Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn
Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo các chuyên gia y tế, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, các đơn vị cần huy động mọi nguồn lực hiện có, tập huấn mở rộng cho các đối tượng tham gia và tạo được sự đồng thuận của người dân thì mới đảm bảo tiến độ và an toàn tiêm chủng.

Người dân không nên do dự tiêm vaccine

Đến ngày 25.7, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine phòng COVID-19 thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có 7.493.300 liều vaccine COVID-19 với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca.

Theo bản tin dịch COVID-19 sáng 25.7, trong ngày có 57.908 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.

Có thể thấy, việc tiêm vaccine nhìn chung còn chậm, nhiều nơi tập huấn suôn sẻ nhưng việc tổ chức tiêm khi vaccine về nhiều còn lúng túng. Bởi theo nhận định của một chuyên gia y tế, nếu Việt Nam tiêm đều, trung bình đạt 100.000 mũi/ngày, thời gian cần để tiêm đủ 2 mũi cho 70 triệu người trên 18 tuổi như mục tiêu, chưa tính 9 triệu trẻ vị thành niên, thì phải hơn 40 tháng mới tiêm xong.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nhận định, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 trên toàn quốc là phương pháp đúng đắn nhất thời điểm hiện tại.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, ông Hà cho rằng cần phát huy tối đa hiệu quả Hệ thống Tiêm chủng Quốc Gia. Hệ thống này đã được bao phủ từ xã, phường cho tới Trung ương nên có thể dựa vào lượng vaccine được phân phối để tổ chức tiêm chủng đúng tiến độ và đảm bảo an toàn. Nước ta cần tiếp tục đàm phán để mua vaccine về nước, tiêm chủng cho người dân. Song song với thực hiện công tác tiêm chủng, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được rằng việc tiêm vaccine rất quan trọng.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà. Ảnh: Thảo Anh
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà. Ảnh: Thảo Anh

Ông Hà cũng lưu ý, người dân không nên có tâm lý hoang mang, lựa chọn vaccine để tiêm. Mỗi liều vaccine mà nước ta đưa về nước đều đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, công nhận đảm bảo an toàn. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân cần đến điểm tiêm chủng theo giờ hẹn để đảm bảo giãn cách.

Bên cạnh đó, các bệnh viện, điểm tiêm chủng cần thực hiện phân luồng, bố trí khoa học hơn khu vực đón tiếp khai báo y tế, thuê thêm nhân viên bảo vệ giữ trật tự và điều tiết giãn cách phù hợp.

Về việc tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 an toàn, đảm bảo giãn cách, ngày 24.7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương chấn chỉnh ngay việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở tiêm chủng đảm bảo: an toàn tiêm chủng; an toàn phòng chống dịch bệnh; thực hiện đúng quy định về giãn cách; phân chia khung thời gian để tránh tình trạng tập trung đông người.

Tăng cường các điểm tiêm chủng, lực lượng tham gia

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, người dân hãy tin tưởng vào việc tiêm chủng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh thì khi ấy cuộc sống mới trở lại bình thường được" - bác sĩ Khanh đưa ra lời khuyên.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh. Ảnh: Thiên Chương
Bác sĩ Trương Hữu Khanh. Ảnh: Thiên Chương

Cũng theo ông Khanh, khi thực hiện tiêm chủng, người dân bình tĩnh, nghiêm túc chấp hành, thực hiện khai báo chính xác thông tin, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc đăng ký tiêm qua ứng dụng hồ điện tử App Hồ sơ sức khoẻ. Đặc biệt, người dân cần đến bệnh viện theo đúng thời gian hẹn, phối hợp đúng theo hướng dẫn phân luồng của nhân viên y tế để công tác tiếp đón, triển khai tiêm được diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn cộng đồng.

Ông Khanh cho rằng, hiện tại cần phân chia đội ngũ y bác sĩ cho 2 nhiệm vụ là chống dịch và tiêm vacccine. Công tác rà soát, lập danh sách cũng cần được lập nhanh hơn thì tiến độ tiêm mới đảm bảo như mong muốn. Đồng thời cần tổ chức nhiều địa điểm tiêm hơn nữa để tránh chen lấn khi tiêm, tạo thuận lợi cho người dân. Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng COVID-19 của người dân, các đơn vị cần được huy động tổng lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

Bên cạnh đó, thay vì tiêm cho từng nhóm đối tượng, chính quyền nên tiêm cho nhiều nhóm cùng một lúc, thậm chí tiêm cả cho 16 nhóm. Việc tiêm vaccine thì chỉ cần mức độ y tá cũng tiêm được, do vậy tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ này về công tác tiêm chủng. Ở mỗi điểm tiêm cần có một bác sĩ đảm trách để theo dõi 15 - 30 phút những người sau khi tiêm. Đặc biệt, cần có ban cố vấn gồm một số bác sĩ giỏi để kịp thời tư vấn hay xử lý ngay.

"Cần tính toán được năng lực triển khai tiêm chủng của các bệnh viện, các điểm để phân bổ vaccine và giao chỉ tiêu hợp lý. Điều này sẽ tránh việc nơi tiêm hết, chỗ chưa tiêm xong gây ùn ứ người tại một điểm, khiến người dân phải chờ đợi" - ông Khanh cho hay.