Kỳ 1: Khó lưu thông, nông sản ùn ứ, rớt giá
Không chỉ bị cảnh “được mùa, mất giá”, giờ đây, nông sản ở miền Tây Nam bộ còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cảnh ế hàng, dội chợ diễn ra khắp nơi, giá cả rớt thê thảm. Để phòng chống dịch bệnh, hầu hết các tỉnh, thành đều tăng cường kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh bằng những “hàng rào kỹ thuật” riêng, khiến chuỗi cung ứng, vận chuyển bị đứt gãy. Nếu dịch bệnh kéo dài, chẳng lẽ nông sản miền Tây mãi “giải cứu”?.
Không được mùa vẫn mất giá
Nông dân miền Tây đã quen với điệp khúc “được mùa, mất giá” và vẫn chấp nhận. Bởi vì giá có giảm thì vẫn còn năng suất, sản lượng kéo lại, họa may thì huề vốn hoặc lời lãi chút ít. Đằng này, nông dân “kêu trời” vì vụ mùa năm nay nhiều loại nông sản không trúng mùa mà vẫn bị mất giá vì ế hàng, dội chợ do dịch bệnh Covid-19 diễn ra ở khắp nơi.
Thấy giá nhãn liên tục sụt giảm trong những ngày qua, ông Nguyễn Văn Năm ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, lo lắng tới mất ăn mất ngủ.
Ông Năm có 13.000 m2 đất trồng nhãn Thái Lan đang vô vụ thu hoach rộ, tổng số hơn 20 tấn. Lão nông than: “Giá nhãn bây giờ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg. Nhiều năm trồng nhãn Thái chưa bao giờ tôi thấy giá xuống thấp như vậy. Năm trước cũng có dịch bệnh nhưng giá nhãn vẫn ở mức 15.000 ngàn đồng/kg.
Còn năm nay giá cả rớt thê thảm, bán ra không đủ tiền phân thuốc, còn công lao động coi như bỏ”. Còn ông Tư Hòa ở cù lao An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành nói rằng tổng số 60 ha nhãn ở đây đang bị Covid-19… bao vây. “Do có ca nhiễm Covid-19 nên cù lao An Hòa bị phong toả, thương lái không thua mua nhãn của nông dân được. Từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ tiêu thụ được khoảng 13 tấn, giá thua mua tại vườn là 10.000 ngàn đồng/ký, còn hàng trăm tấn nhãn sắp thu hoạch của bà con không biết bán đi đâu”, ông Tư Hòa buồn bã nói.
Chung cảnh ngộ, ông Lâm Văn Tính, nhà vườn trồng nhãn ở Nông trường Sông Hậu, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết, vườn nhãn nhà mình đã tới kỳ thu hoạch nhưng vẫn còn “neo” lại trên cây, chưa dám thuê người hái. Ông Tính nói, năng suất nhãn năm nay cũng trung bình, không trúng mùa như vụ trước, nhưng giá cả thì đã sụt giảm liên tục rồi. “Bình thường giá nhãn Ido từ 25.000-30.000 đồng/kg đã rớt xuống 10.000 đồng/kg, hôm nay nghe nói chỉ còn 6.000 đồng/kg. Còn thanh nhãn thời điểm bán xuất khẩu có giá hơn 70.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 20.000 đồng/kg, nhưng chỉ bán được số lượng nhỏ”, ông Tính ngao ngán.
Không chỉ nhãn, mà nhiều loại nông sản khác cũng chung cảnh tắc nghẽn đầu ra. Chỉ tay về phía vườn mít rộng 6.500 m2 phía sau nhà, ông Phạm Văn Bảnh, 61 tuổi, ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đang lo lắng vì giá mít giảm từng ngày. Trong khi đó, tổng diện tích trồng mít trên toàn huyện Tháp Mười khoảng 1.500 ha, tập trung nhiều nhất tại ba xã Đốc Binh Kiều, Thanh Mỹ và Phú Điền. Diện tích mít đang thu hoạch trái khoảng 700 ha, sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở chợ truyền thống và thông qua thương lái nên nông dân “khóc ròng”.
Canh tác 5.000 m2 mít Thái Lan, thu hoạch đã nhiều vụ nhưng đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Sơn, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long chứng kiến giá mít giảm sâu đến vậy. Ông Sơn nói, giá mít Thái Lan hiện nay chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, mà chủ yếu bán cho người dân mua ăn với số lượng nhỏ. Trong khi trước đó, giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, một trái mít có thể đem lại thu nhập cho nhà vườn vài trăm đến cả triệu đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh có 2.480 ha trồng mít Thái siêu sớm. Trong đó, huyện Bình Tân chiếm diện tích khoảng 1.000 ha, kế đến là huyện Long Hồ 336 ha… đang thu hoạch nhưng rơi vào tình cảnh ế ẩm.
Nông dân “ngóng” thương lái, “ngóng” chợ
Bà Đặng Thu Hồng, chủ vựa chuyên thu mua mít Thái Lan ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho biết, trước kia chưa có dịch bệnh, vựa luôn nhộn nhịp người mua, người bán, xe tải, xe máy chở hàng ra vào tấp nập. “Bình thường tôi thu mua từ 10-15 tấn mít/ngày. Còn từ hồi dịch bệnh bùng phát tới nay tôi không dám mạo hiểm mua vào, mặc dù giá mít rất thấp. Do mít Thái Lan có thời gian bảo quản ngắn, mau hư nên mình cũng không dám mua dự trữ. Chợ đầu mối ở các thành phố lớn, chợ truyền thống nhiều tỉnh chưa hoạt động lại thì đầu ra mít Thái Lan và nhiều loại nông sản khác vẫn tiếp tục tắc nghẽn. Bây giờ tôi mua ngày nào bán ngày đó với số lượng nhỏ để “giữ mối” với nông dân và để “ngóng” chợ đầu mối Bình Điền được mở cửa trở lại, chứ có xuất bán được đi đâu”, bà Hồng cho hay.
Những ngày này, đến “thủ phủ” khoai lang tím Nhật ở huyện Bình Tân không còn quang cảnh lao động nhộn nhịp trên đồng, mặc dù đang là thời điểm thu hoạch rộ. Không chỉ vì địa phương này nằm trong diện thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, mà vì thời điểm này không có thương lái thu mua khoai lang do không xuất khẩu được. Diện tích khoai lang vụ đông xuân đến kỳ thu hoạch của Bình Tân khoảng 800 ha với sản lượng khoảng 32.000 tấn đành phải kêu cứu đến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh.
Hơn chục năm trồng khoai lang tím Nhật, nhiều lần vui mừng khi giá khoai lang tím tăng cao kỷ lục, nhưng cũng không ít lần rớt nước mắt vì giá khoai tuột dốc, nhưng đây là lần đầu tiên bà Cẩm Em ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân lâm cảnh lao đao.
“Giá khoai lang tím thấp chưa tùng thấy, chỉ còn 300 đồng/kg mà không có người mua. 10 người trồng khoai thì hết 9 người lỗ trắng tay. Giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều ruộng khoai bỏ chết cháy khô trên đồng, không thèm thu hoạch”, bà Cẩm Em buồn bã nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Bình Tân thổ lộ, từ hồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long thì thương lái mua khoai lang cũng vắng bóng. Nông dân cứ “ngóng” thương lái rồi “neo” khoai trên đồng ruộng tới cháy dây, quá lứa mà không thu hoạch.
“Trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 300 ha khoai lang tím đang đến độ thu hoạch nhưng không ai mua, khiến cho nông dân mất ăn mất ngủ, mất trắng. Vụ khoai này, nông dân cầm chắc lỗ 15 - 20 triệu đồng/công (1.000m2). Còn hiện nay, dịch bệnh khắp nơi, giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển gặp khó khăn nên nên khoai lang không thể tiêu thụ được”, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, Nguyễn Văn Tập cho biết, diện tích khoai lang tím Nhật toàn huyện mỗi năm khoảng 12.000 - 13.000 ha, sản lượng 350.000 tấn. Do diện tích lớn, lại ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nên giá khoai lang thời gian qua giảm mạnh.
“Nguyên nhân là thiếu thị trường tiêu thụ, khoai lang tím Nhật chủ yếu xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch nên không ổn định. Mỗi tháng trung bình nông dân thu hoạch khoảng 1.000 ha khoai lang nên luôn trong tâm trạng thấp thỏm về đầu ra”, ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ.
Nói về việc tắc nghẽn đầu ra của trái nhãn, Giám đốc Nông trường Sông Hậu Nguyễn Thanh Phú cho hay, toàn bộ diện tích trồng nhãn của nông dân khoảng 200 ha, thu hoạch liên tục khoảng 1.600 tấn. Thế nhưng liên hệ với các đầu mối, thương lái quen thì họ đều từ chối vì hiện nay các chợ đầu mối nông sản lớn như chợ Bình Điền đều đóng cửa, không hoạt động nên không biết bán đi đâu.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, đầu ra chủ yếu của trái nhãn trên địa bàn TP Cần Thơ từ trước đến nay đều phụ thuộc vào thương lái và các vựa thu mua ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp để làm nhãn sấy, xuất khẩu sang Trung Quốc. “Bây giờ đang bị dịch bệnh Covid-19 nên khâu vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản bị đứt gãy. Từ đó ảnh hưởng tới đầu ra của nông sản và giá cả cũng tụt giảm theo”, ông Hà Vũ Sơn nói.
Kỳ 2: Chung tay kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Để giúp nông dân giảm bớt thiệt hại vì nông sản ứ đọng, rớt giá, nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ tiêu thụ, kết nối cung ứng cho các siêu thị. Ngành chức năng một số tỉnh cũng đã có những giải pháp quyết liệt để gỡ khó cho đầu ra nông sản trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ
Bà Trương Thị Cẩm Em, hơn 10 trồng khoai lang tím Nhật ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ đầu tháng 5/2021 khi đợt dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trở lại ở một số tỉnh thì tình hình tiêu thụ khoai lang đã có dấu hiệu chững lại.
Nữ nông dân 61 tuổi nói: “Khoảng giữa tháng 5 là không còn thương lái thu mua nữa, khoai lang bị ế hàng, dội chợ, thu hoạch rồi đổ đống ngoài ruộng, giá cũng tuột dốc không phanh, chỉ còn 300 đồng/kg”. Từ đó, các tổ chức đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành phố lân cận đã kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím Bình Tân để giúp nông dân “cắt lỗ” và được hưởng ứng mạnh mẽ.
Chị Thu Minh, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết, thông qua người bạn công tác ở Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long làm cầu nối, chị đã giúp nông dân tiêu thụ hàng chục tấn khoai lang tím. “Giá khoai lang tím tại ruộng rẻ lắm, chỉ 300 đồng/kg. Với giá này nông dân coi như lỗ trắng tay nên tôi yêu cầu họ thu hoạch rồi cho vào từng túi 20kg, vận chuyển sang nhà tôi tại TP Cần Thơ để tôi bán với giá 3.000 đồng/kg. Đây là giá bán hỗ trợ cho nông dân chứ tôi không hưởng tiền chênh lệch, trong khi phải huy động cả nhà tham gia giao hàng, thu tiền thay cho nông dân”, chị Thu Minh chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Chiều cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam tổ chức “Chiến dịch Khoai lang nghĩa tình” và ra Thư ngỏ gửi đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay chia sẻ khó khăn giúp nông dân tiêu thụ khoai lang. Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị phối hợp chính quyền và các ban, ngành đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai lang; vận động mỗi tổ chức hội cơ sở vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tiêu thụ ít nhất 500kg khoai lang/cơ sở.
Kết quả đến nay, qua các hoạt động phối hợp đã hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ được hơn 1.000 tấn. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, Phạm Tứ Phương cho biết, bằng các kênh, thông báo bằng văn bản và thông tin truyền thông đến các doanh nghiệp có khả năng kết nối tiêu thụ 970 tấn khoai lang tím.
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó đầu ra như nhãn hơn 1.000 tấn, 200 tấn bắp ngọt, xoài cát Hòa Lộc, hẹ (mỗi ngày 1,5 tấn), rau cần ống, rau thơm, nấm bào ngư (1 tấn/ngày).
“Để giúp cho hội viên nông dân trong việc tiêu thụ, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cầu nối đến các siêu thị trên địa bàn như: siêu thị Go, Mega và Bách hóa xanh… Chúng tôi đề nghị các siêu thị ưu tiên nhận nguồn hàng hoá của địa phương để giảm chi phí vận chuyển. Hàng hóa nào địa phương thiếu hoặc không có mới nhận từ nơi khác chuyển về. Vừa giảm chi phí vừa góp phần bảo đảm an toàn mùa dịch và hỗ trợ được nông dân giải quyết đầu ra”, bà Trần Thị Thiên Thư nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản giúp nông dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở làm việc với các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi; các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, hộ dân về tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa, phương thức vận chuyển, thanh toán… Phối hợp tổ chức các tuần hàng, các đợt khảo sát vùng nguyên liệu… để kết nối, tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh.
“Chúng tôi mời các kênh phân phối lớn, có tiềm năng tiêu thụ hàng hóa đến khảo sát vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất nông sản của Đồng Tháp và trao đổi, hợp tác liên kết, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ kết nối hàng hóa nông sản của nông dân, doanh nghiệp vào bếp ăn tập thể, khu, cụm công nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Dũng thông tin.
Lên kịch bản tiêu thụ nông sản thời Covid
Tỉnh An Giang đang vào mùa thu hoạch các loại nông sản, thế nhưng thị trường tiêu thụ và vận chuyển nông sản gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, từ nay đến tháng 9 sẽ thu hoạch 159.350 ha với sản lượng dự kiến là 890.359 tấn lúa. Riêng rau màu như: bắp trắng, bắp lai, dưa hấu, khoai cao, mè và các loại rau ăn lá… đã thu hoạch 8.806 ha, đạt 52%. Đến cuối tháng 7/2021 thu hoạch khoảng 42.000 tấn, bình quân các tháng tiếp theo thu hoạch khoảng 83.000 tấn. Theo ước tính, tiêu thụ nội địa 30%, tương đương khoảng 25.000 tấn, như vậy, còn lại khoảng 58.000 tấn nông sản các loại cần xúc tiến tiêu thụ các tỉnh khác.
Để giải quyết tình trạng trên, ngày 23-7, UBND tỉnh An Giang ban hành 2 quyết định thành lập 2 đơn vị hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trên địa bàn gồm đường dây nóng tiếp nhận xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản và Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, UBND tỉnh An Giang giao Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ là người tiếp nhận thông tin qua số điện thoại: 0913 886380 và e-mail:truongkientho@gmail.com, phụ trách đường dây nóng. Còn Tổ phản ứng nhanh gồm 22 thành viên do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Sĩ Lâm làm Tổ trưởng; bộ phận giúp việc gồm 11 thành viên, do Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng bộ phận.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Tổ phản ứng nhanh có trách nhiệm triển khai, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản được thuận lợi, bảo đảm thông suốt, an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, Tổ báo cáo nhanh cho Thường trực UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Bộ phận giúp việc có trách nhiệm tham mưu cho Tổ phản ứng nhanh triển khai thực hiện kế hoạch hiệu quả và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Trước đó, UBND tỉnh An Giang cũng đã ban hành văn bản đề nghị các đơn vị trong tỉnh và yêu cầu các tỉnh, thành phố hỗ trợ giúp địa phương trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản tiêu thụ và các mặt hàng thiết yếu.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng 3 kịch tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng như: lúa, gạo, thủy sản, xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít...
Kịch bản 1: Dịch bệnh được kiểm soát, các mặt hàng nông sản được tiêu thụ tương đối thuận lợi.
Kịch bản 2: Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu, sản lượng các mặt hàng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, trong các kịch bản này, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản đến mùa vụ thu hoạch. Hỗ trợ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước, trong đó, thị trường nội địa là chủ yếu.
Thị trường tiêu thụ tại chợ đầu mối các tỉnh miền Tây, TP Hồ Chí Minh, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Các chợ truyền thống, tiểu thương, xe lưu động, điểm bán nhỏ, lẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, các sàn thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số (Online). Tập trung huy động các doanh nghiệp có kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, thiết bị sấy nông sản trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Kỳ 3: Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Để hiệu quả cần hướng đến thị trường cần gì sản xuất cái đó, hướng đến chất lượng chứ không theo số lượng. Chỉ tiêu, sản xuất không chỉ dựa trên mỗi lợi thế về địa hình, hay thổ nhưỡng và tính toán trên nhu cầu tiêu thụ. Khi đó nông sản sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ không còn ùn ứ hay phải giải cứu.
Đánh cược nhiều hơn làm kinh tế
Câu chuyện “đầu ra cho nông sản” là câu chuyện lớn của ngành nông nghiệp nước ta trong thời gian qua. Bởi tư duy và quan điểm sản xuất của người làm nông chưa thấm hết quy luật của thị trường.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, cho rằng, quá trình này xuất phát từ sự trợ cấp của nhà nước trước đây, rồi đến bao tiêu nông sản qua những mùa vụ mất mùa do thiên tai. “Hơn nữa, tính đùm bọc trong xã hội ta còn quá lớn nên đã thành thói quen khi gặp khó khăn là chính quyền địa phương và nhà nông kêu gọi chung tay giải cứu”, ông Nguyễn Phương Lam nêu quan điểm.
Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia đầu ngành và tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam nói, “điệp khúc” trúng mùa, rớt giá, bán không được cứ lặp lại mãi trong nền nông nghiệp của chúng ta. Đó là hậu quả của tình trạng mạnh ai nấy làm. Người nông dân hễ thấy ai nuôi, trồng gì đó mà bán được giá thì làm theo, không cần biết thị trường yêu cầu thế nào. Thương lái thì thu gom nông sản theo “lệnh” của vựa đầu nậu ở các chợ đầu mối hoặc các công ty. Không có “lệnh” này thì kể như thương lái vắng bóng, nông dân không bán được, phải kêu than. Nhà nước các cấp thì chờ dân kêu than mới lo tìm cách “giải cứu”. “Đây không phải chỉ do lỗi cho nông dân không theo quy hoạch hoặc khuyến cáo của nhà nước. Phải thẳng thắn nói rằng, nông dân cũng đã nhiều lần nghe theo ngành chức năng địa phương bảo trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng rồi nhà nước đâu có mua hoặc đâu có quyền bảo thương lái mua. Cho nên sau này nông dân phải “tự lo””, Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích.
Giáo sư cho rằng, ngày nào Nhà nước ta còn để cho nền “kinh tế giải cứu” tồn tại thì nông dân sẽ tiếp tục sản xuất theo tự phát. “Tôi chắc chắn chúng ta không ai muốn kinh tế giải cứu kéo dài. Nhưng trong tình thế mù mờ về thị trường nông sản, người nông dân chỉ biết sản xuất theo kiểu người sau làm theo người đi trước”, ông nói và đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, VCCI, các tập đoàn kết nối thông tin của các đại sứ quán và tổng lãnh Sự Việt Nam ở các nước ngoài thấy được nhu cầu nông sản tươi, hoặc thô hoặc đã chế biến ở các nước để định hướng. Từ đó, các vùng lãnh thổ trong nước, nơi nào sản xuất được cây, con gì để các tỉnh, huyện của nước ta, từ nông dân đến các doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương đều biết hướng sản xuất.
“Khi đó, nông dân trong vùng sẽ được tổ chức kết hợp nhau trong hợp tác xã nông nghiệp, được tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp chế biến nông sản. Các doanh nghiệp cùng một ngành ở các nơi đều liên kết được nhau theo một tập đoàn logistics, liên kết với các trung tâm của các vùng. Như thế chúng ta sẽ không còn cảnh mạnh ai nấy làm, mà phần lớn chỉ làm theo chuỗi liên kết. Không còn kinh tế giải cứu nữa”, Giáo sư Võ Tòng Xuân giải thích.
Tại buổi thăm các vùng sản xuất chuyên canh nông sản và gặp gỡ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp ở Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn đầu ra nhưng không phải trong dịch Covid-19. Đôi khi cũng rơi vào cảnh hỗn độn, cung vượt cầu.
Nói về khoai lang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện thị trường Trung Quốc bắt đầu “siết” về chất lượng. Tất cả đều phải có mã vùng, truy xuất nguồn gốc, an toàn, chất lượng… “Vì thế, đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật. Phải thay đổi tư duy sản lượng sang tư duy làm kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản. Khi nông sản hiếm thì giá tăng, khi thừa thì xuống, chúng ta đang đánh cược nhiều hơn là làm kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Cần chế tài để liên kết được thực thi
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, Nhà nước lo quá nhiều về việc chặn đứng lây lan của virus mà làm tổn hại các hoạt động bình thường của kinh tế, gây ách tắt giao thông một số nơi trong khi phần lớn các hoạt động thường xuyên bị bỏ dở.
Ông đề nghị, bộ máy điều hành kiểm soát dịch bệnh nên quán xuyến tất cả các hoạt động của xã hội khi thiết kế chương trình chống dịch. Vừa kiểm soát sự lây lan sang người mạnh và hiệu quả chữa trị người bị bệnh, vừa bảo đảm lưu thông dễ dàng cho các nhu cầu dịch vụ nhân sinh hàng ngày, vừa duy trì các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Còn ông Nguyễn Phương Lam nói, để hiệu quả cần hướng đến thị trường cần gì thì sản xuất đó, hướng đến chất lượng chứ không theo số lượng, chỉ tiêu. Sản xuất không chỉ dựa trên mỗi lợi thế về địa hình, hay thổ nhưỡng và tính toán trên nhu cầu tiêu thụ. Khi đó, nông sản sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ không còn ùn ứ hay phải giải cứu. Đó là điều cần phải làm cho nông sản Việt Nam và miền tây nói riêng nếu muốn phát triển ổn định và bền vững.
Ông Lam cũng đánh giá, các mô hình kinh tế chuỗi, hợp tác, liên kết... đã được các nhà kinh tế, chính sách và chuyên ngành phân tích đánh giá, bàn thảo rất nhiều. Song đến nay,mới thu được một số kết quả nhất định trong một vài mặt hàng cụ thể. “Nhiều vấn đề cần tháo gỡ từ chính sách để bài toán liên kết có thể thực thi được chứ không chỉ đơn thuần là mong muốn hay kêu gọi”, ông Lam nói và chỉ ra nhiều bất cập.
Thứ nhất là phải nói đến quy hoạch. Chúng ta đang thiếu quy hoạch và còn nhiều quy hoạch đan xen bất cập trong sản xuất. Bài toán nông nghiệp phải xuất phát từ đất đai và phân chia vùng canh tác. Hay nói cách khác là tạo được vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn để ứng dụng được khoa học kỹ thuật cho sản xuất lớn. Chính sách hạn điền đến nay cũng chưa được “gỡ” vì nhiều lý do khác nhau, phần nào chưa thể tạo được tiềm lực mạnh cho vùng canh tác đồng nhất. Chất lượng của các yếu tố đầu vào chưa được cải thiện dù có tiến triển hơn một thập niên qua. Chất lượng giống, nguồn nước, đất chưa bảo đảm để đồng bộ, phương thức canh tác chưa thống nhất cao, tay nghề và trình độ sản xuất còn hạn chế.
“Một vấn đề nan giải mà có thể là mấu chốt để bảo đảm được tính liên kết, đó là khả năng thực thi và chế tài của pháp luật. Rất nhiều trường hợp xảy ra trong khâu liên kết tiêu thụ nông sản, do lợi ích ngắn hạn nên phía cung (nông dân) hay cả cầu (doanh nghiệp) ít thực thi theo cam kết. Thực tế đang diễn ra nhiều nhưng dường như các biện pháp chế tài rất khó thực thi bởi 2 chủ thể trong mắc xích “doanh nghiệp - nông dân” khá nhạy cảm và phức tạp”, Giám đốc VCCC tại Cần Thơ chỉ rõ.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ nói rằng, giải pháp tìm đầu ra cho ngành nông sản lúc này là cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống kho lưu trữ. Cụ thể là kho lạnh để có thể thu mua và trữ các mặt hàng nông sản của nông dân sản xuất. Chính sách về lãi suất cần tính đến cho những ưu tiên này để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Nhà nước tập trung cho hạ tầng giao thông đường bộ và cảng biển để hàng hóa được lưu thông tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp thương mại sẳn sàng thu mua nông sản và điều tiết được thị trường tiêu thụ. Rào cản còn lại là hạ tầng, logistic cho nông sản vẫn chưa được đáp ứng. Các khâu vận tải, kho bãi, lưu trữ... rất cần thiết cho quá trình từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu, tạo sự thông suốt và năng lực cạnh tranh, nhưng đây là điểm yếu chung của ngành nông nghiệp Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.