Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-8, đại diện Bộ Y tế cho biết báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cho thấy đến nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa đến nhận vắc xin tại kho của viện.

Sau 8-8, cắt vắc xin của tỉnh chậm tiêm: phải kỷ luật người có trách nhiệm chứ không lẽ phạt dân - Ảnh 1.

Không nhận sẽ điều chuyển

Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo liên hệ ngay với các đơn vị trên để tiếp nhận, vận chuyển vắc xin về địa phương theo quyết định phân bổ vắc xin từ đợt 8 đến 13 của Bộ Y tế trước ngày 8-8. Hiện có đến 15/19 tỉnh thành phía Nam (khu vực đang giãn cách) còn để vắc xin tại kho của các viện mà chưa đến nhận theo phân bổ.

Nếu sau ngày 8-8 không đến nhận vắc xin, Bộ Y tế sẽ điều chuyển vắc xin cho đơn vị khác và xem xét việc phân bổ trong các đợt tiếp theo. 

Với các vắc xin có yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo hướng dẫn của nhà sản xuất mà đơn vị chưa bố trí ngay được trang thiết bị phù hợp, phải phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để nhận vắc xin đúng thời điểm, không để phải hủy vắc xin do bảo quản không đúng. 

Sau khi tiếp nhận vắc xin phải khẩn trương tổ chức tiêm chủng cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn.

Chẳng lẽ "dân bị phạt"?

Bà Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết với tình hình dịch ở các tỉnh phía Nam, các tỉnh phía Bắc đang nhường vắc xin cho khu vực phía Nam, có vắc xin về lại cấp hết ngay đến các tỉnh thành.

Về lý do tiêm chậm, có lý do nêu ra là do các tỉnh thành còn đang giãn cách xã hội, tuy nhiên TP.HCM cũng đang giãn cách xã hội vẫn triển khai tiêm khá nhanh trong những ngày gần đây.

Một chuyên gia về tiêm chủng cho biết để vắc xin về đến các đơn vị tiêm phải qua kiểm định, vận chuyển về kho của địa phương, rồi địa phương xây dựng kế hoạch tiêm rồi mới triển khai... những công đoạn đó góp phần khiến tiêm chủng chậm.

"Nếu tiêm chậm phải kỷ luật người có trách nhiệm tổ chức tiêm chủng, còn điều chuyển vắc xin chẳng lẽ lại là phạt người dân, vì dân phải có quyền được tiêm chủng" - chuyên gia này chia sẻ.

 

Kỷ luật đơn vị tiêm chậm, xin đừng 'cắt' vắc xin của dân

Nơi nào tiêm chậm thì bộ kỷ luật, thậm chí cách chức những người có liên quan, thay vì chuyển vắc xin cho các đơn vị khác vì người dân không có lỗi và họ cần được tiêm vắc xin, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online nêu ý kiến.

Kỷ luật đơn vị tiêm chậm, xin đừng cắt vắc xin của dân - Ảnh 1.

Trong lúc dân thì mòn mỏi chờ được tiêm phòng còn chính quyền thì thờ ơ đến mức bộ phải 'dọa' cấp cho địa phương khác! Nếu cấp cho địa phương khác thì dân phải chịu hậu quả của việc chậm trễ này sao?

Bạn đọc tranquoctuanht2@...

"Nơi nào tiêm chậm không hoàn thành đúng chỉ tiêu khi có thuốc thì nên xử lý người lãnh đạo khu vực đó"; "Cần phạt nặng đơn vị tiêm chậm"... nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đề nghị như vậy sau khi Bộ Y tế có văn bản nhắc nhở các đơn vị đẩy nhanh việc tiếp nhận và tiêm vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có nội dung nơi nào tiêm vắc xin chậm sẽ dừng phân bổ vắc xin cho đơn vị đó và phân bổ cho nơi khác.

"Tôi không đồng ý với cách thức này. Nơi nào tiêm vắc xin chậm là do khâu tổ chức, do con người, cần quy trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân trong tổ chức tiêm vắc xin, chứ ai lại chuyển vắc xin đi nơi khác, để rồi người dân chịu thiệt?", bạn đọc Hải Đăng ý kiến.

"Đề nghị phạt phường hay quận nào chậm triển khai tiêm vắc xin cho người dân. Đây không phải lỗi của dân, nếu chuyển vắc xin đi nơi khác thì thiệt thòi cho người dân lắm", bạn đọc duongthuyan.ftu@... viết.

Bạn đọc Huỳnh Thắng nêu: "Phải xem xét cẩn trọng với quyết định dừng phân bổ cho những nơi chậm nhận vắc xin vì sẽ làm cho dân địa phương nơi đó thiệt thòi. Đây là lỗi của cán bộ y tế địa phương nơi chậm nhận vắc xin, chứ không phải lỗi của nhân dân. Ai làm sai phải chịu, sao lại bắt dân phải chịu thiệt thòi theo cái sai của cán bộ y tế? 

Địa phương không nhận về tiêm cho dân thì Bộ Y tế có trách nhiệm đem thuốc xuống tiêm cho dân rồi xử lý cán bộ của mình. Sao lại có chuyện cán bộ làm sai mà dân phải gánh hậu quả?".

Cùng quan điểm, bạn đọc Tùng viết: "Vì tiêm chậm mà chuyển vắc xin cho nơi khác thì không nên. Phải xem bị vướng mắc ở đâu để kịp thời hỗ trợ. Vì mục tiêu là chống dịch".

Nhiều bạn đọc cũng đề nghị Bộ Y tế công khai số liệu phân bổ và số liệu tiêm chủng của các địa phương để người dân giám sát "thì sẽ góp phần giảm sự quan liêu ở các nơi chậm trễ này". 

"Việc tiêm vắc xin cho dân là việc phải làm gấp, không thể viện bất kỳ lý do gì để không làm, hoặc làm trễ. Bộ nên xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu không nhận vắc xin đúng kế hoạch do các yếu tố khách quan như thiếu phương tiện trữ đông, thiếu nhân lực, mà đã cố khắc phục không được thì bộ phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời. 

Nếu có đủ phương tiện, nhân lực trong tay mà triển khai chậm thì bộ phải đề xuất Chính phủ có biện pháp mạnh: thay thế những người có trách nhiệm của đơn vị đó bằng người khác có năng lực, có trách nhiệm; có hình thức kỷ luật thích đáng", bạn đọc Quan nhấn mạnh.

"Nếu địa phương chậm trong việc triển khai tiêm bởi lý do nào đó như thiếu nhân lực, áp lực số ca nhiễm... thì việc điều chuyển vắc xin còn làm tăng thêm áp lực. Thay vào đó, hãy đề xuất chiến lược tiêm vắc xin hiệu quả với vai trò lãnh đạo đầu ngành", bạn đọc Nghia đề nghị.

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm được hơn 7,5/18,7 triệu liều vắc xin (trong đó hơn 14 triệu liều mới tiếp nhận từ giữa tháng 7 và đầu tháng 8).

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan thường trực Tiểu ban tiêm chủng, hiện vẫn còn một số đơn vị rất chậm trễ trong việc tiếp nhận vắc xin, tổ chức triển khai tiêm chủng và báo cáo tiến độ.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp và số lượng lớn vắc xin về Việt Nam trong thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu:

1. Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các kho Quân khu phải thông báo và thực hiện cấp phát vắc xin ngay sau khi nhận được quyết định phân bổ của Bộ Y tế cho các đơn vị. Các đơn vị phải chủ động liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hoặc các kho Quân khu để tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ.

2. Các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), các trường hợp có bệnh lý nền theo đúng nghị quyết số 21 của Chính phủ và quyết định số 3355 của Bộ Y tế. Thực hiện báo cáo, cập nhật tiến độ tiêm chủng hằng ngày theo quy định.

3. Đến ngày 10-8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, điều phối vắc xin cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo.