UBND TP.HCM đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ vắc xin ngừa COVID-19 liên tục cho TP.HCM để thực hiện hiệu quả mục tiêu đến cuối tháng 8 có 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin.
TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký công văn khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị cấp vắc xin phòng COVID-19 liên tục cho TP.
Theo đó, qua 16 đợt phân bổ vắc xin ngừa COVID-19 của Bộ Y tế, TP.HCM đã tổ chức tiêm được hơn 1,7 triệu liều (riêng đợt 5 đã triển khai gần 800.000 liều) thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên.
Do tính chất cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và để đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho người dân, UBND TP.HCM dự kiến trong tháng 8-2021 tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và tổ chức tiêm hơn 4 triệu liều.
UBND TP đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ vắc xin liên tục cho TP để thực hiện hiệu quả mục tiêu đến cuối tháng 8 có 70% người dân trên 18 tuổi của TP được tiêm vắc xin.
Theo bản tin 6h ngày 3-8, trong ngày 2-8 có gần 538.490 liều vắc xin ngừa COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 6.959.200 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 6.246.330 liều, tiêm mũi 2 là trên 712.860 liều.
Đây là ngày Việt Nam tiêm chủng được nhiều nhất từ khi triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (đầu tháng 3-2021). Nếu tiêm đạt từ 500.000 mũi/ngày trở lên, đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người dân, đảm bảo độ bao phủ vắc xin, đồng thời đảm bảo yêu cầu an toàn phòng chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, TP.HCM đã điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng đợt 5.
Trong đó, những người trên 65 tuổi hoặc có bệnh lý nền mãn tính được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP sẽ tổ chức tiêm cho tất cả người dân ở TP từ 18 tuổi trở lên. Việc tổ chức tiêm không ràng buộc vào các đối tượng nữa mà sẽ tiêm sao cho có độ phủ nhanh.
Trong đó, vẫn duy trì việc tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng.
Theo ông Đức, việc mở rộng đối tượng tiêm có ý nghĩa là tất cả người dân có cơ hội được tiêm. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp để việc tiêm được tổ chức nhanh nhất có thể.