Tôi thật sự bất ngờ khi cách đây 2 hôm, vào khoảng 10 giờ tối từ cơ quan về nhà thì tình cờ gặp 2 nữ điều dưỡng viên đi bộ trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) giữa lúc phố phường ở TP.HCM “đã ngủ im rồi”.
Điều dưỡng Trần Thị Thêm (bìa phải) và đồng nghiệp tại phòng ICU của Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM)
ẢNH: NVCC
Bất ngờ là bởi, khi đó, cả thành phố đã bước qua ngày thứ 2 người dân không ra đường sau
18 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau để phòng chống dịch, theo thông báo của chính quyền thành phố. Là nhà báo, tôi thuộc 5 nhóm được phép đi lại vào khung giờ đó để tác nghiệp. Trong đêm khuya, các con đường vắng tanh, không một bóng người và phương tiện. Khi đến đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), tôi nhận biết 2 người trẻ tuổi đang đi bộ là điều dưỡng, nhờ bộ áo quần màu xanh đậm mà các điều dưỡng ở bệnh viện hay mặc.
“Hai bạn đang đi về đâu, có cần giúp gì không?”. Một trong 2 người khá ngập ngừng, và người còn lại (sau đó tôi biết là Trần Thị Thêm, điều dưỡng viên Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An) thì nói: “Em từ Bệnh viện Trưng Vương (giao lộ Lý Thường Kiệt - Tô Hiến Thành, P.14, Q.10) đi bộ về khách sạn cạnh bên Nhà hát TP.HCM (Q.1)”. Qua trao đổi, khi biết quãng đường còn lại khoảng 2 km, 2 nữ điều dưỡng đồng ý quá giang xe tôi về nơi nghỉ.
“Em ở Nghệ An, tình nguyện vào thành phố tham gia chống dịch, được phân công về Bệnh viện Trưng Vương chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng ở phòng hồi sức tích cực (ICU). Làm ca tối, hết ca thì có xe đón đoàn về khách sạn nghỉ ngơi. Hôm nay thử một lần đi bộ cho khỏi bị say xe, cũng để biết đường phố ở đây. Em cũng dò đường qua mạng trước rồi, mà là lần đầu nên có lúc đi chưa đúng, thấy xa”, Thêm vui vẻ kể.
Ở TP.HCM lúc này tuy có nhiều y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ở nhiều tỉnh, thành tình nguyện đến để chung sức, chung lòng điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng gặp trong tình huống như vậy, tôi nghĩ rất là hy hữu.
2 Lần đến bệnh viện Trưng Vương
Liên lạc qua điện thoại vào hôm sau, tôi được biết đây là lần thứ 2 Thêm chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Trưng Vương (là bệnh viện đa chuyên khoa). Lần đầu vào năm 2014, khi đó còn là sinh viên y khoa, Thêm vào Bệnh viện Trưng Vương học thực hành cấp cứu 3 tháng. Lần này, với Thêm như là một cơ duyên.
Thêm là thành viên đoàn công tác đến từ Nghệ An có sự tham gia của 60 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên, trong đó có 33 nữ. Họ là những cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện: Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Sản Nhi Nghệ An, Ung bướu Nghệ An, Nội tiết Nghệ An, Phổi Nghệ An, Chấn thương chỉnh hình tỉnh Nghệ An, đa khoa khu vực Tây Bắc, đa khoa TP.Vinh, đa khoa H.Nghi Lộc, đa khoa H.Diễn Châu, đa khoa H.Đô Lương, đa khoa H.Thanh Chương và Trung tâm y tế H.Quỳ Hợp, tình nguyện đi tuyến đầu chống dịch từ ngày 12.7 vừa qua. Tất cả đã được đào tạo bài bản, nhiều người từng vào tăng cường phòng chống dịch ở Đà Nẵng, Hà Tĩnh và đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
“Đoàn vào tới thành phố thì được tăng cường cho Bệnh viện Trưng Vương. Sau khi xét nghiệm sàng lọc Covid-19, đoàn bắt tay vào việc ngay. Các y bác sĩ, điều dưỡng đã được bệnh viện phân công vào khu điều trị. Em cũng không ngờ có dịp trở lại Bệnh viện Trưng Vương trong lần đi tình nguyện này”, Thêm chia sẻ.
Nơi làm việc của Thêm là phòng ICU. Mỗi ngày 3 ca trực, 8 giờ đồng hồ/ca. Mỗi ca trực có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Trưng Vương, 4 điều dưỡng của đoàn Nghệ An tăng cường, để chăm sóc thường xuyên cho khoảng 20 bệnh nhân Covid-19 nặng đang thở máy.
“Ở trong đây lúc này khổ hơn nhiều”
Nữ điều dưỡng Trần Thị Thêm đã lập gia đình, có con mới 20 tháng tuổi. Trước khi lên đường tình nguyện, ở TP.Vinh (Nghệ An) cũng đang có dịch. Thêm gửi con nhỏ về cho bà ngoại chăm ở H.Quỳ Hợp. “Lúc đầu có đến hơn 200 y bác sĩ, điều dưỡng đăng ký tình nguyện, trong đó đợt này lên đường 60 người. Hôm chốt danh sách, trưởng đoàn hỏi đi mà lúc con còn nhỏ vậy có ảnh hưởng chi không. Em thưa lại là không có ảnh hưởng, con nhỏ đã gửi về ngoại chăm rồi”, Thêm kể và chia sẻ thêm: “Ở trong đây lúc này khổ hơn nhiều. Có bệnh nhân Covid-19 đang bầu bì, chồng một nơi, vợ một nơi, thấy rất thương. Việc mình làm là cố gắng giúp họ sớm gặp lại nhau. Ở phòng ICU có những ca bầu bì, sau một thời gian điều trị thì được chuyển qua phòng khác dành cho bệnh nhân nhẹ hơn”.
Nữ điều dưỡng kể, công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng rất vất vả, chỉ cần sơ suất nhỏ trong vận hành máy thở, theo dõi nồng độ bão hòa ô xy trong máu…, là ảnh hưởng ngay đến tính mạng bệnh nhân. Ở phòng ICU, nồng độ vi rút SARS-CoV-2 cao, là môi trường nguy cơ lây nhiễm rất cao. “Trong ca trực 8 giờ đồng hồ, bác sĩ, điều dưỡng thay nhau được nghỉ một lúc để ăn cơm. Lúc đó mọi người tắm rửa, sát khuẩn, mặc lại bảo hộ rồi trở lại công việc chăm sóc. Trong phòng chỉ mở quạt máy, không bật điều hòa để giảm nồng độ vi rút trong không khí. Nóng thì không sao cả. Nhưng mặc bảo hộ kín suốt nhiều giờ, có chị không quen đã bị ngất, được chuyển qua chăm sóc bệnh nhân nhẹ ở phòng khác. Khi phủ kín bảo hộ, em cũng hay bị khó thở, đau đầu nhưng phải quyết tâm đứng vững để làm việc”, Thêm chia sẻ.
“Tiền nong tầm này quan trọng chi nữa”
Trong các đợt dịch trước, khi ở nhiều tỉnh, thành bùng phát dịch bệnh, y bác sĩ của thành phố đã lên đường chi viện. Đợt dịch này với hàng chục ngàn ca Covid-19, trong số hơn 14.000 y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên, sinh viên ngành y đang tích cực tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, có hơn 4.000 tình nguyện viên là y bác sĩ, điều dưỡng ở Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng… vào tăng cường. Đó là một nguồn lực rất lớn, giúp cho thành phố tổ chức tốt hơn công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Là người đang sống và làm việc ở thành phố, nơi mà bạn đang đến giúp, mình rất biết ơn”, tôi chia sẻ với Thêm như thế. Thêm bảo: “Em và mọi người vào đây được mọi người quan tâm lắm. Ăn, ở với điều kiện rất tốt, đủ sức khỏe để yên tâm chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Mọi người đi với tinh thần tình nguyện, giúp nhau, không ai nghĩ tới chuyện tiền thù lao chi cả. Ở trong bệnh viện, anh chị em hay động viên nhau: “Vất vả kiểu gì cũng phải trụ vững, cố gắng cứu sống bệnh nhân. Tiền nong tầm này quan trọng chi nữa”.
Khách sạn nơi Thêm và đoàn Nghệ An ở ngay trung tâm TP.HCM. Thêm kể, mọi người ở khách sạn thường xuyên quan tâm rất kỹ đến đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện. “Các anh chị ở khách sạn tuyệt vời lắm, chăm lo từng li từng tí. Ngày nào cũng thăm hỏi thức ăn nấu nướng đã hợp khẩu vị chưa để điều chỉnh. Các anh chị đó bảo chăm sóc bệnh nhân lúc này rất vất vả, cần ăn uống đầy đủ để có sức khỏe. Khách sạn mà em và đoàn ở, công nhận sang thiệt. Ở nhà quen với việc ăn no cho ấm bụng để làm việc thôi, còn ở đây có nhiều món Tây ngon, lúc đầu không quen lắm nhưng dần dần đã quen, rất ngon”, Thêm kể.
Lên đường tình nguyện vào thành phố đã hơn nửa tháng, Thêm bảo cũng nhiều lúc rất nhớ con. Khi không trực ca ở bệnh viện thì gọi điện về cho bà ngoại. Những lần như thế, bật màn hình để nhìn mặt con cho đỡ nhớ “chứ con mới có 20 tháng tuổi chưa nói tròn tiếng, chưa quen nói chuyện qua điện thoại”. “Hết dịch mới về. Trưởng đoàn đã nhắn nhủ như vậy. Em và các anh chị cũng bảo nhau như vậy, cố gắng giúp cho qua đợt dịch mới về. Hồi năm 2014 mới vô lần đầu, 12 giờ đêm mà đường phố còn đông xe lắm. Giờ thấy vắng không tưởng luôn. Mong sao tất cả đồng lòng phòng chống để dịch bệnh sớm qua”, Thêm nói.
Viết lại câu chuyện tình cờ gặp nữ điều dưỡng ở Nghệ An tình nguyện đến tuyến đầu TP.HCM chống dịch, tôi cũng thầm bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt tất cả những y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế... khắp nơi đã tình nguyện đến giúp bà con, chính quyền thành phố trong bối cảnh đối mặt vô vàn áp lực vì dịch bệnh Covid-19.