Jeff Bezos muốn trao cho NASA khoản tiền lên đến 2 tỷ USD trong một nỗ lực nhằm tái lập cuộc chiến vũ trụ giữa công ty tên lửa Blue Origin của ông và SpaceX của Elon Musk.

Lần gần đây nhất con người đã khám phá bề mặt Mặt Trăng là trong sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972. Ảnh: Getty Images.

Lần gần đây nhất con người đã khám phá bề mặt Mặt Trăng là trong sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972. Ảnh: Getty Images.

Người đàn ông giàu nhất thế giới Jeff Bezos đã nói chuyện với Quản trị viên NASA Bill Nelson trong một bức thư ngỏ hôm thứ 2, đề nghị trang trải hàng tỷ USD chi phí cho cơ quan vũ trụ Mỹ. Khi làm như vậy, Bezos hy vọng Blue Origin có thể được xem xét lại để có hợp đồng chế tạo phương tiện đưa các phi hành gia tiếp theo lên mặt trăng.

Đề xuất bất thường của ông được đưa ra vài tháng sau khi NASA chọn SpaceX thay vì Blue Origin cho một hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD để chế tạo phương tiện này.

Ban đầu, cơ quan này dự định có ít nhất hai công ty tư nhân cạnh tranh để chế tạo tàu vũ trụ đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng cho các sứ mệnh hạ cánh lên mặt trăng của Artemis - một dự án có tên là Hệ thống hạ cánh của con người (HLS). Nhưng vào tháng 4, NASA đã đưa ra thông báo bất ngờ rằng họ sẽ tiến tới hợp tác với riêng SpaceX với tư cách là nhà thầu duy nhất cho dự án và lấy lý do chính là do chi phí có hạn nên chỉ chọn một nhà thầu.

Blue Origin đã công khai chống lại quyết định này. Bây giờ Bezos - mới trở về thành cổng từ chuyến bay vũ trụ của mình vào tuần trước - muốn đảm bảo rằng công ty mình sẽ được tham gia cùng SpaceX và sẵn sàng cung cấp tiền cho NASA để vấn đề tài chính không còn trở thành một rào cản trong thương vụ cạnh tranh này.

Ông viết: “Blue Origin sẽ cần ít nguồn tài trợ ngân sách của HLS hơn bằng cách miễn trừ tất cả các khoản thanh toán trong hai năm tài chính hiện tại và năm tiếp theo của chính phủ, và khoản này sẽ lên đến 2 tỷ USD để đưa chương trình đi đúng hướng ngay bây giờ.”

Theo ông: “Đề nghị này không phải là hoãn lại, mà là từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn các khoản thanh toán đó.”

Bezos nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của NASA để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh khi cơ quan này nỗ lực hướng tới việc trở lại mặt trăng, và ông cho thấy rằng chính phủ sẽ hối tiếc vì đã không làm như vậy.

Ông viết: “Không có sự cạnh tranh, trong một thời gian ngắn khi ký hợp đồng, NASA sẽ thấy mình có nhiều lựa chọn hạn chế khi họ cố gắng đàm phán về thời hạn đã bỏ lỡ, thay đổi thiết kế và chi phí vượt mức. Nếu không có sự cạnh tranh, các tham vọng về việc du hành lên mặt trăng trong ngắn hạn và dài hạn của NASA sẽ bị trì hoãn, cuối cùng sẽ tốn kém hơn và sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia.”

NASA dự kiến sẽ đưa người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo lên cực nam của mặt trăng vào năm 2024 thông qua chương trình Artemis. Lần gần đây nhất con người đã khám phá bề mặt Mặt Trăng là trong sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972.

Khi đang cạnh tranh cho hợp đồng trên, Blue Origin đề xuất làm việc với tư cách là “Đội ngũ quốc gia” cho chương trình HLS cùng với các nhà thầu chính phủ thường xuyên như Northrop Grumman (NOC) và Lockheed Martin (LMT) để thiết kế một tàu đổ bộ mặt trăng đặc biệt phục vụ trạm vũ trụ , được gọi là Gateway, mà NASA dự định đưa vào quỹ đạo xung quanh mặt trăng. Dynetics có trụ sở tại Alabama, cũng đã phản đối quyết định trao hợp đồng cho SpaceX của NASA và cũng đưa ra một đề xuất tương tự như Bue Origin.

Tuy nhiên, SpaceX đã đề xuất sử dụng Starship, một tàu vũ trụ và hệ thống tên lửa khổng lồ hiện đang trong giai đoạn phát triển ban đầu ở Nam Texas. Mục tiêu chính của SpaceX đối với Starship là đưa con người lên sao Hỏa, nhưng công ty đã đề xuất sử dụng một phiên bản sửa đổi để phục vụ chương trình mặt trăng Artemis của NASA.

Huy Hoàng