'Người có điều kiện trả phí tiêm dịch vụ sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện công, tăng cơ hội cho người nghèo được tiếp cận vaccine miễn phí'.

"Tôi thấy nếu có thêm hình thức tiêm vaccine dịch vụ sẽ rất tốt. Giả sử, hiện có 100 liều vaccine miễn phí và 100 người thuộc diện ưu tiên thứ nhất đang xếp hàng chờ tiêm. Nếu công ty hoặc bệnh viện nào đó có thể tìm mua được thêm năm liều vaccine nữa, ví dụ như tìm mua ở các nơi dư thừa hoặc vaccine sắp hết hạn ở Mỹ, thì sẽ có lợi cho mọi người.

Trong 100 người đang xếp hàng kia, nếu năm người nào có điều kiện, họ sẽ chuyển qua tiêm dịch vụ. Như vậy, chỉ còn 95 người diện ưu tiên thứ nhất đang xếp hàng chờ tiêm, và năm người khác thuộc diện ưu tiên thứ hai sẽ được đẩy lên tiêm miễn phí.

Qua ví dụ trên, có thể thấy việc tiêm vaccine dịch vụ có thể đem lại những lợi ích lớn sau:

- Giúp chúng ta mua được nhiều vaccine hơn, số người được tiêm chủng cũng nhiều hơn.

- Những người có điều kiện kinh tế sẽ được chọn loại dịch vụ họ mong muốn.

- Quyền lợi của những người tiêm vaccine miễn phí không hề bị ảnh hưởng.

- Có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine toàn quốc".

Đó là quan điểm của độc giả Ttkd953 đồng tình với đề xuất tiêm vaccine dịch vụ có thu phí của bệnh viện FV. Theo đó, đại diện bệnh viện cho biết họ có thể tiêm 10.000 mũi vaccine mỗi ngày, đề xuất được chủ động đàm phán, mua và nhập vaccine bằng nguồn tài chính của bệnh viện và được thu phí dịch vụ tiêm.

Ủng hộ đề xuất của bệnh viện FV, bạn đọc Stalker cho rằng: "Bỏ tiền ra mà nhận được dịch vụ tốt, không phải chen lấn, không phải thấp thỏm chờ đợi tới lượt, tôi nghĩ sẽ rất nhiều người sẵn sàng. Bệnh viện tư nhân đầu tư kho lạnh nên việc thu phí dịch vụ là điều dễ hiểu. Cái đó là đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp phát triển thì xã hội, đất nước mới phát triển. Người có tiền tiêm dịch vụ sẽ giảm tải cho bệnh viện công, tăng thêm cơ hội cho người nghèo được tiêm miễn phí".

Đó cũng là nhận định của độc giả Tran An: "Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của bệnh viện FV. Việc này sẽ giúp giảm áp lực lên lực lượng y tế, các y bác sĩ. Họ vốn đã bị quá tải vì vừa phải triển khai tiêm chủng, vừa phải điều trị bệnh nhân, nhất là khi tình hình dịch bệnh hiện còn diễn biến vô cùng phức tạp. Nếu tạo điều kiện cho người dân có nguyện vọng tiêm có thu phí, số lượng người dân được tiếp cận vaccine sẽ lớn hơn nhiều".

"Đề xuất này rất hợp lý. Bộ Y tế có thể kiểm soát nguồn cung và chất lượng vaccine, xây dựng giá trần dịch vụ tiêm chủng. Điều đó cũng giống như lâu nay chúng ta tiêm vaccine "5 trong 1" miễn phí cho trẻ, và tiêm "6 trong 1" dịch vụ có thu phí vậy. Ai có khả năng tài chính có thể chọn tiêm dịch vụ, nhường suất miễn phí đó cho người khác. Đây cũng là cách đóng góp vào quỹ vaccine, giúp người dân mọi tầng lớp cảm thấy thoải mái hơn", bạn đọc Xuananh nói thêm.

>> Chen lấn từ xét nghiệm đến tiêm vaccine

Theo lý giải của đại điện bệnh viện FV, cách này sẽ không chỉ có thêm nguồn vaccine lớn mà người dân còn có thể tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm vaccine bằng khả năng tài chính của mình, như một cách góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ủng hộ ý kiến này, độc giả Hoàng Kim đánh giá: "Tôi hoàn toàn ủng hộ cho bệnh viện tư tham gia vào chiến dịch tiêm chủng. Còn nếu cho tiêm dịch vụ bằng vaccine của bệnh viện tự nhập về thì càng tốt. Ai không có tiền hoặc không muốn chi tiền vẫn có thể đăng ký tiêm theo chương trình miễn phí của địa phương. Không ai bị bắt buộc phải trả tiền để tiêm ở bệnh viện tư. Nếu công tác tổ chức tiêm vaccine được làm nhanh gọn như vậy thì tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát".

Trong khi đó, bạn đọc Trung nguyễn doãn khẳng định: "Tôi đồng ý với ý kiến này bởi khi đó chúng ta sẽ có cách tiếp cận vaxcine nguồn mở. Và với giá cả hợp lý, tôi tin chắc chúng ta cũng sẽ nhận được sự đồng tình của phần đông người dân. Lúc đó, nhà nước dồn lực vào mua vaccine. Những người ở vùng khó khăn, nhờ đó cũng được tiếp cận vaccine một cách công bằng hơn, thay vì phải chờ đợi lượt ưu tiên như hiện giờ".

Đồng tình với đề xuất tiêm vaccine dịch vụ có thu phí, độc giả Huy Nhật nhấn mạnh những lưu ý cần thực hiện để giải pháp này mang lại hiệu quả tốt nhất: "Theo tôi, đề xuất thu phí dịch vụ tiêm vaccine Covid-19 là hợp lý. Điều này vừa giúp giảm gánh nặng ngân sách, vừa giảm áp lực cho hệ thống y tế công, lại phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường. Bệnh viện tư và đơn vị kinh doanh dịch vụ y tế đương nhiên cần thu phí để đảm bảo chi phí và lợi nhuận. Chỉ cần đảm bảo những điểm sau:

- Rõ ràng, minh bạch nguồn gốc vaccine.

- Bảo quản vaccine tốt, tiêm đúng quy trình.

- Nhà nước có thể đặt mức giá trần cho các bệnh viện tư nhân để họ tự quy định giá dịch vụ theo đó. Sau đó, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ theo khả năng kinh tế của mình.

Tất nhiên, nếu ai chờ tiêm chủng miễn phí thì cứ chờ, còn ai có điều kiện tiêm dịch vụ thì hãy để họ trả tiền tiêm trước. Chỉ có xã hội hóa như vậy thì chúng ta mới có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng toàn quốc. Sức khỏe và tính mạng con người lúc này mới là quan trọng nhất, tiền bạc cũng chỉ là vật ngoài thân mà thôi".

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, e ngại thu phí tiêm dịch vụ có thể gây ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn vaccine. Vì thế, hiện tại vẫn cần triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên theo danh sách, đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng thay vì thu phí.

Độc giả Quy Thái nhấn mạnh ưu tiên hiện nay việc tiêm vaccine theo danh sách ưu tiên, phân bổ về địa phương theo kế hoạch: "Vấn đề bây giờ không phải là cân đối thu chi hoặc phục vụ theo nhu cầu của người có tiền. Chính sách vaccine miễn phí là của khắp thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Cứ tiêm vaccine miễn phí theo danh sách ưu tiên đã công bố, tiến hành đăng ký ngày giờ tiêm cho từng điểm. Ai không tiêm thì ký xác nhận vào cam kết. Vaccine đã phân bố cho các địa phương thì phải tiêm, nếu không thì điều chuyển để giảm chi phí bảo quản.... Còn ai muốn tiêm dịch vụ trả tiền thì tạm thời cứ cách ly ở nhà chờ đến khi những người khác tiêm xong rồi tính. Chính sách caccine không dành riêng cho người giàu".

Độc giả Mèođen cho rằng cần tiếp tục tiêm vaccine miễn phí để nhiều người được tiếp cận, đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng: "Tôi không tán thành việc tiêm vaccine dịch vụ. Nếu tiêm dịch vụ mất phí thì có người đồng ý, người không thì làm sao kiểm soát và cân đối nguồn vaccine cho các khu vực. Tại thời điểm này nhiều người lao động nghèo, thu nhập gần như không có, họ sẽ không có điều kiện tiêm dịch vụ. Điều cấp thiết bây giờ là các doanh nghiệp hỗ trợ Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ miễn dịch cộng đồng".

Quan điểm của bạn thế nào?