Trừ những mặt hàng không thiết yếu, bị hạn chế lưu thông có trong danh mục, tất cả các loại hàng hóa còn lại phải được lưu thông để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như hoạt động sản xuất, xuất khẩu...

Tháo nút nghẽn: Hàng thiết yếu bị hiểu chỉ là lương thực thực phẩm - Ảnh 1.

Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), đề xuất này vừa được Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm khơi thông cho vận chuyển hàng hóa là rất cần thiết và kịp thời, tránh tình trạng mỗi nơi "định nghĩa" hàng thiết yếu một kiểu, gây ra tình trạng ngăn sông cấm chợ.

Tài xế chạy lòng vòng tìm lối đi

Nhiều DN vận tải cho biết dù UBND TP.HCM vừa có văn bản tháo gỡ vướng mắc trong khâu lưu thông hàng hóa nhưng DN vẫn bị nghẽn ở các chốt kiểm tra tại cửa ngõ TP.HCM. Như sáng 28-7, theo ông Nguyễn Ngọc Thanh - giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (Q.12), DN này có xe từ TP.HCM bỏ hàng ở Bình Dương, khi quay về qua cầu Phú Cường bị ngăn lại với lý do xe chạy rỗng không có chở hàng thiết yếu dù tài xế xuất trình giấy tờ như: giấy xét nghiệm âm tính, biên nhận giao hàng ở Bến Cát (Bình Dương)...

Sáng cùng ngày, một xe hàng khác của DN này đi qua tỉnh lộ 10, khu vực giáp giữa huyện Bình Chánh và Khu công nghiệp Đức Hòa (Long An), cũng không được qua. Tài xế phải quay xe lại, tìm đường khác mới vào được TP.HCM. 

"Chúng tôi đã khoanh đỏ điểm lưu ý về lưu thông của UBND TP.HCM để tài xế sử dụng có thể xuất trình với chốt kiểm tra khi cần thiết. Tuy nhiên, mỗi chốt áp dụng cách hiểu khác nhau, DN phải chạy lòng vòng tìm hướng vào TP.HCM khiến chậm trễ cho xe vận chuyển hàng tiếp theo" - ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Tấn Lực - trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam Chemical Logistics - cho biết có chuyến xe vận chuyển mặt hàng giấy cuộn để làm thùng cáctông và bao bì đóng gói đi qua chốt trên đường DT747, đoạn vào Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, nhưng không được qua vì lý do không phải mặt hàng thiết yếu. Tài xế có trình giấy tờ đầy đủ, giấy xét nghiệm SAR-COV2 được 2 ngày và đã giải thích đây là nguyên vật liệu sản xuất nhưng vẫn không được cho qua.

Theo ông Lực, các nhân viên kiểm tra ở chốt này yêu cầu phải có mã QR, có giấy xác nhận "3 tại chỗ" được cơ quan địa phương chứng thực và phải đảm bảo điều kiện "2 vị trí, 1 cung đường". "Tôi có gọi giải thích với chốt kiểm tra đây là nguyên vật liệu sản xuất được phép vận chuyển, nhưng họ vẫn không cho đi. Nếu tài xế không quay đầu xe, đứng lâu sẽ bị lập biên bản. Tài xế quay đầu xe, tìm hướng qua các chốt khác thì được vào" - ông Lực nói.

Ông Nguyễn Lâm Vinh - giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh (Q.7) - cho rằng các DN không chỉ gặp khó khăn trong thủ tục vận chuyển hàng hóa mà chi phí xét nghiệm cũng là một gánh nặng, nhất là trong bối cảnh doanh thu sụt giảm mạnh. Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cần phải có một quy định thống nhất, đặc biệt cách áp dụng kiểm tra tại các chốt, để tạo điều kiện cho DN vận chuyển, tránh trường hợp "văn bản chỉ đạo cấp trên nhưng cấp dưới không làm theo".

Tháo nút nghẽn: Hàng thiết yếu bị hiểu chỉ là lương thực thực phẩm - Ảnh 2.

Công an TP Long Xuyên kiểm tra các xe chở hàng ra vào tỉnh An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Dân thiếu hàng, DN đội chi phí

Theo các nhà bán lẻ, hoạt động vận chuyển phải đáp ứng được mục tiêu đưa hàng thiết yếu đến tay người tiêu dùng, bảo đảm không lây nhiễm COVID-19 chứ không phải nằm ở việc phân biệt hàng hóa thiết yếu cỡ nào. Tuy nhiên, cách quản lý hiện nay đang làm cho việc đưa hàng hóa đến tay người dùng khó khăn và chi phí tốn kém hơn.

Ông Nguyễn Nhơn Quý - đại diện AEON Việt Nam - cho biết việc kiểm tra những giấy tờ mà các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào TP cần xuất trình chưa được triển khai đồng bộ tại các chốt kiểm soát, dẫn đến một số nhà cung cấp giao hàng trễ hoặc không thể giao hàng đến siêu thị.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, việc giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng tới thời gian giao hàng, nhưng khó nhất vẫn là mỗi chốt kiểm soát áp dụng một kiểu định nghĩa "sản phẩm thiết yếu" càng khiến khâu vận chuyển khó khăn hơn.

"Vì vậy hầu hết xe chở hàng của chúng tôi, dù đã đăng ký và được cơ quan chức năng TP.HCM cấp mã QR ưu tiên luồng xanh di chuyển nhưng việc vận chuyển hàng về TP bao giờ cũng khó khăn, một số phải nằm đợi đến khi được đi lại theo quy định mới mới về được các điểm bán" - bà Vân cho biết.

Không chỉ khó khăn trong hệ thống vận chuyển hàng hóa, các nhà bán lẻ và sàn thương mại điện tử còn gặp khó khăn trong khâu phân phối hàng hóa đến tay khách hàng. Trong sáng 28-7, một nhà ứng dụng gọi xe cho biết một tài xế đã bị phạt 2 triệu đồng vì chở hàng không thiết yếu là đơn hàng từ một cửa hàng kinh doanh... thịt bò.

Theo đại diện Saigon Co.op, các đơn đặt hàng online tăng mạnh nhưng nhân sự của các đối tác giao hàng nghỉ nhiều vì sợ bị phạt; nhân sự của đơn vị hỗ trợ nhiều khâu, nhiều trường hợp bị cách ly dẫn đến việc giao hàng cho người dân bị quá tải thêm. 

"Quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt shipper tắt app không nhận vận chuyển, chúng tôi đang phải tìm nhiều giải pháp để tránh đơn hàng ùn ứ quá nhiều" - vị này nói.

Một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM thừa nhận có tình trạng các cơ quan kiểm soát đánh giá hàng thiết yếu tập trung vào lương thực thực phẩm. Đây là điều khá cứng nhắc, dẫn đến nhiều hàng hóa tiêu dùng cũng cần thiết với người dân nhưng không được tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển. 

"Chúng tôi sẽ sớm làm việc với Sở GTVT để có thống nhất trong giải quyết lưu thông hàng hóa thiết yếu" - vị này nói.

Tháo nút nghẽn: Hàng thiết yếu bị hiểu chỉ là lương thực thực phẩm - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của tài xế tại chốt quốc lộ 1K địa phận TP.HCM giáp tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sẽ sớm có danh mục hàng không thiết yếu

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương, đang lấy ý kiến các bên liên quan và sẽ có văn bản thông báo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông nhằm hạn chế cách hiểu mỗi nơi mỗi kiểu, gây nhiều khó khăn. 

Theo đó, ngoại trừ các hàng hóa nằm trong danh mục 19 hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông (được ban hành từ tháng 5-2014 trên cơ sở hướng dẫn từ nghị định số 59/2006/NĐ-CP), các hàng hóa, dịch vụ còn lại sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông.

Theo nhiều DN, nếu đề xuất này được thông qua, hoạt động lưu thông hàng hóa sẽ được tháo nút thắt bởi đang có tình trạng mỗi địa phương, khu vực "định nghĩa" hàng hóa thiết yếu một kiểu, chưa kể nhiều loại hàng hóa là đầu vào của những mặt hàng thiết yếu khác, hàng hóa xuất khẩu...

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết rất ủng hộ đề xuất của Bộ Công thương. Tuy vậy, cần rà soát tiếp các mặt hàng, sản phẩm nào chưa bức thiết để đưa vào danh mục cần hạn chế. Bộ Công thương phải chủ trì lấy ý kiến các bộ về danh mục này. 

Ngoài ra, cần có quy trình thống nhất trong vận chuyển đảm bảo việc lưu thông gắn với phòng chống dịch COVID-19, như áp dụng các biện pháp phòng hộ, bảo hộ y tế, thiết lập luồng xanh như Bộ GTVT đang làm. Có quy trình vận tải hàng hóa thống nhất trong các khâu về kiểm soát phòng dịch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng không thể quản lý hết được các sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu được vận chuyển trên đường mà chỉ quản những sản phẩm cấm lưu thông thôi, tức là danh mục hàng cấm - hàng hạn chế vận chuyển. "Trong bối cảnh dịch bệnh là chưa có tiền lệ, khi triển khai thực hiện các biện pháp phải vừa làm vừa rút

kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của đối tượng bị tác động để điều chỉnh bổ sung trên nguyên tắc vì lợi ích sức khỏe của nhân dân là trên hết" - ông Giang nói.

Chở hàng thiết yếu có mã QR: Xe 2,5 tấn trở xuống được đi lại 24/24 giờ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết cơ quan này đã có hướng dẫn các xe vận tải đi và đến hoặc quá cảnh qua địa bàn TP. Theo đó, các xe có giấy nhận diện (có mã QR) như xe tải nhẹ (khối lượng chuyên chở hàng hóa từ 2,5 tấn trở xuống) được đi lại 24/24 giờ. Xe tải nặng (chuyên chở hàng hóa trên 2,5 tấn) được đi từ 8h đến 16h và từ 20h đến 6h sáng hôm sau theo lộ trình được cấp.

Cũng theo vị này, giấy nhận diện (có mã QR) do Sở GTVT cấp sẽ được tự động gia hạn đến hết ngày 1-8 và chỉ có hiệu lực trên địa bàn TP.HCM. Giấy nhận diện (có mã QR) đã được cấp thông qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (còn hiệu lực) sẽ được sử dụng đến hết theo thời gian và lộ trình quy định trên giấy.

Với các xe vận tải có lộ trình quá cảnh qua TP.HCM hoặc từ các tỉnh nằm ngoài 19 tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội có nhu cầu lưu thông vào TP, nếu giấy nhận diện (có mã QR) còn thời hạn thì được tiếp tục sử dụng giấy nhận diện để lưu thông qua TP theo lộ trình và thời gian đã được cấp.

Trước đó, ngày 27-7 UBND TP đã có văn bản yêu cầu không kiểm tra đối với các xe vận tải hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm... đã được cấp giấy nhận diện có mã QR của ngành giao thông tại các chốt kiểm soát, tại cửa ngõ và trong phạm vi TP.HCM.

Với các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP.HCM, các xe vận tải hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm; nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu... dù chưa được cấp giấy nhận diện phương tiện (mã QR) nhưng người lái xe và người đi cùng trên xe đã có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 (còn giá trị trong vòng 72 giờ) thì lực lượng kiểm soát vẫn cho xe lưu thông qua chốt sau khi đã kiểm tra giấy xét nghiệm. (ĐỨC PHÚ)

Danh mục "tạm" bị phản ứng

Trong khi chờ ý kiến của Chính phủ với đề xuất ban hành danh mục các mặt hàng hạn chế lưu thông, ngày 27-7 Bộ Công thương cũng đã gửi văn bản tới sở Công thương các địa phương đề nghị tham mưu UBND cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.

Theo đó, ngoài các nhóm thực phẩm, hàng hóa thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và sản phẩm từ trứng, sữa tươi..., hàng thiết yếu còn có nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...); nhóm nguyên liệu, năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...

Theo một số DN, hàng thiết yếu với "nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất" như gợi ý của Bộ Công thương, nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, nhôm nguyên liệu, nhôm công nhiệp, nhôm xây dựng khi vận chuyển đều gặp khó khăn do không nằm trong danh mục này. "Việc DN xin duyệt luồng xanh đã khó, nếu áp dụng quy định chưa đầy đủ, rõ ràng về hàng thiết yếu sẽ càng gặp khó khăn nhiều hơn" - một DN nói. (N.AN)

Đặt hàng online, siêu thị ưu tiên cư dân cùng quận

Nhiều người phản ảnh ứng dụng bán hàng online của các siêu thị đều bị tạm khóa chức năng đặt hàng, gọi tổng đài mua online của siêu thị cũng không được. Các siêu thị cho biết chỉ tập trung giao hàng cho cư dân trong quận, các đơn hàng online ngoài khu vực quận sẽ bị từ chối. Do đó, các nhà bán lẻ cho biết người mua hàng sẽ gặp khó khăn hơn với kênh mua sắm trực tuyến trong những ngày tới.

Theo đại diện Gojek, thời gian hoàn tất một đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng GoFood, tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi lâu hơn ngày thường - nhiều đơn hàng mất trên một giờ vì tài xế cần phải tuân thủ quy định giãn cách và thực hiện khai báo y tế. Một số đơn hàng không thể thực hiện thành công do cửa hàng không có đủ mặt hàng hoặc lịch trình đi qua nhiều chốt chặn hoặc địa bàn có nguy cơ cao.

Do đó, dù số đơn hàng tăng nhanh, các sàn thương mại điện tử cũng dè dặt nhận đơn. "Chúng tôi chỉ khuyến khích khách hàng đặt hàng từ các nhà bán hàng trong cùng khu vực để việc vận chuyển được thuận tiện và nhanh chóng hơn cho mặt hàng thực phẩm tươi sống" - đại diện Lazada Việt Nam cho biết. (N.BÌNH)