Việc xe cứu thương hú còi vô tội vạ, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trên địa bàn TP.HCM. Dịch bệnh vốn mệt mỏi, còi xe cứu thương càng làm cho không khí thêm nặng nề.

Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115: Sau 18h đường trống, một số xe cứu thương vẫn hú còi phiền dân - Ảnh 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 5-8, bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - cho biết sẽ có văn bản tham mưu Sở Y tế TP.HCM về việc khắc phục tình trạng xe cứu thương hú còi vô tội vạ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Theo bác sĩ Long, bản chất của việc hú còi là giành quyền ưu tiên, nhằm cảnh báo người dân nhường đường cho xe cấp cứu làm nhiệm vụ. 

Tuy vậy, trong thời điểm giãn cách xã hội, một số trường hợp xe cứu thương được phản ánh vẫn hú còi ban đêm, dù đường sá trống trơn và luôn được lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết, phân luồng.

"Lúc chưa giãn cách kẹt xe cần phải hú còi từ xa để người dân né, bây giờ đường trống trơn, đặc biệt sau 18h hạn chế tối đa người dân ra đường, thì đâu nhất thiết phải hú còi. Việc này rất ám ảnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân dữ lắm, đặc biệt là những người cao tuổi. Do đó việc hạn chế hú còi trong thời điểm này là điều cần thiết" - bác sĩ Long nói.

Bác sĩ Long cho biết hiện nay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển bệnh cấp cứu, TP.HCM huy động nguồn lực phương tiện rất lớn từ các cá nhân, đơn vị ngoài công lập. Tất cả các phương tiện này khi tham gia cấp cứu đều được gắn còi ưu tiên để thuận tiện cho việc di chuyển.

Ngoài vấn đề hú còi, theo phản ánh từ lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay có một số xe cấp cứu chạy khá nhanh, thiếu an toàn trong quá trình vận chuyển cấp cứu, thậm chí có một số trường hợp tai nạn nguy hiểm. 

"Mục tiêu cuối cùng của cấp cứu là an toàn. Trong khi chưa kịp đưa người bệnh vào bệnh viện đã gây tai nạn thì điều đó là không nên" - bác sĩ Long khuyến cáo.

Theo ông, để hạn chế tình trạng này, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ có biện pháp nhắc nhở tài xế của đơn vị, lực lượng tình nguyện viên được đơn vị điều phối lên các bệnh viện dã chiến và xa hơn là các đơn vị y tế (công lập, tư nhân) thông qua các nhóm mạng lưới cấp cứu ngoại viện.

Đơn vị cũng sẽ có tham mưu với Sở Y tế TP.HCM có biện pháp giám sát, có thể bằng việc chụp hình, trích xuất camera ở các tuyến đường để xử lý các xe cứu thương đường vắng vẫn hú còi và chạy quá tốc độ.

Hiện nay, số lượng xe cứu thương trong hệ thống ngành y tế TP.HCM vào khoảng 230 chiếc. Ngoài ra, TP.HCM trưng dụng hoán cải hàng trăm xe taxi, xe khách 16 chỗ của các doanh nghiệp để phục vụ vận chuyển người bệnh.