Sau 14 năm bén rễ xanh cây trên mảnh đất vùng cao Tây Bắc, cây cao su được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đời sống của đồng bào ổn định hơn.

Hướng dẫn công nhân cạo mủ cao su
Hướng dẫn công nhân cạo mủ cao su
Ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc, cây cao su không chỉ góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con vùng cao, phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, mà còn củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới.

Làm cho dân tin, dân hưởng ứng

Năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) bắt đầu triển khai thực hiện chương trình phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía bắc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Việc đưa cây cao su tại vùng truyền thống ở phía nam ra đất mới miền núi phía bắc gặp nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, ngay từ đầu, Ban Lãnh đạo VRG đã xác định việc đầu tư trồng cao su tại miền núi phía bắc không hoàn toàn hướng đến lợi nhuận, mà với trách nhiệm của một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, VRG mong muốn cùng địa phương chung tay chăm lo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa cuộc sống bà con dần ổn định, phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là nhằm tri ân đồng bào dân tộc tại vùng giàu truyền thống cách mạng nhưng đời sống còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, VRG có 9 công ty cao su trực thuộc đứng chân trên địa bàn 6 tỉnh miền núi phía bắc (Lai Châu I, Lai Châu II, Dầu Tiếng - Lai Châu, Điện Biên, Dầu Tiếng - Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Mường Nhé - Điện Biên). Trải qua 14 năm định hình và có những kết quả cơ bản khả quan bước đầu, các đơn vị miền núi phía bắc đang dần bước vào giai đoạn có những bứt phá mới khi diện tích vườn cây đưa vào khai thác ngày càng lớn.
Khơi dòng vàng trắng ở Tây Bắc1

Công nhân cao su Mường Nhé - Điện Biên khai thác mủ

Ông Thào A Dế, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND H.Mường Nhé, nhớ lại: “Ngày mới đưa cao su lên trồng, đồng bào chưa biết cây cao su ra sao, có hoa, trái ăn được không? Đưa cây cao su trồng trên đất Mường Nhé có được không? Phát triển và thu hoạch thế nào? Giá trị kinh tế ra sao? Chủ trương của Đảng, Chính phủ đề ra, chúng tôi vận động người dân góp đất để trồng. Vất vả, gian nan lắm vì dân chưa tin”. Dừng lại ít giây, ông nở nụ cười mãn nguyện: “Bây giờ thì tin rồi, đồng bào làm công nhân cao su hết đói nghèo, làm được nhà mới, có xe máy đi làm, thu nhập ổn định”.

Từ chạy vạy, làm lụng vất vả quanh năm mà không đủ ăn, nay vào làm công nhân cao su, nhận chăm sóc vườn cây trồng mới, rồi khai thác, một tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng, có tiền dư, dựng nhà mới và còn mua được cả xe máy. Một điều mà có nằm mơ trước đó không ai tin là có thật

Cháng A Lâu, công nhân Công ty CP cao su Lai Châu II

Thực tế trong quá trình hoạt động, các công ty cao su được đánh giá là doanh nghiệp rất có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, luôn đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân. Hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống con người về văn hóa, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe. Các công ty tích cực chú trọng, quan tâm chăm lo đời sống và các chế độ chính sách cho người lao động. Khu vực miền núi phía bắc hiện có hơn 4.200 lao động, thu nhập bình quân năm 2020 hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Thay da đổi thịt bản làng vùng cao

Công ty CP cao su Mường Nhé - Điện Biên đóng chân tại địa bàn H.Mường Nhé (Điện Biên). Đây là một huyện có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh ở phía cực Tây của Tổ quốc. Nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào (hơn 132 km đường biên giới), Mường Nhé có diện tích hơn 156.908 ha với khoảng 50.000 người, bao gồm 11 dân tộc sinh sống (chủ yếu là người H’Mông, Thái chiếm gần 80%). Xa xôi, hẻo lánh, đường sá cách trở, kinh tế của Mường Nhé trước đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp trên đất dốc sườn núi, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa chưa đồng bộ; trình độ dân trí và đời sống các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành T.Ư và tỉnh Điện Biên, các tập đoàn (trong đó có VRG), kinh tế Mường Nhé từng bước phát triển ổn định, văn hóa xã hội có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Nhờ đó, Mường Nhé hôm nay ngày càng thay da đổi thịt.
Khơi dòng vàng trắng ở Tây Bắc2

Ông Nguyễn Công Tám, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Mường Nhé - Điện Biên, trao giấy khen cho những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ

ẢNH: MINH THÙY

Ông Nguyễn Công Tám, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Mường Nhé - Điện Biên, cho biết năm 2020 công ty đã đưa vào khai thác hơn 388 ha, sản lượng đạt hơn 412 tấn. Tổng doanh thu hơn 11 tỉ đồng, đạt 112% kế hoạch, doanh thu vượt 12%, giảm lỗ 744 triệu đồng. Lương bình quân công nhân 6 triệu đồng/người/tháng...
Tương tự, 12 năm qua, Công ty CP cao su Lai Châu II có hơn 4.727 ha cao su đã phủ xanh các đồi trống, rừng hoang hóa. Đến nay hơn 2.700 ha đã cạo mủ, lương công nhân bình quân 4 triệu đồng/người/tháng - một con số không nhỏ và là niềm mong ước so với mức sống của người dân nơi đây.
Anh Cháng A Lâu, công nhân Đội cao su Chăn Nưa II (Công ty CP cao su Lai Châu II) chia sẻ: “Không vui sao được khi từ chạy vạy, làm lụng vất vả quanh năm mà không đủ ăn, nay vào làm công nhân cao su, nhận chăm sóc vườn cây trồng mới, rồi khai thác, một tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng, có tiền dư, dựng nhà mới và còn mua được cả xe máy. Một điều mà có nằm mơ trước đó không ai tin là có thật”.
Với tiềm lực và sự đầu tư bài bản, hiện 9 công ty cao su miền núi phía bắc tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức đời sống công nhân, nâng cao quản lý, chất lượng đội ngũ cán bộ… để không ngừng vươn lên, qua đó giúp người dân địa phương xóa đi nghèo nàn, góp phần làm thay da đổi thịt vùng cao Tây Bắc. Đặc biệt, các công ty hết sức chú trọng tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Cây cao su và người thợ các dân tộc nơi vùng cao Tây Bắc đã khơi dòng vàng trắng dâng trào cho đời:
Cao su vực thẳm non cao
Tình người tình đất ngọt ngào biên cương...
Trên đà phát triển nhanh
9 công ty cao su trực thuộc VRG đứng chân trên địa bàn 6 tỉnh miền núi phía bắc hiện có tổng diện tích vườn cây đang quản lý hơn 28.573 ha. Năm 2021, tổng diện tích khai thác ở khu vực này là 17.256 ha, sản lượng VRG giao là 18.240 tấn. VRG còn có Nhà máy chế biến Châu Thuận, Cao su Sơn La với công suất 6.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến cao su Lai Châu công suất 5.000 tấn/năm.
Từ số liệu quyết toán tài chính sau kiểm toán của VRG cho thấy nhiều đơn vị miền núi phía bắc đã có những chuyển biến rất tích cực. Tổng doanh thu năm 2020 của khu vực này đạt 412 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2019. Dự kiến năm 2021, tổng doanh thu thực hiện là 556 tỉ đồng, tăng 34% so với năm 2020. Hiện nay, theo đánh giá chung thì các đơn vị miền núi phía bắc đang trên đà phát triển mạnh.