(CLO) Hôm nay (1/8), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Hiệp định EVFTA đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Có thể nói tham gia thực thi Hiệp định EVFTA là khát khao của nhiều quốc gia, đặc biệt ở Đông Nam Á và để Việt Nam có được tấm hộ chiếu thông quan EVFTA giảm tới 99% thuế quan là thành tựu cho cả một quá trình phấn đấu.
Theo Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn, EVFTA là những mảnh ghép quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện dần chiến lược hội nhập, là nền tảng giúp các nước đang phát triển như Việt Nam tiếp tục cải cách và thực thi các biện pháp cùng với mở cửa thị trường.
Cùng các FTA khác, như CPTPP, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.
Do EVFTA là hiệp định rất toàn diện, trải rộng từ hàng hoá, đầu tư, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ… Nếu thực thi và được hưởng những điều kiện mà đối tác dành cho Việt Nam thì Việt Nam sẽ nâng cao được kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là có điều kiện hình thành chuỗi giá trị mới.
Với góc nhìn của một nhà cố vấn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, với EVFTA không chỉ xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được nhập khẩu nhiều dòng máy móc, thiết bị tốt hơn. Liên minh EU gồm những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới với mức độ đầu tư công nghệ cao rất lớn.
Trong khi đó, Việt Nam thì đang khát khao phát triển theo công nghệ 4.0. Do đó, thị trường này vừa là nguồn cũng cấp cũng như là bạn hàng đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Nhập khẩu những sản phẩm công nghệ tiên tiến như vậy nó mới nâng được tầm của kinh tế Việt Nam lên và làm cho nền tảng kinh tế chúng ta tốt hơn, làm tăng nội lực cho Việt Nam.
Từ phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Văn Sen - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều gặp khó khăn do lượng khách hàng giảm, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm hoặc âm, trong khi các chi phí khác vẫn phải duy trì. Có doanh nghiệp có thể bị thua lỗ, bị ngừng phát triển hoặc thui chột một thời gian hoặc bị phá sản. Còn người lao động bị mất việc làm.
Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, Hiệp định EVFTA là một điểm sáng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam sang thị trường châu Âu rộng lớn.
Tôi tin tưởng rằng, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua chặng đường gian nan để gặt hái thành công tại thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng, ông Trần Văn Sen nhấn mạnh.
Nhìn nhận về cơ hội hợp tác từ EVFTA, ông Weert Borner - Phó Đại sứ, Tham tán thương mại Đức cho biết, triển khai EVFTA là câu chuyện dài và phức tạp cũng như quá trình đàm phán. Hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đã làm cho tình hình khởi động EVFTA khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam và EU đã có nền tảng phát triển thương mại đầu tư rất tốt sẽ là nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng hiện thực hóa các cơ hội mà EVFTA mang lại.
Hiệp định EVFTA không chỉ mang lại thương mại và đầu tư mà còn chú trọng chất lượng tăng trưởng bền vững, mở cửa các ngành dịch vụ, tiếp nhận đấu thầu công, cùng nhau áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tốt, sử dụng tài nguyên hiệu quả.