UBND TP.HCM yêu cầu mỗi khu vực "vùng xanh" chỉ thiết lập 1 lối đi vào - 1 lối đi ra riêng biệt được kiểm soát 24/24 giờ nhưng phải đảm bảo cho xe cấp cứu, cứu hỏa di chuyển được.
Người dân tự phân công trực tại chốt bảo vệ "vùng xanh" trên đường Đặng Văn Bi, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM
ẢNH: SONG MAI
Ngày 12.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu ký văn bản khẩn yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số nội dung quan trọng để thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”.
"Vùng xanh" có thể được thiết lập trên phạm vi một hoặc một số xã, phường, thị trấn hoặc một quận, huyện nhưng bên trong phải được phân chia thành những khu vực giới hạn bởi các tuyến đường giao thông có các phương tiện vận tải, công cộng có thể lưu thông thường xuyên. Mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân phải được đáp ứng để không phải ra những tuyến đường này.
|
Mỗi "vùng xanh" được quy định cụ thể về: điều kiện an toàn phòng, chống dịch ở mức cao nhất; đối tượng ra - vào khu vực; đối tượng cấm vào khu vực (người không có trách nhiệm, shipper công nghệ...); quyền và trách nhiệm của người dân (không chứa chấp, cho lưu trú đối với người từ bên ngoài, kể cả người thân, bạn bè); quyền và trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ…
UBND TP.HCM lưu ý các quy định khác có thể bổ sung nhưng phải phù hợp với những quy định cao nhất về phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền nhằm phát huy tinh thần tự giác, tính tự quản của mỗi người dân trong khu vực.
Chốt bảo vệ "vùng xanh" tại cư xá Đô Thành, P.4, Q.3 - một trong những "vùng xanh" đầu tiên tại TP.HCM ẢNH: KHÁNH TRẦN |
Về việc thiết lập chốt kiểm soát bảo vệ "vùng xanh", mỗi khu vực chỉ thiết lập 1 lối đi vào - 1 lối đi ra riêng biệt được kiểm soát 24/24 giờ (có thể bố trí camera giám sát) nhưng phải ưu tiên bố trí phù hợp để xe cấp cứu, cứu hỏa có thể di chuyển được và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra vào kể cả người và phương tiện. Các địa phương hạn chế bố trí lối ra vào ở những nơi giáp ranh khu phong tỏa, cách ly, khu vực có người nhiễm Covid-19.
Lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” chủ yếu là lực lượng tại chỗ, trong đó nòng cốt là Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng do UBND phường, xã, thị trấn thành lập, được cấp thẻ công vụ để chỉ đạo, điều hành chung. Cơ cấu lực lượng gồm lãnh đạo UBND, công an, quân sự địa phương, cán bộ y tế, trưởng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và các đoàn thể.
Các lực lượng này có nhiệm vụ thiết lập, quản lý, kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm và cung ứng, phân phối trong khu vực thuộc “vùng xanh”.
Mỗi khu vực trong “vùng xanh” cũng thành lập các tổ công tác có nhiệm vụ tương tự, chịu sự điều hành chung của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng với các lực lượng đoàn thể, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, công an hưu trí, cán bộ, công chức đang nghỉ...
Lập tổ phản ứng nhanh
UBND TP.HCM yêu cầu mỗi “vùng xanh” phường, xã, thị trấn thành lập ít nhất 1 tổ phản ứng nhanh để cơ động, giải quyết kịp thời những trường hợp liên quan đến trợ giúp y tế, xử lý người chống đối, gây rối khi người dân hoặc tổ công tác ở các khu vực yêu cầu; trong đó thành viên phải có lực lượng công an, y tế và dân quân tự vệ, trật tự đô thị…
Bên cạnh đó, mỗi “vùng xanh” thiết lập đường dây nóng gồm số điện thoại của thành viên tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng và thông báo rộng rãi đến người dân.
Việc kiểm soát ra vào “vùng xanh” được thực hiện theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, thực hiện đúng nội quy đã thống nhất. Cư dân trong các khu vực thuộc “vùng xanh” phải được kiểm danh, kiểm diện hằng ngày do tổ công tác thực hiện thông qua các hình thức phù hợp như: phát loa gọi tên, gọi điện thoại, Zalo...
Thanh niên tình nguyện tham gia trực chốt bảo vệ "vùng xanh" ẢNH: KHÁNH TRẦN |
Nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa từ các đầu mối do Sở Công thương điều phối khi vào “vùng xanh” phải mặc trang phục bảo hộ y tế cấp 3.
Cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên có nơi cư trú trong “vùng xanh” được đi làm bình thường, khi về phải khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách ly như trường hợp F1 cách ly tại nhà; quá trình sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình và người xung quanh, bố trí phòng sinh hoạt riêng.
Các trường hợp làm việc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly phải có kết quả xét nghiệm âm tính và có thời gian cách ly tập trung bên ngoài theo quy định của cơ quan y tế TP.HCM trước khi vào “vùng xanh”.