Khó khăn nhất hiện nay trong công tác phòng chống dịch ở TP.HCM hiện nay chính là số ca không triệu chứng vẫn âm thầm xuất hiện,nhiều người nhiễm bệnh không biết nên rất dễ lây thêm cho người xung quanh.
Thử thách đặc biệt lớn nữa là số ca trở nặng và nguy kịch có thể dẫn đến tử vong tăng liên tục, gây áp lực cực kỳ lớn lên hệ thống y tế từ cấp cứu ban đầu đến điều trị chăm sóc đặc biệt.
Hiện tượng các ca F0 không chưa thể đưa đi cách ly tập trung hay đến bệnh viện ngay cũng thường xuyên xảy ra, gây nhiều lo lắng cho người bệnh và thân nhân.
Đó là chưa kể dịch kéo dài ròng rã hơn 2 tháng trời đã khiến đội ngũ y bác sĩ ở nhiều nơi có dấu hiệu kiệt sức, cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để đủ sức đứng vững trong suốt thời gian còn lại.
Cũng do thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch, mọi người phải ở nhà; hàng hóa lưu thông hạn chế đã khiến cho cuộc sống của nhiều người dân, nhất là người nghèo,người yếu thế vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Một hiện tượng nữa là nạn tin giả,tin thất thiệt, gây hoang mang, làm suy yếu công tác phòng chống dịch đang diễn ra ngày càng nhiều và được coi thứ vi rút gây nguy hiểm cần phải đấu tranh, dẹp bỏ.
Những khó khăn, thách thức lúc này là cực kỳ lớn. Với sự hỗ trợ trực tiếp của các cấp,các ngành từ Trung ương và các địa phương trong cả nước, TP.HCM tiếp tục nỗ lực triển khai các biện pháp vừa cấp bách vừa lâu dài.
Trong đó có việc phân tháp 5 tầng trong điều trị, nhằm thu dung các bệnh nhân nhẹ vào các khu cách ly ban đầu, giảm tải cho các tuyến điều trị bệnh nhân nặng. Huy động tất cả trang thiết bị, máy móc nhân lực để hạn chế tối đa các ca trở nặng có nguy cơ tử vong. Công tác chăm sóc, điều trị ban đầu được cải thiện từng bước, số ca xuất viện mỗi ngày lên đến vài ngàn.
Các chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng được thu hẹp. Các bệnh viện hồi sức cấp cứu liên tục được xây dựng. Hệ thống y tế dù phải căng mình trên mọi mặt trận nhưng tiếp tục nỗ lực đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Các ca F0, không triệu chứng, nhẹ được tư vấn, hướng dẫn, cách ly tạm thời tại nhà bước đầu đạt hiệu quả.
Nhiều người đã chủ động trang bị cho mình các kiến thức y khoa phổ thông, thường thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình như súc họng, xịt mũi bằng nước muối, nước sát khuẩn sinh lý. Chủ động cách ly, hạn chế tối đa giao tiếp; vệ sinh, khử khuẩn nơi ở; đeo khẩu trang thường xuyên.
Chăm lo cho người khó khăn, với sự trợ giúp của Trương ương và các địa phương trong cả nước, các nhà hảo tâm, các tấm gương thiện nguyện, thành phố đang cử cán bộ cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để ghi nhận; tổ chức hỗ trợ khẩn cấp, đảm bảo không ai bị đứt bữa, bị bỏ lại phía sau.
Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin đại trà cho các đối tượng, phấn đấu hết tháng 8 này sẽ có 70% dân số từ 18 tuổi trở lên của thành phố được tiêm vắc xin mũi 1.
Các bất cập, hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch đang được từng bước được tháo gỡ và khắc phục với các giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt hơn.
Vấn đề lúc này là khi dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, căng thẳng, mỗi người cần bình tĩnh, tỉnh táo, không hoảng loạn nhưng không chủ quan. Thực hiện đúng nguyên tắc ở yên trong nhà; nguyên tắc 5 K để phòng chống lây nhiễm.
Chấp hành đầy đủ và làm đúng theo các hướng dẫn của chính quyền và ngành y tế; nhất là các chỉ dẫn về chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình trong điều kiện dịch dã bủa vây. Kiên quyết nói không với tin giả, tin thất thiệt. Cổ vũ động viên lực lượng tuyến đầu, nhất là các y bác sĩ đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho nhân dân.
Cùng chính quyền, đoàn thể quan tâm, chia sẻ chung tay hỗ trợ nhau, nhất là dối với các hộ khó khăn, người yếu thế. Tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng đúng với vai trò mỗi người dân là một chiến sĩ trong giai đoạn hiện nay để cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành sự đồng thuận của người dân, dịch COVID ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ được khống chế và đẩy lùi trong thời gian sớm nhất.