Bộ Công thương đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất an toàn.
Tổ chức cho công nhân ăn ngủ tại chỗ ở Khu công nghệ cao TP.HCM
ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo Bộ Công thương, sau thời gian doanh nghiệp áp dụng sản xuất giải pháp “3 tại chỗ” (3T) đã bộc lộ một số bất cập nhất định nên Bộ đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất an toàn.
Bộ Công thương nhắc lại cụm từ “tứ bề thọ địch” được nhiều doanh nghiệp (DN) ví von trong thời gian thực hiện mục tiêu kép và cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc triển khai 3T là cơ sở hạ tầng của DN không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện quá lớn. Khi thấy có bất cập, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN, một số nơi dừng thực hiện 3T, làm ảnh hưởng những DN có đủ điều kiện triển khai.
Cần nới lỏng điều kiện
Liên quan Quyết định 2787 của Bộ Y tế về hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, Bộ Công thương đưa ra 7 kiến nghị. Trong đó, kiến nghị ngoài các quy định về hình thức 3T, 1 cung đường - 2 địa điểm, cần có các phương án khác để DN có nhiều lựa chọn.
Chẳng hạn, quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của DN với địa phương, người lao động với DN và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở và cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia 3T giữa chừng và trở về nơi cư trú thế nào để họ yên tâm đăng ký tham gia 3T; có hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất; xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại DN nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và an toàn cho người lao động; bổ sung quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để DN được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau; địa phương cho tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi khu, cụm công nghiệp cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, quyết định.
Đặc biệt, Bộ Công thương nhấn mạnh các thay đổi chính sách nên có lộ trình và thời gian báo trước để DN kịp lên kế hoạch và ứng phó với tình hình, không nên quá đột ngột khiến DN không kịp trở tay.
Ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc., cho biết rất nhiều kiến nghị của Bộ Công thương đang “nói hộ” tâm tư của nhiều phía chứ không chỉ câu chuyện của DN và người lao động nữa. Theo ông, thực tế sau thời gian tổ chức sản xuất theo phương án 3T, rất nhiều người lao động dù rất muốn đi làm có lương và DN muốn duy trì để phục hồi sản xuất, kịp đơn hàng xuất khẩu, nhưng đều gặp khó khăn.
Chẳng hạn, việc ở lại và sử dụng chung phòng tắm, phòng vệ sinh với số lượng đông khá bất tiện, nguy cơ nhiễm chéo quá lớn. Rồi chi phí xét nghiệm, ăn ở đội lên quá nhiều. “Chúng tôi rất ủng hộ nên có nhiều quy định khác để DN chọn lựa, không nên cứng nhắc mỗi phương án 3T, 2 địa điểm - 1 cung đường và quy định cho từng hoàn cảnh, không thể đánh đồng cho tất cả DN và tất cả công nhân được”, ông Thái nói.
Chẳng hạn, với công nhân ở trọ cùng nhà và cùng làm trong một nhà máy, có thể cho về nhà sau khi làm việc với cam kết với DN, địa phương và chính họ đang thực hiện 2 địa điểm - 1 cung đường bằng phương tiện xe cá nhân, giảm áp lực cho công ty và chính người lao động. Nếu được nới lỏng các quy định, DN sẽ khuyến khích công nhân làm cùng công ty có thể đổi về ở trọ chung với nhau theo nhóm 4 - 5 người, thay vì ở chung với những người đang làm việc tại các nhà máy khác, hoặc lao động tự do.
|
Trao quyền, trách nhiệm cho doanh nghiệp
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khẳng định DN luôn đặt trách nhiệm chống dịch lên hàng đầu, bảo vệ an toàn cho người lao động là bảo vệ tài sản của chính họ. Do đó chính quyền các cấp cần trao trách nhiệm và niềm tin về việc chấp hành các quy định phòng chống dịch cho DN.
Các cơ quan chỉ nên kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ DN để đạt được các tiêu chí an toàn, tuyệt đối không nên gây khó khăn cho DN. Phải có chung nhận thức trong các cấp, các ngành và địa phương rằng tất cả DN đủ điều kiện sản xuất 3T thì đều được duy trì sản xuất không phân biệt ngành nghề.
Về cơ bản thì mô hình 3T sẽ không thể kéo dài, cần linh hoạt và tập trung tiêm vắc xin dứt điểm cho DN sản xuất trong thời gian sớm nhất và chuyển sang mô hình 5K và vắc xin, giao quyền tự đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho DN… “Đây là phương án khả thi nhất để ổn định sản xuất lâu dài. Ngoài ra, thành phố nên thành lập tổ xử lý nhanh hỗ trợ DN sản xuất 3T, thiết lập đường dây nóng, thực hiện cơ chế giao tiếp thường xuyên giữa lãnh đạo thành phố và đại diện DN để cập nhật xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh”, ông Dũng bổ sung.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, muốn thực hiện mục tiêu kép trong giới hạn dịch đang bùng phát thì các phương án phải hết sức linh hoạt, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương, của mỗi ngành nghề và thậm chí của từng quy mô DN để tổ chức khoa học hơn.
Đề xuất “vùng đệm”
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 8.8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce, cho rằng dù biện pháp “3 tại chỗ” của Chính phủ đề ra là rất đúng đắn, song qua thực tế triển khai cho thấy chỉ có thể hiệu quả trong thời gian ngắn hạn, khoảng 1 - 2 tuần. Về dài hạn nếu có phát sinh nguồn lây bệnh thì “3 tại chỗ” sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn. Từ đó, bà Phương đề xuất biện pháp “vùng đệm” xung quanh nhà máy để lực lượng lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện một số nhu cầu cá nhân vừa đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ. “DN sẽ chủ động tìm kiếm các “vùng đệm” như trường học, trường nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu chưa được sử dụng tại địa phương gần ngay nhà máy. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu này chỉ có thể thành công khi có sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền sở tại. Do đó, DN mong muốn Chính phủ phê duyệt giải pháp “vùng đệm” và có thể nhân rộng mô hình này. Chủ trương “vùng đệm” sau khi có phê duyệt từ Chính phủ sẽ do chính quyền địa phương quyết định và chỉ đạo thực hiện trực tiếp”, bà Phương kiến nghị.
Chí Hiếu
“Tôi rất ủng hộ kiến nghị của Bộ Công thương đối với Bộ Y tế là các quy định cần chi tiết hơn cho từng đối tượng và linh hoạt hơn. Cần có nhiều giải pháp khác nhau cho mỗi ngành nghề. DN ý thức rất cao việc giữ an toàn cho nhà máy vì đó là vấn đề sống còn của họ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở các địa phương phòng chống dịch nhưng bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc áp dụng phương án 3T cho rất nhiều địa phương hiện nay là đi ngược tinh thần này bởi nhiều DN trong cùng chuỗi sản xuất, tuy nhiên có DN lại bị buộc tạm ngưng hoạt động vì không đáp ứng được chuẩn 3T. Như vậy, làm sao chúng ta thực hiện mục tiêu kép được khi trong chuỗi cung ứng mà có anh làm, anh buộc phải tạm ngưng?”, bà Lan nhận định và cho biết thêm: “Tôi hy vọng những kiến nghị thiết thực này cần sớm được xem xét và sửa đổi ngay, sớm ngày nào tốt ngày đó cho DN”.