục bộ, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân là một số địa phương gặp khó khăn, lúng túng, bị động trong khâu chống dịch, trong khi hầu hết chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa để đảm bảo an toàn dịch bệnh, cũng gây áp lực lên hệ thống siêu thị.

Tình hình này được cải thiện sau khi rút kinh nghiệm trong phối hợp giữa các bộ, ngành. "Hiện không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng. Giá cả một số mặt hàng như rau, củ quả tăng nhưng đó là quy luật tất yếu", Bộ trưởng Công Thương nói.

Dự báo tình hình dịch bùng phát còn kéo dài, gây khó khăn lớn cho chuỗi sản xuất, đứt gãy nguồn cung cấp lao động, Bộ trưởng Công Thương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng lương thực, thực phẩm, nhất là mặt hàng tươi sống, rau củ quả ở địa phương có dịch và vùng đệm, sẵn sàng cung ứng, đủ hàng cho nhu cầu người dân.

Ngành giao thông, công an, y tế và chính quyền địa phương, nhất là địa phương trong vùng dịch, theo ông Diên, không đặt ra điều kiện khác, và áp dụng máy móc quy định chống dịch.

Trưởng ngành Công Thương cũng đề nghị các địa phương rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối dự trữ lượng hàng 10-15 ngày, trùng với thời gian thực hiện các chỉ thị giãn cách. Đồng thời, chấn chỉnh mạnh mẽ khâu phân phối, chợ dân sinh, chợ đầu mối, phát triển các loại hình bán hàng từ xa, thương mại điện tử...