Giữa lúc tình hình Biển Đông âm ỉ nhiều căng thẳng, Mỹ và Philippines đạt được đồng thuận về việc củng cố hiệp định quân sự song phương vốn có giữa hai nước.
Tổng thống Rodrigo Duterte tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin
REUTERS
Duy trì lợi ích cốt lõi của Philippines
Hôm qua (30.7), Reuters dẫn lời ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, cùng ngày cho biết Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã khôi phục lại Hiệp định thăm viếng quân sự song phương (VFA) với Mỹ. Đây là một hiệp định quan trọng để quân đội Mỹ có thể hiện diện tại Philippines.
Đây là diễn biến quan trọng về hợp tác quân sự song phương giữa Manila với Washington, bởi Tổng thống Duterte hồi năm ngoái từng khởi động tiến trình hủy bỏ VFA với Mỹ.
Mới đây, khi có bài phát biểu toàn quốc vào ngày 26.7, Tổng thống Duterte đã dùng những câu từ có tính chất lên án Washington khi đề cập vấn đề hợp tác giữa hai bên và tình hình Biển Đông.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Philippines tỏ vẻ không hài lòng với Mỹ khi chỉ ra: “Họ nói rằng nếu Philippines bị tấn công, họ sẽ bảo vệ (theo Hiệp ước phòng thủ chung - MTD). Nhưng họ đã đưa ra tuyên bố rằng Mỹ không can thiệp vào các cuộc xung đột, liên quan ranh giới của các quốc gia khác”. Ý ông ám chỉ rằng Washington sẽ không hỗ trợ Manila nếu Philippines xảy ra xung đột liên quan Biển Đông.
Chính vì thế, theo giới truyền thông quốc tế, việc ông Duterte bất ngờ tuyên bố duy trì VFA cũng khiến nhiều người bất ngờ.
Bộ trưởng Lorenzana thừa nhận không biết lý do tại sao Tổng thống Duterte thay đổi quyết định. Tuy nhiên, ông Lorenzana cho biết việc thay đổi quyết định được đưa ra sau khi ông Duterte có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Manila vào ngày 29.7. Sau Singapore và Việt Nam, Philippines là điểm đến cuối cùng của Bộ trưởng Austin trong chuyến công du Đông Nam Á lần này.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, cho biết quyết định trên của ông Duterte “dựa trên việc duy trì lợi ích cốt lõi chiến lược của Philippines... và sự rõ ràng của Mỹ về các nghĩa vụ và cam kết của nước này theo MDT”.
Hiện nay, trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái căng thẳng với Philippines ở Biển Đông, Mỹ cũng đang xúc tiến nhiều đơn hàng vũ khí cung cấp cho Philippines. Điển hình là gói vũ khí gồm hơn 10 chiếc chiến đấu cơ F-16 với các trang thiết bị và vũ khí đi kèm có tổng trị giá hơn 2 tỉ USD, đơn hàng tên lửa đối không AIM-9, tên lửa chống tàu chiến Harpoon loại lắp đặt cho chiến đấu cơ…
Thay đổi chính sách ?
Cùng ngày 30.7, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: “Việc Tổng thống Duterte tuyên bố không hủy bỏ VFA giữa Philippines và Mỹ thực sự không hề quá bất ngờ”.
“Việc tàu dân binh Trung Quốc hoạt động rầm rộ ở quần đảo Trường Sa từ tháng 3 khiến cho Manila nhận thấy việc chấm dứt quan hệ đối tác lâu dài với Washington là không thể chấp nhận đối với dư luận lẫn tầm chiến lược của Philippines”, ông Nagy phân tích. Thực tế, bất chấp việc ông Duterte “hữu hảo” với Bắc Kinh, Trung Quốc gần đây vẫn thường xuyên tăng cường hoạt động gây rối ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Chính vì thế, PGS Nagy đánh giá: “Ông Duterte dường như đã tính toán rằng việc ông nghiêng về Bắc Kinh không có giá trị gì và không được đa số người dân Philippines ủng hộ, và việc tiếp tục “hữu hảo” với Bắc Kinh có thể gây nguy hiểm cho những nỗ lực của ông trong việc tìm người kế nhiệm vào chức vụ tổng thống Philippines”.
Vài tháng qua, Philippines đã có một số động thái phản ứng mạnh mẽ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng thực tế đến nay thì chưa thể xem là Manila đang thay đổi chính sách đối với Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo vị chuyên gia này, các động thái mới của Manila, bao gồm cả việc tăng cường mua sắm vũ khí, chỉ dừng ở mức “mở đường” để người kế nhiệm ông Duterte vào năm tới trong việc đưa ra chính sách đối ngoại liên quan vấn đề Biển Đông.
Mỹ và Indonesia tập trận chung
Lực lượng Mỹ và Indonesia sẽ khai mạc cuộc tập trận chung Garuda Shield vào ngày 1.8, kéo dài 2 tuần tại các đảo Sumatra, Sulawesi và vùng Kalimantan, theo Nikkei Asia ngày 30.7. Hoạt động tập trận với chủ đề chính là phòng vệ đảo năm nay có sự tham gia của hơn 4.500 binh sĩ và là cuộc tập trận quy mô lớn nhất giữa lực lượng hai nước. Mỹ sẽ điều lực lượng gồm 2.282 người, còn Indonesia điều 2.246 người tham gia. Hoạt động tập trận cụ thể liên quan các chiến dịch trên bộ, lực lượng đặc nhiệm và lính dù. Lực lượng vũ trang Mỹ và Indonesia đang phối hợp với nhau để tăng cường an ninh biển. Lính thủy đánh bộ hai nước đã tập trận chung tại Indonesia vào tháng 6 với nội dung chính là về xung đột ở vùng đô thị. Dự định một cuộc tập trận song phương tương tự sẽ được tổ chức tại Mỹ trong năm nay.
Minh Phương
Tàu sân bay Anh vào Biển Đông, Trung Quốc phản ứng
Chiến đấu cơ F-35 cất cánh trên tàu sân bay Anh ở Biển Đông ẢNH: HẢI QUÂN MỸ |
Tờ The Guardian hôm qua đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đang đi qua Biển Đông trong chuyến thăm châu Á. Hải quân Mỹ cho hay phi đoàn thủy quân lục chiến tấn công số 211 đã tiến hành hoạt động bay trên boong tàu sân bay này ở Biển Đông, kèm những hình ảnh với chú thích “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở một cách yên bình và ổn định mang tính sống còn nhằm đảm bảo thịnh vượng hơn cho khu vực và thế giới”. Trong khi đó, phát ngôn viên Ngô Khiêm của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay nước này tôn trọng tự do hàng hải nhưng cực lực phản đối bất cứ hoạt động hàng hải nào gây tranh cãi. Ông dọa rằng hải quân Trung Quốc sẽ “có hành động cần thiết nhằm đối phó” nếu phía Anh “tìm cách gây bất ổn”.
Khánh An