Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Vũ Hạnh đã qua đời vào lúc 6 giờ ngày 15-8 do tai biến, hưởng thọ 96 tuổi, khép lại một đời văn – chiến sĩ, một biểu tượng đẹp của tinh thần văn hóa dân tộc
Trong suốt cuộc đời cầm bút, Vũ Hạnh nổi danh với nhiều tác phẩm, trong nhiều thể loại, chứng tỏ tầm vóc một cây bút đa tài.
Với "Bút máu", ông chuyển tải thông điệp rằng vũ khí ngòi bút là cực kỳ lợi hại. Nhà văn phải giữ được "bút sắc lòng trong", bởi: "Xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô nhân đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy thiên sơn...". Theo nhà văn Triệu Xuân, "Bút máu" như là tuyên ngôn của tác giả về văn chương nghệ thuật. "Đọc "Bút máu", dù viết về chuyện xưa hay là trực tiếp nói chuyện đương thời, tôi cảm nhận văn chương Vũ Hạnh luôn tươi rói niềm tin vào cuộc sống, vào tình người. Vũ Hạnh không bao giờ lẫn lộn, thỏa hiệp giữa chính và tà, nhân nghĩa và phi nhân…".
Với "Đọc lại Truyện Kiều", ông đưa ra những nhận định khách quan của người ngẫm lại thế thái nhân tình qua cuộc đời lưu lạc đoạn trường suốt mười lăm năm của Kiều… Trong đời, nàng chỉ mong mỏi được sống yên ổn như đa số người phụ nữ ngày xưa, được thương cha mẹ, được yêu chồng con, và chỉ có thế mà thôi. Theo PGS-TS Trần Hoài Anh: "Vũ Hạnh không nhìn khổ đau của đời Kiều với điểm nhìn duy tâm siêu hình mà ông đã nhìn vấn đề này dưới góc nhìn xã hội. Do đó, theo ông, muốn có hạnh phúc, muốn bảo vệ được tình yêu chân chính đòi hỏi con người phải đấu tranh không ngừng, không chỉ đấu tranh cho tình yêu của mình, mà còn đấu tranh để xây dựng một xã hội tốt đẹp".
Nhà văn Vũ Hạnh Ảnh: MỸ HẠNH
Cũng chính Vũ Hạnh đã mượn cái tên A. Pazzi (một cái tên Ý không có thật) để viết về dân tộc mình qua quyển "Người Việt cao quý" lừng danh. Theo lời kể của ông, những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, xã hội miền Nam nhanh chóng du nhập lối sống Mỹ, lối sống thực dụng. Điều tệ hại và nguy hiểm hơn là trong tâm lý, tình cảm một số người, đặc biệt trong giới văn nghệ có xu hướng vọng ngoại, lai căng, coi thường văn hóa truyền thống dân tộc, mặc cảm vì "giống da vàng nhược tiểu"... Vũ Hạnh nói ông viết cuốn sách này nhằm đề cao văn hóa dân tộc, con người Việt Nam. Với niềm tự hào trào ra ngòi bút, ông viết "Người Việt cao quý" chỉ hơn một tuần và sau đó được xuất bản ngay.
27 năm sau, NXB Mũi Cà Mau mới tái bản tác phẩm "Người Việt cao quý" với đúng tên thật tác giả là nhà văn Vũ Hạnh. Thật tự hào khi đọc những câu gan ruột: "Đây không phải là một dân tộc tầm thường và tôi phải kết luận: Người Việt là một dân tộc ưu hạng, có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này".
Trò chuyện với các nhà báo sau khi ra mắt Tuyển tập Vũ Hạnh vào năm 2015, ông tái khẳng định: "Tôi luôn tin tưởng ở dân tộc mình. Từ thuở xa xưa, còn rất nhỏ bé, bị một nước lớn đô hộ ngàn năm vẫn không bị sự đồng hóa, cuối cùng chúng ta vẫn đánh bại mọi kẻ thù, kể cả những kẻ xâm lược có sức mạnh quân sự mạnh nhất thời bấy giờ. Đó là kết quả trên cả mức phi thường của cả dân tộc. Nhiều nhà sử học thế giới, hiện nay đã xác minh rằng dân tộc chúng ta vốn có một nền văn minh cao cấp".
Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh
Tại tọa đàm khoa học "Vũ Hạnh: Đời văn, chiến sĩ", do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP HCM tổ chức vào tháng 10-2015, nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - đánh giá: "Với nhiệt huyết cách mạng, vốn kiến thức phong phú và năng lực bút chiến sắc sảo, Vũ Hạnh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về tính chiến đấu, sự kiên định lý tưởng cách mạng qua những hoạt động văn hóa yêu nước trong lòng đô thị miền Nam".
Theo nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM: "Một người mà tư tưởng và hành động (là hệ quả của tư tưởng ấy) trở thành tấm gương, động lực cho biết bao nhiêu người khác dấn thân trong một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt của đất nước, đồng thời có giá trị tích cực lâu bền đối với ý nghĩa sinh tồn của cộng đồng, quốc gia, dân tộc thì Vũ Hạnh chính là nhà tư tưởng văn hóa dân tộc đúng nghĩa. Tinh thần tự tôn dân tộc của nhà văn đã không chịu khuất phục trước bất cứ một thế lực nào. Tính cách nhân nghĩa, sống có trước có sau cũng thể hiện rõ nét suốt cuộc đời dài của nhà văn - chiến sĩ, từ lúc trưởng thành, đi theo lý tưởng cho tới tận bây giờ".
Vĩnh biệt ông, nhà văn – chiến sĩ Vũ Hạnh.
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nho học.
Bút danh khác: Hoàng Thanh Kỳ, cô Phương Thảo, Minh Hữu, Nguyên Phủ, A.Pazzi
Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình từ tháng 3-1945, học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An.
Vũ Hạnh là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP HCM, Ủy viên ban chấp hành Liên hiệp Các Hội Văn Học Nghệ thuật TP HCM.
Các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995)...
Tiểu thuyết: Lửa rừng (1972), Người nhà trời (2020)
Hồi ký: Cái Tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000)
Tiểu luận: Người Việt cao quý (1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970)...
Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007.