Chương trình truyền hình trực tiếp “Vang mãi bản hùng ca” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là tình cảm tri ân sâu sắc tới những anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng.
Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ, lan tỏa tình yêu đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, trong những ngày tháng cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội của chúng ta nói riêng đang căng mình chống dịch Covid 19. “Chống dịch như chống giặc”, tinh thần đoàn kết ấy lại càng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Chương trình cũng là món quà tinh thần gửi tới các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng và báo chí cả nước nói chung luôn sát cánh cùng các chiến sĩ trong trận chiến cam go này.
Các bài hát, các tiết mục tại chương trình tập trung ca ngợi lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các bài hát là những bản hùng ca, tiếp nối truyền thống đó, dưới ngọn cở của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, với ý chí sắt đá “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết trái tự do”.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến ác liệt đó, báo chí luôn gắn bó, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Các nhà báo đã có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, ác liệt nhất, ghi lại những chiến thắng anh hùng của quân, dân ta khắp mọi miền đất nước, vạch trần tội ác, âm mưu của kẻ thù, góp phần động viên toàn quân, toàn dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Hàng ngàn nhà báo đã ra trận, nhiều người trong số họ đã anh dũng hi sinh, nhiều người trở về cuộc sống đời thường với thương tật suốt đời... Có người đã được đón về yên nghỉ ở quê hương; có người vẫn còn nằm lại trên những vùng đất chiến trường ác liệt ở Trị Thiên, Khu 5, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đặc khu Sài Gòn – Gia Định, miền Đông Nam bộ, hay vùng Cửu Long mênh mông sông nước. Đó là mất mát to lớn nhưng cũng là niềm tự hào, tô thắm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.
Chương trình đã để lại những xúc cảm sâu sắc trong lòng khán giả truyền hình với những phóng sự, câu chuyện làm báo chiến trường, về những đồng đội, những liệt sĩ đã hy sinh anh dũng, về một thời hoa lửa không thể nào quên. Chương trình là một không gian âm nhạc sâu lắng mà hào hùng với sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ được công chúng mến mộ: NSND Quốc Hưng, Tùng Dương, Tân Nhàn, Lan Anh…
Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đồng hành của các đơn vị: Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công ty Cổ phần Đại Thiên Trường; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Tinh thần, ý chí, tấm gương sáng ngời, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng sẽ sống mãi với non sông Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn, luôn tự hào và kế tục, phát huy, sống xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến vẻ vang đó.