SGGPO - Những năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM luôn nhận được sự đồng hành của các nhà khoa học, giới trí thức, kiều bào và văn nghệ sĩ đóng góp cho công tác tuyên giáo của  thành phố.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành, giới trí thức, nhà khoa học, kiều bào và văn nghệ sĩ đang sinh sống, làm việc tại TPHCM có những chia sẻ chân thực nhằm cổ vũ, động viên cán bộ ngành tuyên giáo, cũng như góp ý cho công tác tuyên giáo của thành phố ngày càng hiệu quả hơn.

* Ông PETER HỒNG, kiều bào Australia, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: 

Chủ động đưa thông tin chính thống nhanh nhất

Thời điểm phòng chống dịch Covid-19, công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng đã làm rất tốt, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân trong phòng chống dịch bệnh. Điều này góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước. Kết quả đã khẳng định được sự tích cực, chủ động cao của hệ thống thông tin, tuyên truyền của Đảng. Bài học từ công tác tuyên truyền trong phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, chúng ta càng cần phải chủ động đưa thông tin chính thống một cách nhanh nhất, sớm nhất, đầy đủ, đa dạng nhất có thể. 

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, TPHCM vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Với kiều bào, lượng kiều hối gửi về TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 2 tỷ USD và đến giờ phút này, rất nhiều kiều bào mong mỏi trở về quê hương. Trong quá khứ kiều bào từng ra đi, thì bây giờ, kiều bào hăm hở trở về. Kết quả phòng chống dịch Covid-19, kết quả phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đang củng cố niềm tin lớn lao của người dân, của kiều bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Kinh tế vì dịch Covid-19 có thể bị ảnh hưởng, nhưng cái được vô cùng lớn lao là lòng tin. Đó là sự thật và những kết quả này cần được thông tin, tuyên truyền đầy đủ đến người dân.

* PGS-TS NGUYỄN THẾ NGHĨA, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM:

Phải “chạm” vào suy nghĩ của người dân

Những năm qua, công tác tuyên giáo ở TPHCM đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện của TP và góp phần xây dựng TPHCM trở thành đầu tàu phát triển kinh tế cả nước.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển cùng cả nước, vì cả nước của TPHCM hiện nay đòi hỏi công tác tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa, chủ động và nhanh nhạy hơn nữa. Đồng thời phải dự báo được ở mỗi sự kiện kinh tế - xã hội diễn ra, người dân nghĩ gì và cần gì để có định hướng tuyên truyền kịp thời. Chẳng hạn, khi Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, “hậu Covid-19”, đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển trong bối cảnh “trạng thái bình thường mới”, thì ngành tuyên giáo cần phối hợp làm rõ nội hàm và ý nghĩa của khái niệm này. Từ đó quán triệt và phổ biến để mọi người thấu hiểu và chủ động thích ứng với “trạng thái bình thường mới”.

Đất nước ngày càng đổi mới, xã hội càng phát triển, trình độ dân trí càng cao, càng đòi hỏi công tác tuyên giáo phải phát triển vượt lên với những luận cứ khoa học - thực tiễn thuyết phục, “chạm” vào trái tim, suy nghĩ của người dân. Nói một cách hình ảnh: công tác tuyên giáo vừa ở vai trò “tiền đạo” vừa ở trung tâm, lại vừa ở “hậu vệ” của mỗi sự kiện kinh tế, chính trị - xã hội của TPHCM và luôn tiến về phía trước.

* NSƯT MỸ UYÊN, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B: 

Tuyên giáo cần gần hơn với nghệ sĩ

Trong bối cảnh TPHCM hội nhập và phát triển, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến ngành văn hóa, giải trí có tác động rất lớn đến người dân. Tuyên giáo TP luôn định hướng kịp thời cho những loại hình nghệ thuật chính thống có hướng đi đúng đắn, nhằm tạo ra những sản phẩm giải trí kết hợp giữa hiện đại với truyền thống, phù hợp với văn hóa của người Việt. 

Tuyên giáo và những thách thức của thời đại ảnh 1
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM thường xuyên gắn kết với văn nghệ sĩ qua các chương trình về nguồn. Ảnh: THU HƯỜNG

Từ sự định hướng của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhiều nghệ sĩ đã có những tác phẩm nghệ thuật lồng ghép thông điệp về Đảng, đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. Có thể kể đến vở kịch “Dấu xưa” của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B tuyên truyền Chỉ thị 05 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, được người dân đón nhận. Với ý nghĩa của vở kịch cùng sự hỗ trợ từ Ban Tuyên giáo Thành ủy, các nghệ sĩ Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B có điều kiện đưa vở kịch đi lưu diễn nhiều nơi để tuyên truyền lòng yêu nước, củng cố lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.

Tuyên truyền bằng nghệ thuật vốn không mới, song tuyên truyền bằng nghệ thuật để được người dân đón nhận thì đòi hỏi người nghệ sĩ phải luôn thay đổi, luôn làm mới tác phẩm của mình. Mặt khác, để nghệ thuật làm tốt vai trò tuyên giáo nhưng không rời xa yếu tố giải trí thì công tác tuyên giáo phải gần hơn nữa với nghệ sĩ, để hiểu hơn về thị hiếu của khán giả cũng như kịp thời định hướng trong việc sản xuất, thực hiện các tác phẩm nghệ thuật.

* Thượng tọa THÍCH THIỆN QUÝ, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM: 

Định hướng niềm tin cho cộng đồng tôn giáo

Thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã định hướng giúp Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đưa ra những chương trình để tăng ni, phật tử, tín đồ Phật giáo có các hoạt động tôn giáo phù hợp. Qua đó, các ban chuyên môn của Phật giáo TPHCM xây dựng định hướng truyền thông tư tưởng Phật giáo, đạo đức xã hội nhằm ổn định đời sống vật chất, tinh thần, nhất là công tác vận động tuyên truyền tăng ni, phật tử, tín đồ Phật giáo thực hiện có kết quả các chủ trương của lãnh đạo thành phố.

Điển hình như việc tuyên truyền không xả rác ra đường, thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch covid-19, cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác xây dựng khu phố văn hóa, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Qua đó, tăng ni, phật tử và tín đồ Phật giáo không những ổn định được đời sống mà còn chung tay cùng Giáo hội và TPHCM, góp phần vào sự ổn định xã hội để TPHCM luôn giữ vững ngọn cờ đầu về nhiều mặt của cả nước.

Đứng trước những cộng hưởng nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều thành quả thiết thực cho đời sống người dân nhưng cũng có những hệ lụy. Do đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy cần có những định hướng thiết thực về công tác giáo dục, để điều chỉnh và định hướng xã hội đối với một số phương thức kinh doanh có yếu tố tôn giáo, tránh làm ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo, gây ra sự bức xúc trong cộng đồng.

* Thạc sĩ LÊ MINH TIẾN, giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM:

Tuyên giáo và sự lắng nghe hai chiều

Trong thời gian qua, công tác tuyên giáo của Đảng có những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả tốt hơn trong tương lai thì có lẽ cần có những cách làm phù hợp hơn với bối cảnh, tình hình mới.

Nếu trước đây, khi Internet chưa phổ biến, công tác tuyên giáo có thể dựa vào các phương tiện như báo chí, đài phát thanh, truyền hình để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì hiện nay, internet gần như được phổ cập và ngày càng trở thành kênh thông tin chiếm ưu thế. Do đó, công tác tuyên giáo cần phải có các giải pháp tận dụng được internet và tiện ích của nó như mạng xã hội để nắm bắt dư luận, tâm tư nguyện vọng của người dân để có cách truyền bá các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước hiệu quả hơn.

Công tác tuyên giáo cũng cần chú ý đến việc trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, sự tiếp nhận thông tin của họ cũng đa dạng nên việc tuyên truyền không thể mang tính áp đặt. Bởi người dân với trình độ học vấn và nhận thức của mình, họ sẽ suy nghĩ về điều họ được nghe trước khi quyết định chấp nhận hay không chấp nhận. Có thể hiểu, việc truyền bá tư tưởng, quan điểm cần phải thực hiện trong “tương quan ngang bằng”, tức người được tuyên truyền phải được người tuyên truyền lắng nghe, thể hiện sự hai chiều.

MẠNH HÒA - THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG ghi