Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã chán ngán thốt lên khi xem video, hình ảnh nhiều người ra đường trong thời gian TP.HCM đang giãn cách xã hội chống dịch

Dựa trên hình ảnh phóng viên ghi nhận, nhiều bạn đọc khẳng định có nhiều người không phải đối tượng được phép ra đường: "Thấy các bạn trẻ khoảng 17, 18 tuổi chở nhau ngoài đường. Người lớn chở con nít đi rải rác khắp nơi... Một chị mặc đồ bó màu xanh đọt chuối như đồ bơi, chạy xe đạp trên đường rất thư giãn..." và đặt câu hỏi: ý thức những người này ở đâu?

"Trời ơi buồn quá. Thế này sao dập dịch nổi? Chắc lại tiếp tục giãn cách, Chính phủ, thành phố, người dân lại khổ... Sao nhiều người ý thức chán thế không biết? Bao người ra sức dập dịch thì lại có một số người vẫn vì 'cái tôi' mà làm khổ xã hội và cộng đồng", bạn đọc Ngọc Điệp bức xúc. 

"Trong số những người này mà lây ra bệnh thì thôi rồi, bao nhiêu ngày giãn cách theo chỉ thị 16 xem như đổ bể. Rất chi là có lỗi với nhân viên y tế các bộ ngành, họ đã bỏ công hy sinh để dập dịch...", bạn đọc Adam trăn trở.

Từ đó, bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng siết chặt hơn việc giám sát người dân ra đường khi đang giãn cách và phạt nặng người vi phạm: "Công an phải kiểm tra thật chặt, phạt thật nặng, thậm chí tịch thu xe những người đi ra đường không có lý do chính đáng" (bạn đọc Phuoc Thanh Tran).

Đồng thời, cần tăng cường tuần tra đột xuất, phạt lập tức người ra đường không đúng quy định. "Kiểm soát giấy tờ ngay từ các hẻm, các khu phố nhỏ nơi mà người ta mới vừa ra khỏi nhà. Còn trên các đường lớn chỉ nên kiểm tra theo xác suất hoặc tuần tra lưu động", bạn đọc Tấn Được đề nghị.

TP.HCM đang giãn cách mà đường đông vậy, khi nào mới hết dịch? - Ảnh 2.

Nhiều người, xe trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) trưa 11-8 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Bạn đọc cũng đặt vấn đề về giấy đi đường giả: "Tôi thấy thực tế nhiều công ty, doanh nghiệp không thuộc nhóm được phép hoạt động vẫn kêu nhân viên đi làm như bình thường. Lực lượng kiểm soát không thể nào biết, có giấy tờ hợp lệ là họ cho qua, chưa nói đến giấy thật, việc giả. Kính đề nghị các cơ quan chức năng rà soát lại việc này để chấm dứt tình trạng ra đường tràn lan nêu trên" (bạn đọc Thieu).

"Theo tôi, nên có hệ thống quản lý thông tin số nhân viên từng doanh nghiệp, được phép đi làm. Cấp mã QR code cho từng nhân viên, chỉ cần quét mã QR code sẽ hiện ra tên nhân viên được phép hay không. Số lượng nhân viên đi làm sẽ được giới hạn, kiểm soát cho từng doanh nghiệp. Việc cấp duyệt này thực hiện online và ký bằng chữ ký số", bạn đọc Hùng đề xuất.

Bạn đọc cũng cảnh báo người dân không nên chủ quan lơ là, nhất là những người đã được tiêm vắc xin, và mong mọi người có ý thức tốt hơn, chấp hành tốt giãn cách để phòng chống dịch hiệu quả hơn.

"Xin cố gắng một chút, hãy thương lực lượng tuyến đầu"

"Các bác sĩ và tuyến đầu chống dịch thật sự đã vất vả và quá mệt rồi. Còn rất nhiều công nhân, lao động tự do mất việc đang gắng gượng từng ngày cùng nhau chờ Sài Gòn khỏe lại, mọi thứ có thể hoạt động trở lại bình thường.

Nếu như mỗi chúng ta không cố gắng, không đồng lòng, mỗi người không chịu san sẻ một phần khó khăn thì không biết khi nào đại dịch mới hết.

Mỗi một người khi ra đường, tôi chắc rằng ai cũng sẽ nói lý do mình chính đáng, lý do ra đường của mình cần thiết. Nhưng chúng ta cố gắng nghĩ một chút, thông cảm một chút, trách nhiệm một chút và biết ơn một chút thôi. Tôi tin Sài Gòn sẽ khỏe lại nhanh thôi, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch. Chúc mọi người và gia đình bình an, khỏe mạnh".

(Bạn đọc Dân Sài Gòn)

"Nhà mình ở gần chốt trạm Âu Cơ. Ngày nào các anh công an cũng đứng chốt trạm, rất vất vả. Trời mưa thì các chiến sĩ kiếm chỗ dưới mái hiên đứng nhưng cũng phía ngoài lề đường. Họ cũng là người, trực 6-7 tiếng dưới trời nắng nóng hay mưa gió thất thường như Sài Gòn hoài sao mà chịu được...".

(Bạn đọc minhminh.90)