Đó là chia sẻ của ông Trần Đức Phấn - trưởng đoàn thể thao VN - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả thi đấu của đoàn tại Olympic Tokyo 2020.
Ngày 2-8, đoàn thể thao VN đã kết thúc quá trình tham dự Olympic Tokyo 2020 mà không hoàn thành được mục tiêu giành huy chương.
* Kết thúc quá trình tranh tài tại Olympic Tokyo, ông đánh giá thế nào về kết quả thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam?
- Trước khi đến Olympic Tokyo 2020, đoàn đã biết khả năng của mình đến đâu, đứng ở đâu so với đấu trường thế giới. Vì vậy, mục tiêu của đoàn là thi đấu với tinh thần cao nhất, vượt qua được bản thân mình.
Nhưng đã từng có HCV tại Olympic 2016 nên đến với Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao VN phấn đấu có được huy chương và đặt hy vọng vào môn cử tạ. Rất tiếc một số VĐV ở các môn đã thi đấu không thành công.
Tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng rõ ràng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến công tác chuẩn bị của đoàn thể thao VN.
Từ đầu năm 2020 đến nay, gần như toàn bộ các VĐV không thể đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Thậm chí có những thời điểm, ngay ở trong nước, VĐV cũng không thể tập được vì diễn biến của dịch bệnh.
Cụ thể, trong thời gian chuẩn bị cho Olympic, kình ngư Huy Hoàng không được xuống hồ để tập. Duy nhất chỉ có hai đội tuyển ra được nước ngoài thi đấu là taekwondo, cử tạ để giành vé đến Olympic.
Nhưng khi về nước, đội tuyển cử tạ phải cách ly y tế tập trung hơn 40 ngày trước Olympic mà không tập luyện được. Nếu quá trình chuẩn bị của đoàn thể thao VN tốt hơn, không bị ảnh hưởng dịch bệnh, thành tích thi đấu chắc chắn sẽ được cải thiện.
* Tại Olympic Tokyo, ông thấy thực lực chuyên môn, tâm lý của các VĐV VN như thế nào so với trình độ của thể thao thế giới ?
- Phải nói thật rằng VĐV VN so với thế giới kém hơn họ về nhiều mặt. Nhìn Quách Thị Lan (điền kinh), Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Văn Đương (boxing)… thì thấy VĐV VN rất hạn chế thể hình, thể lực so với đối thủ.
Chúng ta thấp hơn, người mỏng hơn, yếu hơn và tâm lý thi đấu cũng kém hơn đối thủ. Hoàng Thị Duyên (cử tạ) còn rất... run khi lần đầu thi đấu ở Olympic.
Khoảng cách của VĐV, thể thao VN so với thế giới còn rất xa. Chúng tôi biết rõ điều đó nên không bất ngờ về kết quả của đoàn tại Olympic Tokyo. Cá nhân tôi chưa hài lòng với kết quả mà đoàn thể thao VN đã làm được tại Olympic Tokyo.
Thế nhưng các VĐV cũng đã nỗ lực hết sức. Thi đấu không thành công, VĐV, HLV chính là những người buồn nhất.
* Thể thao VN sẽ có giải pháp gì để không lặp lại thất bại tại Olympic Paris 2024?
- Điều kiện đảm bảo cho VĐV đỉnh cao VN thi đấu ở đấu trường Olympic còn nhiều hạn chế, khó khăn. Ngân sách nhà nước có hạn, muốn phát triển thể thao không có cách nào khác phải xã hội hóa, vì vậy phải phát huy được sức mạnh của các liên đoàn thể thao quốc gia, Ủy ban Olympic VN.
Nhưng hiện nay năng lực của hầu hết các liên đoàn thể thao còn yếu, không hỗ trợ được Nhà nước trong việc huy động nguồn lực tài chính để phát triển.
Từ thực tế này, với khoản đầu tư có hạn từ ngân sách, sau Olympic Tokyo chắc chắn ngành thể thao sẽ phải có những điều chỉnh triệt để hơn nữa. Không phải tất cả các VĐV VN đến Olympic đều có khả năng tranh huy chương mà chỉ ở một số nội dung, một số môn.
Với thể hình, sức mạnh hạn chế, thể thao VN chỉ nên tập trung đầu tư mạnh vào những hạng cân thấp của cử tạ, taekwondo, bắn súng, bắn cung…
Nên nhìn lại mục tiêu tại SEA Games
* Từ thực tế ở Olympic, liệu thể thao VN có phải điều chỉnh mục tiêu luôn đứng trong top 3 SEA Games?
- Tôi nghĩ thể thao VN cần thay đổi mục tiêu ở các đại hội như SEA Games. Chúng ta tham gia SEA Games nhưng quan điểm của tôi là không nên quá coi trọng thứ hạng tại đại hội này. Nên tập trung trọng tâm cho Asiad bởi đấu trường này phù hợp với thể thao VN, là cơ sở để một số VĐV có thể vươn lên trình độ Olympic.
Nhưng trong Chiến lược phát triển thể thao VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vẫn đặt mục tiêu thể thao VN phải nằm trong top 3 SEA Games. Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình đánh giá, tổng kết lại chiến lược để thực hiện nhiệm vụ đến 2030.
Nếu điều chỉnh được mục tiêu tại SEA Games, những môn không trọng điểm có thể để cho các địa phương đầu tư cho SEA Games. Khi đó, nguồn lực trung ương sẽ tập trung cho Asiad và một số môn Olympic.