Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh và cuộc “tiếp sức” tuyến đầu
Sự đóng góp “ngoài sức mong đợi” là món quà ấm áp trong mùa dịch, là sự sẻ chia... của người làm báo với lực lượng tuyến đầu.
Cuộc “tiếp sức” bắt nguồn từ một lá thư tâm sự của một Giám đốc bệnh viện gửi tới toàn thể y bác sĩ của mình. Cuộc “tiếp sức” ấy bắt đầu từ việc Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh kêu gọi các cơ quan báo chí đồng hành, chung tay bằng chính kinh phí trích ra từ mỗi tòa soạn báo. Sự đóng góp “ngoài sức mong đợi” là món quà ấm áp trong mùa dịch, là sự sẻ chia... của người làm báo với lực lượng tuyến đầu.
Của ít lòng nhiều...
Thực ra, chương trình “Hỗ trợ các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19” diễn ra rất nhanh nhưng điều còn đọng mãi trong lòng chúng tôi là ý nghĩa tinh thần mà giới báo chí gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Trích ra một phần kinh phí trong chính lúc các cơ quan báo chí cũng đang gặp nhiều khó khăn, lại phải gánh vác trọng trách to lớn trên mặt trận tuyên truyền nên dù có thể kinh phí “gom góp” không nhiều như các doanh nghiệp nhưng lại trân quý biết nhường nào.
Ngay khi đọc được lá thư tâm sự với rất nhiều tình cảm, sự hy sinh và tinh thần kiên cường, quyết tâm chống dịch của các y bác sĩ bệnh viện Nguyễn Tri Phương, lãnh đạo Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh rất xúc động và nghĩ rằng cần làm ngay một điều gì đó lúc này để động viên, khích lệ các y bác sĩ...
Các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội có sự thống nhất cao, soạn một bức thư ngỏ gửi tới một số Tổng Biên tập các cơ quan báo chí TP. Hồ Chí Minh, cơ quan báo chí trung ương trên địa bàn TP. HCM, một số Tổng Biên tập ngoài Hà Nội...
Ý tưởng ấy rất được ủng hộ, số tiền gửi về liên tục trong vài ngày sau đó. Ban Chấp hành Hội liên hệ mua sắm đồ bảo hộ, khẩu trang, các vật dụng khác... rồi lên ngay các chương trình trao tặng cho các bệnh viện.
Khi nhận được sự kêu gọi của Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm – Giám đốc Cơ quan thường trú Đài TNVN tại TP. Hồ Chí Minh (VOV TP.HCM) hưởng ứng đầu tiên.
Anh Ngọc Năm chia sẻ: “Tôi đánh giá cao sáng kiến này của Hội Nhà báo TP. HCM, bởi các y, bác sĩ là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu. Anh chị em phóng viên, nhà báo ngoài nhiệm vụ đưa tin, bài để công chúng hiểu thêm về sự hy sinh, thiệt thòi, thậm chí mất mát thầm lặng của họ, còn dành tặng phần quà hỗ trợ đã góp phần động viên các y, bác sĩ vững tâm hơn, có thêm sức khỏe, niềm tin để phòng chống đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Chương trình này còn tạo sự gắn bó hơn nữa giữa đội ngũ thầy thuốc với các phóng viên, nhà báo trong công việc của mình. Họ rất xứng đáng nhận được sự chia sẻ, tôn vinh của xã hội”.
“Của cho không bằng cách cho” là điều mà nhà báo Trần Trọng Dũng nhấn mạnh. Chuyện trao quà, làm thiện nguyện với ông đã quá quen rồi bởi ông có tới 20 năm phụ trách lĩnh vực này trong thời kỳ làm lãnh đạo Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Khi sang làm Chủ tịch Hội, các cuộc vận động ủng hộ quyên góp ông khởi xướng đều có ý tưởng hay, khác biệt, cách triển khai nhanh, gọn gàng, khoa học... Do vậy mà luôn nhận được sự thống nhất, ủng hộ và rất hiệu quả.
Ngay như chương trình này khi vừa thông tin tới 11 lãnh đạo các báo hiện là ủy viên Ban Chấp hành Hội thì các nhà báo đều đồng lòng nhất trí, rồi khi ông gọi điện chia sẻ ý tưởng rất chân thành tới nhiều Tổng Biên tập khác cũng đều nhận được sự hưởng ứng. Thế mới hiểu “lãnh đạo nào thì phong trào ấy”, người phát động có sự tận tụy, trách nhiệm và hết lòng với công việc sẽ nhận được những cái nắm tay rất chặt. Hội Nhà báo TP.HCM và các cơ quan báo chí chỉ trong khoảng 2 tuần đã trao quà tận tay tới các y bác sĩ tại 6 bệnh viện với số tiền hơn 600 triệu đồng.
Món quà đặc biệt cho nữ y bác sĩ và cuộc điện thoại trước giờ giao ban
Các vật phẩm được Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh mua ban đầu có các thiết bị bảo hộ, khẩu trang, sữa, khí dung... và chia đều ra cho 6 bệnh viện đã lên kế hoạch. Nhưng thứ đặc biệt nhất được bổ sung “giờ chót” lại khiến các y bác sĩ rất xúc động khi đón nhận, đó là các đồ dùng cá nhân cho nữ y bác sĩ.
Là Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Lý Việt Trung đã đưa ra ý kiến bổ sung mua thêm những vật dụng dành tặng riêng cho các nữ y bác sĩ mà theo chị không thể thiếu....
“Là phụ nữ, chúng tôi hiểu hơn ai hết những hy sinh của các y bác sĩ đặc biệt là các nữ bác sĩ chịu nhiều thiệt thòi khi làm việc trong môi trường bệnh viện thời dịch bệnh. Hoàn cảnh tại bệnh viện rất khó khăn trong sinh hoạt, nhiều khi thiếu thốn lắm mà khó nói, ngại chia sẻ. Khi nhận được món quà đặc biệt này, có nữ Phó Giám đốc bệnh viện đã rất cảm động nói rằng, đây là thứ rất quan trọng, rất quý đối với các nữ y bác sĩ mà lần đầu tiên nhận được món quà đặc biệt này, thật cảm ơn các nhà báo đã rất chu đáo, tâm lý và tinh tế...” - Tổng Biên tập Lý Việt Trung tâm sự.
Kể về chuyện trao quà cho các bệnh viện, nhà báo Trần Trọng Dũng chia sẻ rằng, ông đã triển khai biết bao chương trình thiện nguyện trong hơn 20 năm qua nhưng lần này dù thời gian ngắn mà lòng vẫn đầy tâm tư, trăn trở. Từ chuyện đi trao quà mà bên nhận đứng phía trong còn mình đứng ngoài vì bệnh viện bị phong tỏa do có ca nhiễm đến những ám ảnh khi nhìn thấy dãy quan tài xếp hàng dài trong bệnh viện... Trao quà trong mùa dịch thật không ít nỗi éo le nhưng càng thấy trân quý biết bao cuộc sống và tình người.
Nhà báo Trọng Dũng kể lại: “Tôi nhớ khi đến trao tại Bệnh viện Bình Chánh, những chiếc quan tài chuẩn bị cho người mất vì dịch bệnh Covid-19 cứ xếp dài. Nhìn thấy cảnh tượng ấy thực sự cảm thấy gai người nhưng tôi cũng để ý thấy những chiếc quan tài đẹp quá, xịn quá mà nghe đâu giá trên thị trường hiện rất cao. Bất giác nghĩ trong đầu rằng, vì sao phải dùng loại đẹp vậy khi người nhà còn chẳng được đến đưa tiễn, không làm lễ viếng mà chỉ cho vào lò hỏa táng...
Tôi gọi điện thoại ngay cho Phó Chủ tịch HNB Lý Việt Trung lúc đó đang họp giao ban với Trưởng Ban Tuyên giáo đề nghị đại diện phát biểu hai ý kiến.
Một là, thành phố nên giao cho Sở Công Thương chỉ định một vài cơ sở chế biến sản xuất hàng loạt quan tài cho những đồng bào mất do dịch bệnh. Có thể đóng bằng gỗ tạp, không cần gỗ quá đắt, cần đảm bảo kín đáo, cẩn thận là được. Không thể để tình trạng một vài nhà Đòn lợi dụng đẩy giá trục lợi trên nỗi đau của đồng bào mình. Vì có nhiều gia đình nghèo và bất hạnh, một lúc mất cả bố cả mẹ, sao lo nổi mấy chục triệu mua quan tài. Phải kiến nghị bình ổn giá sản phẩm này rồi trao cho các bệnh viện, thậm chí có thể kêu gọi doanh nghiệp lĩnh vực này hỗ trợ phần nào cho bà con.
Thứ hai là, thành phố nên chỉ đạo Sở Giáo dục & Đào tạo giảm học phí đầu năm học, hoặc chí ít giãn việc đóng học đầu năm chứ nếu hoàn cảnh khó khăn như này thì rất dễ dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng...
Càng đi, càng đến và biết thêm các hoàn cảnh éo le, tôi lại càng thấy cần có các chủ trương hỗ trợ cấp bách. Sau đó, cùng với một số bài báo tham gia góp ý, thành phố đã tiếp thu và quyết định lo việc hương khói cho người mất vì dịch Covid-19 và giao việc này cho quân đội triển khai. Còn việc học phí, tôi cũng hy vọng sẽ được ủng hộ thời gian tới”...
Kết thúc đợt trao quà tại các bệnh viện, nhà báo Trần Trọng Dũng cũng vui vẻ chia sẻ rằng, ngay sau khi đi thiện nguyện về, ông cũng cảm thấy rất vui khi được cắt tóc miễn phí cho một số cư dân trong khu chung cư của mình trong 2 ngày cuối tuần. Mặc dù chỉ vài tuần trước thôi, khu chung cư nhà ông cũng bị phong tỏa vì có ca nhiễm nhưng quả thực với một người không quen ngồi yên thì dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế nào vẫn nghĩ ra những việc có thể làm, nên làm. Cách mà ông thực hiện cũng rất giản dị, không rầm rộ, không quá to tát, vừa đủ lan tỏa và tiếp thêm cho người khác năng lượng và niềm hy vọng...
---------------------------------------------------------------
Vì nghĩa đồng bào mà dốc lòng dốc sức...
Trong bối cảnh hiện nay, ngọn lửa nhân ái đã và đang được người làm báo khắp cả nước thời gian qua nhóm lên và cùng với rất nhiều những lực lượng khác trong xã hội chung tay, lan tỏa, thổi bùng lên... trong đại dịch.
LTS: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người...” - Ca từ bài hát ấy cứ vang lên như những thanh âm trong trẻo vút lên giữa những nốt lặng đau buồn, những mất mát, xót xa vì đại dịch Covid-19 những ngày qua. Chúng tôi đã nhìn thấy trong “cơn lốc” của đại dịch là biết bao nghĩa tình trao gửi, là những trái tim nồng ấm yêu thương, là những con người đã gác lại niềm riêng, sống với một tấm lòng nhân ái... để lan tỏa yêu thương, để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Trong số đó có những nhà báo, cơ quan báo chí không quản ngại khó khăn, vừa xung kích trên tuyến đầu thông tin tuyên truyền về đại dịch vừa theo đuổi cuộc hành trình thiện nguyện bằng trách nhiệm và lương tâm... Mỗi chương trình một cách làm, một hướng triển khai, nhưng dường như cùng chung một nhịp đập hướng về đồng bào, về những y bác sĩ tuyến đầu, hướng về người lao động nghèo khổ, người gặp hoạn nạn vì dịch Covid-19... Báo Nhà báo & Công luận sẽ ghi lại những câu chuyện đẹp ấy của giới báo chí cả nước, mong rằng tinh thần này được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc chiến với dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp và đầy cam go này.
Trong bối cảnh hiện nay, ngọn lửa nhân ái đã và đang được người làm báo khắp cả nước thời gian qua nhóm lên và cùng với rất nhiều những lực lượng khác trong xã hội chung tay, lan tỏa, thổi bùng lên... trong đại dịch. Để rồi trong hoạn nạn mới thấu được nghĩa đồng bào, thấy lấp lánh những yêu thương, lòng trắc ẩn. Từ đó, nhen lên ngọn lửa nhân ái, để mọi người nhận thức được giá trị của cộng đồng, giá trị của tập thể, giá trị của sức mạnh dân tộc.
1. Khi tôi đặt bút viết chủ đề này là lúc đọc được bài viết xúc động của nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc từ một status: “Thầy cô ơi!...””. Tác giả bài báo nói rằng, sau khi đăng thông tin một cô gái có cha mất nhưng không có tiền mai táng, một lãnh đạo Chính phủ đọc và cho hay ông rất xúc động. Ông điện thoại trao đổi với lãnh đạo TP.HCM và được biết: Từ nay, trong giai đoạn dịch hoành hành, bất kỳ người dân TP.HCM nào qua đời mà người thân không đủ tiền mai táng, chính quyền sẽ lo toàn bộ phần chi phí. Rồi ông kể ra cụ thể câu chuyện ấy và lời kêu cứu “Thầy cô ơi” của cô gái ấy nghe mà thấy vừa xót xa vừa thương cảm.
“Đây sẽ không là thảm cảnh duy nhất hay cuối cùng. Tôi cũng không muốn làm mọi người thêm bi lụy bằng câu chuyện này. Tự tôi, vẫn thấy ấm áp không phải vì sự hỗ trợ của Xóm, từ tiền mà mọi người đóng góp. Tôi ấm áp bởi một điều: Trong tận cùng đau đớn bế tắc với người cha đã lạnh, cô học trò tôi vẫn nhớ cô còn một nơi để đưa đôi tay chới với, là mái trường, là thầy cô giáo cũ, để còn những bàn tay ấm nắm nhau!” - nhà báo Đức Hiển nhấn mạnh.
Tôi chia sẻ câu chuyện nhỏ ấy để thấy, có những việc tưởng như rất đơn giản nhưng khi làm một cách tận tâm và hết lòng, rất có thể sẽ thay đổi được rất nhiều điều, không chỉ giúp được một người mà sẽ có rất nhiều người được giúp đỡ sau đó.
Dĩ nhiên, việc giúp cô học trò nghèo trong cơn bĩ cực ấy chỉ là một công việc rất nhỏ bé so với những gì mà nhà báo Đức Hiển cùng Xóm công viên Hạnh phúc đã và đang làm trong những ngày Sài Gòn gian nan vì dịch bệnh mà chúng tôi sẽ kể lại trong những bài tiếp theo. Nhưng dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít thì tấm lòng ấy chắc chắn sẽ là những ngọn lửa ấm áp trong cuộc sống đang nhiều gian khó lúc này.
2. “Trưa nay, sau khi thực hiện hợp đồng mua 18 máy thở CPAP cùng 36 bộ vật tư tiêu hao khẩn cấp cho một trong 4 trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch TP.HCM mới vừa được thành lập thì Hạt Vừng không còn đồng nào... Lại bắt đầu đếm, ngóng từng cái máy thở từ con số tiền đầu tiên... Hết tiền thì lại cùng nhau kiếm chứ hết thở thì không kiếm lại được bằng cách nào. Thế nên các hạt vừng bé nhỏ khắp mọi miền lại cùng nhau kỳ cụi gom góp, tặng hơi thở được tới ai đang khát thở thì lại cố gắng góp thôi. Cổ tích sinh ra từ lòng người - Vừng ơi!” – nhà báo Trần Mai Anh viết những dòng này trên trang cá nhân đã khiến tôi phải dừng lại rất lâu để tìm hiểu về câu chuyện của Quỹ Hạt Vừng.
“Mỗi người đều là một hạt vừng cổ tích mở ra cánh cửa yêu thương”... là tinh thần hoạt động của Quỹ do nhà báo Bùi Ngọc Hải, Trần Mai Anh và một số đồng nghiệp, doanh nhân đứng ra kêu gọi những tấm lòng thiện nguyện để mua máy thở giúp các bệnh viện cấp cứu các trường hợp bị bệnh.
“Thêm một chiếc máy thở cứu được ít nhất thêm một mạng người”... và nếu bạn có thể góp phần cho ai đó 1 cơ hội được sống, có thể thở - thì hãy đồng hành cùng nhóm thiện nguyện Hạt Vừng.
Quỹ còn mở Tiệm tạp hóa Tình yêu, nơi ai gửi tặng đồ hay mua đồ đều vì lòng thương yêu dành cho đồng bào mình. Hiệu tạp hóa yêu thương có lời giới thiệu cũng rất yêu thương: “Nhiều bệnh viện đang cần thêm máy thở và thiết bị y tế. Trong một tháng qua, khi Sài Gòn căng mình chống dịch, nhóm thiện nguyện Hạt Vừng và những người bạn: Quỹ Thiện nhân & friends và Soha.vn gồm những nhà báo, doanh nhân, nghệ sỹ khắp cả nước đã quyên góp được 86 máy thở (7,6 tỷ đồng) cho các bệnh viện tại thành phố.
Chúng tôi tin rằng: thêm một máy thở, thêm một mạng người có thể được cứu. Nhưng các viện vẫn cần thêm máy thở và thiết bị y tế. Chúng tôi kêu gọi bạn tặng lại những món đồ mà bạn cho là giá trị. Với mạng lưới KOLs, nghệ sĩ, nhà báo và tờ báo bè bạn, chúng tôi sẽ bán đấu giá món đồ bạn tặng với giá trị cao nhất và sử dụng số tiền đó mua máy thở cho tuyến đầu. Thêm một bàn tay, thêm một mạng người có thể được cứu”...
3. “Đóng góp vì mục tiêu chung khi đất nước cần” không còn là khẩu hiệu mà đã biến thành hành động thiết thực trong xã hội những ngày qua. Những việc làm thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trên cả nước không thể kể hết trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.
Mặc dù các cơ quan báo chí cũng là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó nhiều phóng viên, hội viên, nhà báo đang tác nghiệp như những chiến sĩ trong cuộc chiến đấu này, nhưng vượt lên nhiều khó khăn, thách thức của đại dịch, các cơ quan báo chí đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn, dành những tình cảm yêu quý, sự quan tâm sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ đang căng sức chiến đấu chống lại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh.
Thông qua nhiều chương trình của Báo Người lao động, các tổ chức doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ với tinh thần “một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng người lao động nghèo gặp khó khăn trong đại dịch và trong cuộc sống, Tổng Biên tập Báo Người lao động Tô Đình Tuân chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lao động khó khăn tới mức độ nào thì chúng tôi cũng có cách ứng phó, hỗ trợ bà con ở mức độ đó chứ nhất định không lùi bước. Dù rằng, báo chí nói chung và Báo Người Lao động nói riêng cũng phải đối mặt với khó khăn về tài chính nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kêu gọi cộng đồng san sẻ, làm sao để bà con nghèo có được những bữa cơm ấm áp, cùng nhau chiến thắng đại dịch”.
Chương trình “Hỗ trợ các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19” do Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan báo chí chung tay tổ chức... sẽ bắt đầu đến các bệnh viện để trao tặng các thiết bị bảo hộ và khẩu trang cho các y bác sĩ trên tuyến đầu.
Đánh giá rất cao hoạt động ý nghĩa này, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng: “Tôi tin là hoạt động này sẽ góp phần nhân lên ngọn lửa nhân ái trong xã hội ta, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khích lệ tinh thần cống hiến hy sinh của các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an. Tôi cũng mong rằng, tinh thần này tiếp tục lan tỏa trong giới báo chí để địa phương nào, ngành nào cũng có những hoạt động ý nghĩa, kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên, cổ vũ các lực lượng đang quên mình ngày đêm trực tiếp chiến đấu, cứu chữa, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân trên cả nước”.
Người làm báo những ngày này đang lăn xả trên mọi mặt trận, vừa nỗ lực để dòng tin tức không ngừng chảy trong điều kiện dịch bệnh, vừa kêu gọi cộng đồng chung tay, thậm chí cùng bỏ tiền túi ra để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những gia đình gặp hoạn nạn trong mùa dịch... Những công việc này hoàn toàn tự nguyện, đơn giản với họ là vì nghĩa đồng bào, vì sự tin tưởng của người dân mà dốc lòng dốc sức...