Để góp phần làm nên sự đồng tâm, hiệp lực trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 gian nan, khốc liệt chưa từng có, không thể thiếu báo chí, với sứ mệnh “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng thường xuyên nhắc nhở.

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường đang đẩy cả nước ta vào cuộc chiến chống dịch bệnh gian nan, khốc liệt chưa từng có mà để vượt qua được, cần lắm sự chung tay, nỗ lực đồng lòng của cả dân tộc. Và để góp phần làm nên sự đồng tâm, hiệp lực ấy, không thể thiếu báo chí, với sứ mệnh “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng thường xuyên nhắc nhở.

1. Bùng phát từ ngày 27/4 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Biến thể Delta, Delta-plus của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh, mạnh đã nhanh chóng đẩy nhiều tỉnh, thành của nước ta thành tâm dịch.

Nếu như trong ba giai đoạn đầu của dịch trong thời gian khoảng 1 năm rưỡi, Việt Nam kiểm soát dịch chỉ với gần 3.000 trường hợp mắc bệnh thì nay, trong đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến ngày 26/7 vừa qua, Việt Nam ghi nhận vượt ngưỡng 100.000 trường hợp mắc Covid-19 trên toàn quốc.

Tính đến hết ngày 27/7, đã có 62 tỉnh/thành phố trên cả nước đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc cao nhất với số ca mắc trong ngày từ lâu đã luôn ở mức 4 con số.

Phóng viên tác nghiệp trong dịch Covid-19. Ảnh: VOV

Phóng viên tác nghiệp trong dịch Covid-19. Ảnh: VOV

Sự gia tăng liên tục các ca nhiễm, sự xuất hiện liên tục các ổ dịch cộng đồng đã khiến cuộc chiến chống dịch của nước ta trở nên gian nan, khốc liệt chưa từng có.

Liên tục nhiều giải pháp chống dịch quyết liệt được đưa ra, trong đó có việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam.

Thậm chí, để không xảy ra kịch bản xấu nhất, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn 2468 về siết chặt Chỉ thị 16 với các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn nữa, trong đó có việc từ tối 26/7/2021, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường sau 18h. Tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.

Để hỗ trợ TP.HCM trong cuộc chiến chống dịch, tính đến ngày 27/7, đã có hơn 6.000 nhân viên y tế đã đến chi viện cho thành phố, và trong thời gian tới con số chi viện này sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và TP.HCM vẫn rất cần sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực để chống dịch.

Tại Hà Nội, với sự xuất hiện liên tiếp của các ca nhiễm, ổ dịch từ cộng đồng, UBND TP. Hà Nội đã phải ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày tính từ 6h ngày 24/7.

Những ngày này và có thể sẽ còn trong nhiều ngày tới, cả đất nước sẽ tiếp tục phải gồng mình chống dịch.

Với 94,99% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, sáng ngày 24/7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nội dung bổ sung điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó có Nghị quyết về phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, “thông điệp” “ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu, kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên” đã liên tục được nhấn mạnh, xem đây là “kim chỉ nam” trong thời gian tới.  Tất nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đó thực sự là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với hết thảy.

2. Nhìn lại truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có thể thấy rõ một điều rằng, dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với những thử thách cam go. Nhưng, điều kì diệu là càng qua khó khăn, đất nước càng kiên cường, mãnh liệt, bền bỉ, càng tỏa sáng. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự tương thân tương ái, ý thức cộng đồng và niềm tin tưởng mãnh liệt của nhân dân đã là cội nguồn tạo nên sức mạnh để đối phó với khó khăn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong bài phát biểu sau lễ nhậm chức sáng ngày 26/7 vừa qua đã một lần nữa nhắc nhớ về truyền thống đầy tự hào này khi nhấn mạnh về cái gọi là “tinh thần Diên Hồng”.

“Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra tại hội trường Diên Hồng. Như tên gọi về một sự kiện chính trị trọng đại diễn ra vào năm 1284, tinh thần Diên Hồng là biểu tượng thiêng liêng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là trong những thời khắc có tính quyết định đối với vận mệnh đất nước” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  “cũng bày tỏ niềm tin vào sức mạnh Diên Hồng của dân tộc ta, tinh thần đoàn kết vô địch của nhân dân ta; niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, của tất cả chúng ta về một Việt Nam tất thắng trong việc kiểm soát, đẩy lùi đại dịch Covid-19; để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới”. 

3. Và rõ ràng, để hiện thực hóa được niềm tin mãnh liệt ấy, rất cần sự nỗ lực, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có giới báo chí.

Báo Công luận

Cách đây 59 năm, năm 1962, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ - người đã khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Mới đây, ngày 20/6, tại cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lại một lần nữa nhắc lại lời răn dạy của Bác: “Lịch sử của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn gắn với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bác Hồ, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, đã nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, là cầu nối thể hiện ý Đảng, lòng dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là công cụ “phò chính, diệt tà”".

Cũng nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ mong muốn nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí đối với Chính phủ trong các chương trình hành động sắp tới, trong đó có nhiệm vụ chống đại dịch Covid-19, trên cơ sở phát huy truyền thống “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện được mục tiêu chung.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang trong những ngày gian lao, khốc liệt chưa từng có. Những áp lực, bức bối của những ngày giãn cách xã hội, những thay đổi tiêu cực của đời sống mưu sinh đang tạo nên những áp lực tâm lý khó có thể tránh khỏi của mỗi người dân. Với nhiều cơ quan chức năng, cuộc chiến chống dịch chưa từng có trong tiền lệ, nên như một lẽ đương nhiên, trong quá trình diễn tiến, khó có thể tránh khỏi những tình huống phát sinh, những sai sót không đáng có…

Vai trò của báo chí, cũng như một lẽ đương nhiên, là phản ánh hiện thực cuộc sống một cách nhanh nhạy, kịp thời và cất lên những tiếng nói phản biện sắc bén. Nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc chiến đấu với dịch bệnh cũng đang trở nên gian nan chẳng kém cuộc chiến chống giặc ngoại xâm xưa kia, thì sự sắc nhọn của báo chí đến đâu, sự nhanh nhạy đến đâu, đôi khi cũng rất cần những “trái tim nóng” của những người làm báo cân nhắc, điều chỉnh, làm thế nào để không lan tràn những suy diễn, hoang mang, phân tâm trong nhân dân, trong không gian mạng.

Và trên hết, cái đích lớn nhất, cao nhất cuối cùng vẫn là việc tạo dựng được niềm tin, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, khơi dậy quyết tâm, khí thế vượt qua đại dịch của mỗi người dân, hay nói như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là gìn giữ được “tinh thần Diên Hồng” quý giá “trong những thời khắc có tính quyết định đối với vận mệnh đất nước” như thế này.

Đã làm báo thì không thể không theo đuổi các tiêu chí như: Hay - nhanh - chính xác. Nhưng trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay, không thể thiếu tiêu chí “trách nhiệm” và “nhân văn”.

Nói thường dễ hơn làm. Thay vì chỉ đả phá, chỉ trích, báo chí cần đưa ra các giải pháp; thay vì chỉ “bới lông tìm vết”, “đánh cho chết, nếu không chết cũng lê lết”, báo chí có thể cùng các tập thể, đơn vị tìm tiếng nói chung, cùng nhau khắc phục hạn chế, hướng tới tương lai. Báo chí cách mạng phụng sự nhân dân.

Trong bối cảnh mới, báo chí không chỉ làm tốt sứ mệnh truyền thông tin mà còn tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển; nhân dân ngày càng no ấm hơn” - những chia sẻ một người đang làm báo - Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân - hẳn đáng để những người làm báo hôm nay lưu tâm.

Làm báo trách nhiệm, làm báo để “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” - hẳn sẽ luôn là những thông điệp không thể quên.