Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều hội, nhóm, cá nhân đăng thông tin kêu gọi cộng đồng ủng hộ từ thiện. Lợi dụng kẽ hở của luật pháp, số tiền được trao bao nhiêu, đã giúp đỡ được những ai thì ít nhóm nào công khai chi tiết. Hoạt động từ thiện cá nhân ngày càng “chuyên nghiệp” với đủ chiêu trò!

Lên án trục lợi từ thiện: Lấy lòng tin bằng nhiều chiêu thức

Ai cũng có thể kêu gọi từ thiện

Nhìn lại, cứ có sự kiện thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh là hàng loạt tài khoản facebook, hoặc qua tài khoản cá nhân ở các mạng xã hội khác, đăng thông tin kêu gọi ủng hộ. Sau khi kêu gọi và nhận được sự đóng góp từ cộng đồng, thì chủ tài khoản chỉ chụp vài tấm hình trao quà, trao tiền, công bố lên là xong. 

Từ khi pháp luật có quy định về việc cá nhân được thành lập quỹ từ thiện với với thủ tục đơn giản, không ít người xin thành lập quỹ với cái tên rất bác ái, rồi tạo ra nhiều trung tâm, dự án mang tên quốc tế để tạo niềm tin nhằm huy động tiền, sau đó lôi kéo, tổ chức lực lượng truyền thông chuyên nghiệp để đánh lừa dư luận. Chẳng hạn, sau khi một số vùng miền xảy ra lũ lụt, người dân bị cuốn trôi nhà, thì có ngay chương trình xây nhà chống lũ. Số tiền vận động mua xi măng chỉ 100.000 đồng/lần. Thấy ít nên ai cũng xúc động quyên góp. Tuy nhiên, do tác động của mạng xã hội nên sức lan tỏa lớn dẫn đến số người tham gia cũng tăng lên. 

Năm 2018, người dùng mạng xã hội có tên J.K. xin phép Bộ Nội vụ cho thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững. Đến nay, có nhiều chương trình kêu gọi từ thiện từ quỹ này. Trước đây là hashtag 3A Hoa Hướng Dương ủng hộ trẻ tự kỷ, gần đây là chương trình kêu gọi ủng hộ máy thở, giúp đỡ người mắc Covid-19. Chỉ kêu gọi mỗi người ủng hộ 10.000 đồng, nhưng đã huy động được số tiền khủng, trên 50 tỷ đồng, bao gồm hiện vật. Tiếp đến là những dòng trạng thái đã ủng hộ rau, cá hộp cho người khó khăn, nhưng họ lại “thỏ thẻ xin tí đạm”, rất đáng thương và gần gũi, trong khả năng giúp được nên nhiều người không ngần ngại “bắn” vào tài khoản quyên góp. 

Từ đơn giản đến chuyên nghiệp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cá nhân “hành nghề” từ thiện hoạt động khá chuyên nghiệp. Trước hết là ăn theo sự kiện. Đây là kiểu kiếm tiền từ thiện dễ dàng nhất. Nếu không ăn theo, thì họ sẽ viết hoặc vẽ lên câu chuyện thật hay, thật cảm động để đánh vào lòng trắc ẩn của người khác mà câu chuyện “bác sĩ Khoa” là một ví dụ.  

Mặc dù nhiều cá nhân, tổ chức làm từ thiện kiểu rất đáng ngờ, như bài xin hỗ trợ từ thiện mà được bỏ tiền chạy quảng cáo trên facebook (như cách mà nhiều nhóm từ thiện đang làm hiện nay), và cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Một việc khác, khi đóng góp từ thiện mà ít người quan tâm chính là thống kê thu chi của quỹ. Với sự tiện lợi của dịch vụ chuyển tiền trên internet, tiền chuyển nhanh và người gửi càng an lòng khi mình đã kịp thời giúp đỡ. Quỹ đó đã thu bao nhiêu và chi bao nhiêu, cho những việc gì, hầu như ít người quan tâm và cũng không nhiều nơi công khai việc này. Đây không chỉ là sự minh bạch lòng tin khi quyên góp từ thiện, mà xa hơn nó còn là câu chuyện pháp lý bởi đa phần người đứng ra kêu gọi và nhận tiền là các cá nhân và dùng số tài khoản ngân hàng của chính mình. 

Tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP (nay đang được dự thảo sửa đổi) thì chỉ có hệ thống MTTQ và Hội Chữ thập đỏ mới có quyền kêu gọi vận động và tiếp nhận tài trợ. “Quỹ từ thiện được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 4 Thông tư 72/2008/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 64 ghi rõ, sau khi vận động, số tiền phải được chuyển cho ban cứu trợ cùng cấp của MTTQ Việt Nam đứng đầu”, luật sư Nguyễn Sỹ Thắng, Đoàn Luật sư TPHCM nói.

Như vậy, các quỹ từ thiện tư nhân chỉ được kêu gọi ủng hộ theo đúng mục đích của quỹ mình, còn đối với thiên tai, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo thì có vận động được, phải chuyển đầy đủ cho MTTQ. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều quỹ từ thiện kêu gọi vận động ủng hộ phòng chống dịch bệnh suốt nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng giám sát về việc này.