Tương tự như đã mua trước các loại vắc xin COVID-19 tiềm năng được thử nghiệm trước đây, các nước phương Tây tiếp tục có chiến lược mua trước các loại thuốc trị COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển.

EU, Mỹ mua trước các loại thuốc trị COVID-19 đang được nghiên cứu - Ảnh 1.

Thuốc Sotrovimab do Hãng dược GlaxoSmithKline phát triển để trị COVID-19 đã được EU đặt hàng mua trước - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, ngày 28-7 Liên minh châu Âu (EU) đã ký hợp đồng với Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) để mua trước thuốc trị COVID-19 thuộc nhóm kháng thể đơn dòng đang được nghiên cứu là Sotrovimab.

Thuốc Sotrovimab do GSK hợp tác với Tập đoàn công nghệ sinh học Vir Biotechnology của Mỹ phát triển. Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhân có nguy cơ cao có các triệu chứng nhẹ, không cần thở oxy.

Thỏa thuận này là tín hiệu cho thấy thế giới có thể sớm có thuốc điều trị COVID-19 vì hiện nay căn bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phía GSK xác nhận về thỏa thuận với EU trong tuyên bố cùng ngày.

GSK cho biết thỏa thuận đại diện cho "một bước tiến quan trọng trong điều trị COVID-19" ở châu Âu. Hợp đồng mua trước này đã được 16/27 nước thành viên EU ủng hộ. Các nước có thể xúc tiến mua Sotrovimab sau khi thuốc được EMA hoặc các cơ quan quản lý dược quốc gia phê duyệt.

Giá thỏa thuận cho các giao dịch mua trước dạng này không được tiết lộ. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến giá thuốc. Các kháng thể đơn dòng bắt chước các kháng thể tự nhiên cơ thể tạo ra để chống lại mầm bệnh.

Hiện thuốc Sotrovimab hiện đang được Cơ quan Dược châu Âu (EMA) đánh giá. Thuốc cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình nhưng có nguy cơ chuyển biến nặng cao.

Trước đó, vào tháng 4-2021, EU ký hợp đồng với Công ty Roche của Thụy Sĩ để mua khoảng 55.000 liều thuốc tiềm năng trị COVID-19 mà Roche phối hợp với đối tác Mỹ phát triển.

Ngoài các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, loại thuốc trị COVID-19 duy nhất khác mà EU đã mua là Remdesivir, một loại thuốc kháng virus của Hãng Gilead, số lượng khoảng nửa triệu liệu trình.

Trước đó, ngày 9-6, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ xác nhận Chính phủ Mỹ đã cam kết chi 1,2 tỉ USD để mua khoảng 1,7 triệu liệu trình thuốc trị COVID-19 Molnupiravir, do 2 công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, nếu thuốc được FDA cấp phép.

Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ hoặc vừa. Thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho thấy thuốc có hiệu quả 100% trên các bệnh nhân COVID-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.

Cho đến nay, việc phát triển vắc xin COVID-19 xem như đã thành công, nhưng thế giới vẫn cần đẩy mạnh phát triển thuốc kháng virus điều trị căn bệnh này để bảo vệ những người đã tiêm nhưng vắc xin không hiệu quả, không thể tiêm vắc xin do cơ địa hoặc không muốn tiêm.

Nhiều công ty dược trên thế giới như Pfizer, AstraZeneca đều đang nghiên cứu thuốc trị các triệu chứng sớm của COVID-19.

 

Các thuốc điều trị COVID-19 sẵn có và đang thử nghiệm, mang lại hy vọng

Các đột biến có thể tạo ra nhiều biến chủng mới có khả năng kháng thuốc. Do vậy, việc phát triển các thuốc kháng virus hiệu quả cần nhắm vào các "mục tiêu bảo tồn" - chính là những thành phần của virus SARS-CoV-2 hiếm khi thay đổi.

Các thuốc điều trị COVID-19 sẵn có và đang thử nghiệm, mang lại hy vọng - Ảnh 1.

Phần lớn sự chú ý của thế giới hiện đang tập trung vào việc cung cấp vắc xin COVID-19 để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần những biện pháp can thiệp khác để đối phó với sự tiến hóa tiềm ẩn của virus này.

Các nhà nghiên cứu đang chịu một áp lực đáng kể trong "cuộc chạy đua" tìm ra phương pháp chữa trị bệnh COVID-19, theo cách mà các nhà khoa học đã thành công trong việc tìm ra thuốc kháng virus đối với virus HIV (gây AIDS) và virus HBV (gây viêm gan B).

Sứ mệnh cao cả

Việc phát triển một loại thuốc điều trị COVID-19 là sứ mệnh mà các nhà khoa học phải thực hiện để sớm đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, virus biến đổi liên tục khiến việc tìm ra một loại thuốc hiệu quả là thách thức lớn.

Các đột biến có thể tạo ra nhiều biến chủng mới (chẳng hạn biến chủng Alpha và Delta) có khả năng kháng thuốc. Do vậy, việc phát triển các thuốc kháng virus hiệu quả cần nhắm vào các "mục tiêu bảo tồn" - chính là những thành phần của virus SARS-CoV-2 hiếm khi thay đổi ngay cả nó biến đổi. Đó là một quy trình phức tạp và vô cùng tốn kém.

Có hai quá trình chính được cho là nguyên nhân dẫn đến cơ chế bệnh sinh của COVID-19. Giai đoạn đầu của bệnh chủ yếu là sự nhân lên của virus SARS-CoV-2. Sau đó, diễn tiến bệnh COVID-19 dường như được thúc đẩy bởi các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cơ thể đối với virus dẫn đến các tổn thương mô.

Dựa trên sự hiểu biết này, các nhà khoa học cho rằng các liệu pháp trúng đích trực tiếp vào virus SARS-CoV-2 sẽ có hiệu quả cao nhất trong giai đoạn đầu của bệnh. Trong khi các liệu pháp miễn dịch hay kháng viêm có thể có lợi hơn trong giai đoạn sau của bệnh COVID-19.

Do đó, các nhà khoa học hy vọng rằng các loại thuốc kháng virus được thiết kế nhắm đến ngăn chặn sự sinh sản nhân lên của virus, qua đó có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.

Các liệu pháp sẵn có

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả cho bệnh COVID-19. Tuy nhiên, một số liệu pháp trong điều trị COVID-19 được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp bao gồm:

+ Thuốc kháng virus: Cho đến nay, remdesivir là thuốc kháng virus duy nhất được phê duyệt trong điều trị COVID-19 vào tháng 10 năm ngoái. Thuốc này được phát triển gần một thập niên trước và cho thấy hiệu quả chống lại các coronavirus khác bao gồm SARS và MERS.

Các nghiên cứu cũng cho thấy remdesivir có khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 diễn tiến nặng thông qua ức chế hiệu quả sự nhân lên của virus SARS-CoV-2. Dẫu vậy hiệu quả của thuốc này được cho là vẫn còn khá khiêm tốn.

+ Thuốc kháng viêm: FDA cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng viêm dạng corticosteroid dexamethasone để điều trị COVID-19 trong một số trường hợp. Dexamethasone có khả năng giảm tổn thương phổi thông qua hoạt tính kháng viêm.

Việc sử dụng dexamethasone có thể làm giảm tỉ lệ tử vong khoảng 30% đối với những bệnh nhân sử dụng máy thở và khoảng 20% đối với những bệnh nhân cần bổ sung oxy. Các thuốc khác, chẳng hạn như prednisone, methylprednisolone hoặc hydrocortisone, có thể được sử dụng nếu không có dexamethasone.

Ngoài ra, theo khuyến nghị của FDA, dexamethasone có thể được sử dụng kết hợp với remdesivir đối với những người nhập viện với COVID-19 đang sử dụng máy thở hoặc cần bổ sung oxy. Trong một số trường hợp, các thuốc kháng viêm khác như tocilizumab hoặc baricitinib có thể được dùng cùng với dexamethasone.

+ Liệu pháp miễn dịch: FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho liệu pháp truyền huyết tương (máu) chứa kháng thể kháng virus SARS-CoV-2. Loại huyết tương này được lấy từ người mắc COVID-19 đang hồi phục để điều trị COVID-19. Liệu pháp này có thể được sử dụng đối với các trường hợp nhập viện mới bị bệnh hoặc có hệ miễn dịch yếu.

Một liệu pháp miễn dịch khác được khuyến cáo là sử dụng kháng thể đơn dòng. Các kháng thể đơn dòng là các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể giúp hệ thống miễn dịch nhận diện và tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Một số loại thuốc kháng thể đơn dòng sẵn có bao gồm sotrovimab và sự kết hợp của hai kháng thể casirivimab và imdevimab. Những loại thuốc này cho phép được sử dụng để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình.

Để có hiệu quả cao nhất, những loại thuốc này cần được sử dụng ngay sau khi bắt đầu có các triệu chứng COVID-19.

Ứng viên molnupiravir

Bên cạnh đó, hiện nay có một số ứng viên tiềm năng khác đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó phải kể đến là molnupiravir được nghiên cứu và phát triển tại Đại học bang Georgia, Mỹ thông qua ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2.

Công ty MERCK đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với molnupiravir vào tháng 4 năm nay. Kết quả cho thấy molnupiravir có hiệu quả ở nhóm người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng lại không có hiệu quả đối với nhóm bệnh nhân nhập viện có diễn tiến bệnh nặng. Kết quả giai đoạn 3 sẽ được công bố trong vài tháng tới trên nhóm người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Một ứng viên tiềm năng khác là plitidepsin. Thuốc này cũng được phát triển bởi các nhà khoa học tại Mỹ và đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Tóm lại, các thuốc điều trị COVID-19 sẵn có và đang thử nghiệm mang lại niềm hy vọng và là một kế hoạch dự phòng cho những người chưa được tiêm chủng vắc xin.