Chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung liên quan đến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Cùng với đó, làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ tiếp tục hứng chịu làn sóng mới của dịch bệnh với một biến thể có sức lây lan nhanh, mạnh chưa từng có.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng tư, đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.
"Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương chi viện cho TP.HCM và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến dể hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Về thực hiện chiến lược vắc xin, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã thỏa thuận cung ứng vắc xin đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Covax với 38,9 triệu liều; tháng 11 hợp đồng được ký với Astra Zeneca với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện ngoại giao vắc xin mạnh mẽ, Việt Nam đã nhận được nhiều nguồn viện trợ vắc xin của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế do tình hình khan hiếm vắc xin toàn cầu, khả năng sản xuất của các nhà máy có hạn, (Covax cung ứng 3,86 tỷ liều nhưng đến nay mới cung ứng được được 89,8 triệu liều cho 133 Quốc gia đạt 2,5% theo kế hoạch); các trung tâm sản xuất vắc xin của thế giới như Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên đã dừng xuất khẩu vắc xin cho các nước.
"Nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vắc xin, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vào quý 1 năm 2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vắc xin; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á, tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
Liên quan đến chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Cụ thể, với Nga, đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống đã hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga; trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn 2 chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
Cùng với đó, Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc xin với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới 200 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định: Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm.