Công nhân Công ty Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn được tổ chức ăn nghỉ tại nhà máy
Tuy nhiên, đứng trước áp lực quá lớn mà các lực lượng y tế công lập đang phải đối diện, do đó cần có giải pháp đột phá hơn để doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ lực lượng y tế, chia sẻ nguồn lực với TPHCM dựa trên những tiềm lực của các doanh nghiệp.
Đơn cử như việc tiêm vaccine cho công nhân. Các doanh nghiệp có lượng lao động lớn, tập trung và đã áp dụng mô hình "3 tại chỗ" thì chính quyền có thể tổ chức địa điểm tiêm vaccine lưu động ngay tại doanh nghiệp thay vì yêu cầu công nhân đến phường, xã rất bất cập.
Trong quá trình áp dụng "3 tại chỗ", lao động tại các doanh nghiệp tự theo dõi sức khỏe, tự lấy mẫu để test nhanh Covid-19, song việc xác nhận các kết quả này phía nhà nước vẫn còn thiếu một quy trình chuẩn về mặt y tế.
Khi trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của TPHCM, các doanh nghiệp đều có nguyện vọng sẻ chia khó khăn trong việc xây dựng các khu điều trị Covid-19. Doanh nghiệp muốn hiến mặt bằng để xây bệnh viện dã chiến, khu cách ly... Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ 100% cơ sở vật chất và thiết bị y tế theo yêu cầu của nhà nước từ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Đây sẽ là mô hình trung tâm y tế (medical center) phòng chống Covid-19 phục vụ cho cán bộ nhân viên, người lao động trong khu vực của doanh nghiệp. Trung tâm này sẽ theo dõi, tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, test Covid-19, tiếp nhận, cách ly và tùy năng lực sẽ linh động để sớm tiếp nhận, chữa trị cho người lao động mắc Covid-19, nhất là công nhân nhà máy.
Vai trò của nhà nước sẽ hỗ trợ việc tuân thủ các quy định của ngành y tế để đảm bảo trung tâm này hoạt động hiệu quả. Vấn đề cấp thiết với các doanh nghiệp là tiêm vaccine để bảo vệ chuỗi cung ứng, sản xuất của TPHCM.
Nếu có trung tâm này, các bệnh viện tư sẽ có cơ chế tham gia với hệ thống y tế công lập để cùng tiêm vaccine cho khối doanh nghiệp, linh hoạt hơn về cách thức tiêm cũng như giảm tải cho y tế công.
Trong điều kiện cấp bách hiện nay, doanh nghiệp có thể xây dựng trung tâm y tế này ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp hoặc có thể xây dựng trung tâm quy mô tập trung. Việc mua trang thiết bị y tế của các trung tâm này sẽ do doanh nghiệp chuẩn bị theo yêu cầu của nhà nước từ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Khi hoàn thành sứ mệnh, TPHCM sẽ trả lại mặt bằng cho doanh nghiệp, tất cả các trang thiết bị sẽ tặng lại ngành y tế TPHCM. Trong cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo Thành ủy TPHCM vào ngày 26-7, đề xuất này đã nhận được phản hồi tích cực từ lãnh đạo TPHCM.
Tôi kỳ vọng đề xuất này của các doanh nghiệp sớm được triển khai, giúp các doanh nghiệp yên tâm hơn để duy trì sản xuất, đồng thời tập trung được nguồn lực chống dịch.