Lượng container tồn bãi tại cảng Cát Lái đã chạm ngưỡng 100% công suất, nhân sự làm việc giảm một nửa, khiến cảng có nguy cơ gián đoạn hoạt động.

Trong báo cáo về hoạt động sản xuất sau gần 3 tuần TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, lượng container xuất nhập tàu, giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách, dẫn tới lượng hàng tồn tại cảng Cát Lái tăng cao.

Hiện lượng hàng, container tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất.

Lượng hàng nhập tồn tăng nhanh, theo lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn, nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14, 21 ngày do phong toả hoặc do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm".

Với đặc thù thường xuyên hoạt động tối đa công suất nên nếu hàng hoá chậm luân chuyển, tồn bãi tăng cao, nguy cơ cảng Cát Lái phải ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng như một số cảng tại Mỹ, châu Âu năm ngoái.

Cảng Cát Lái (TP HCM) tháng 4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Cảng Cát Lái (TP HCM) tháng 4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước thực tế này, Tân cảng Sài Gòn kiến nghị Tổng cục Hải quan có cơ chế cho phép chuyển hàng nhập khẩu và container tồn trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, giao cho khách hàng và thanh lý tại các cơ sở của Tân Cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TP HCM), các ICD (cảng nội địa) Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) và ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Tân cảng Sài Gòn cam kết chịu trách nhiệm nguyên trạng của Seal và hàng hoá khi chuyển, lưu trữ.

Ngoài khó khăn về lượng hàng tồn ở cảng tăng đột biến, cảng Cát Lái còn đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Hiện lượng nhân sự làm việc tại các vị trí ngoài hiện trường ở cảng (nhân viên cảng vụ, lái cẩy bãi xe, lái xe nâng...) đã giảm 50% so với trước, chỉ còn 250 người.

Việc linh hoạt điều hành công nhân theo một mối thay vì chia từng đội công nhân xếp dỡ tàu cũng không giúp cảng Cát Lái cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động. Thậm chí, những ngày gần đây có hiện tượng nhiều chuyến tàu phải chờ cầu do thiếu công nhân hoặc chờ cho công nhân nghỉ, phục hồi sức lao động do phải làm việc liên tục.

Chưa kể, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" áp dụng với lực lượng công nhân xếp dỡ tàu tại cảng không hiệu quả do đặc thù hoạt động cảng phân tán nhiều địa điểm ngoài trời, mặt bằng cảng Cát Lái đã gần hết chỗ. Mặt khác, khi tập trung số lượng đông công nhân, người lao động ăn ở sinh hoạt cùng một địa điểm lại làm tăng nguy cơ lây lan dịch.

Lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn đề nghị UBND TP HCM ưu tiên cho lực lượng lao động dây chuyền sản xuất cảng Cát Lái, kể cả người lao động do cảng quản lý ký hợp đồng, công nhân xếp dỡ vệ tinh và các đối tượng khác được hoạt động thường xuyên tại cảng.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị thành phố cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất tại cảng, nếu không cư trú tại các khu vực dân cư đang bị phong toả được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc. Tân cảng Sài Gòn sẽ phối hợp cùng các cơ quan y tế xét nghiệm sàng lọc theo quy định.

Thành phố thống nhất, cấp phát hoặc hướng dẫn mẫu giấy thông hành để lưu thông thuận lợi, kể cả sau thời điểm 18h, phù hợp với điều kiện làm việc theo ca, kíp tại cảng, nhất là đối tượng phải thường xuyên di chuyển nhiều khung giờ khác nhau phục vụ việc cập, rời của tàu thuyền như hoa tiêu lai dắt tàu, đại lý làm thủ tục cho tàu.

Riêng những người đang lưu trú tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tân cảng Sài Gòn đề nghị TP HCM, TP Thủ Đức cho phép lưu thông qua phà Cát Lái để vào cảng làm việc, nếu có giấy xác nhận làm việc tại cảng và chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.