Nhiều người đã bị xử phạt, thậm chí bắt tạm giam vì đăng tin kích động, sai sự thật về công tác phòng chống Covid-19 tại TP HCM gây hoang mang dư luận.
Ngày 15/8, Công an TP HCM cho biết từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát (27/4) đến nay có hàng triệu tin, bài, video... liên quan đến Covid-19 đăng trên các trang mạng xã hội. Trong đó có nhiều tin kích động, nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận sẽ bị cơ quan điều tra truy xét, xử lý nghiêm.
Như hôm 11/8, tài khoản Facebook Không Tên đăng trên nhóm Chợ Tăng Nhơn Nhú A nội dung: Họp ra chỉ thị từ thứ 5, ngày 5/8 hạn chót đến 10/8, không biết ai là tổ trưởng luôn, cho tôi hỏi đồng chí nào tổ trưởng khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A đã die vì dịch chưa vậy, tiền ở trên đưa xuống đâu? Danh sách hộ nghèo đồng chí gửi lên đâu? Lương tâm của đồng chí ở đâu? Cầu cho covid sớm ghé thăm đồng chí...
Cơ quan chức năng xác định Phan Phi Toàn, 33 tuổi, là chủ tài khoản Không Tên; nội dung bài viết sai sự thật về chính quyền địa phương và có lời lẽ xúc phạm các lãnh đạo phường, tổ trưởng khu phố. Công an TP Thủ Đức còn phát hiện Toàn có quân phục ngành công an, quân hàm thượng úy và bảng tên Phó đội Trưởng Công an quận 3, Phó Phòng tổng hợp, roi điện và nhiều công cụ hỗ trợ... Anh ta đang bị điều tra về động cơ đăng tin kích động, sai sự thật và giả danh cảnh sát.
Hay vài ngày trước, thông tin lan truyền trên mạng xã hội và các hội nhóm về việc "không cho người dân di chuyển trong 7 ngày" đã gây tâm lý hoang mang. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM khẳng định thông tin này là giả mạo.
Tương tự, tối 7/8, tài khoản Facebook Phong Lam và Nguyễn Thy gắn thẻ Trần Khoa đăng thông tin bác sĩ Khoa đang chăm sóc cha và mẹ cùng một sản phụ song thai mắc Covid-19 nặng. Khi cha mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, "bác sĩ Khoa" đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công.
Câu chuyện về "bác sĩ Khoa" được nhiều người chia sẻ, thu hút nhiều bình luận tiếc thương, cảm phục. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó xác định nội dung trên là không có thật. Hai chủ tài khoản chia sẻ thông tin sai sự thật này đã bị xử phạt, 3 chủ tài khoản phát tán tin giả đầu tiên cũng bị mời lên việc.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM đang phối hợp cơ quan quan chức năng làm rõ động cơ của những người liên quan và dấu hiệu trục lợi trong sự việc này.
Ngoài những thông tin sai về phòng chống dịch bệnh, một số người còn đăng bài có nội dung kích động như trường hợp Lý Minh Vỹ. Người đàn ông 39 tuổi này hành nghề tự do ở huyện Bình Chánh, bị mất việc trong thời điểm dịch Covid-19. Anh ta đã được địa phương hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo chính sách nhưng vẫn lên mạng hô hào việc đòi tiền trợ cấp.
Đầu tháng 8, Vỹ đăng lên nhóm Tôi là dân Vĩnh Lộc hình ảnh người đàn ông leo cầu thang kèm dòng chữ Bắt (bắc) thang lên hỏi ông trời chứ tiền hỗ trợ có đòi được không. Dòng trạng thái được nhiều người like, share, kèm bình luận tiêu cực về hoạt động hỗ trợ của nhà nước, mạt sát chính quyền địa phương.
Cảnh sát đã vào cuộc điều tra, xử phạt Vỹ 7,5 triệu đồng theo Nghị định 15. Anh ta thừa nhận hành vi sai nhằm mục đích "câu like".
Có hành vi tương tự, song tính chất nghiêm trọng hơn, ông Phan Hữu Điệp Anh, 60 tuổi, đã bị Công an quận Bình Thạnh bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS, ngày 21/7.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông Anh thừa nhận đã lấy clip, hình ảnh người đàn ông tâm thần tự thiêu tại TP Thủ Đức, đăng lên Facebook của mình với nội dung "bức xúc cách chống dịch Covid-19... người dân phẫn uất, ngay giữa đường bức bách, tự thiêu". Thông tin này nhiều người dẫn lại, được xác định gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Công an TP HCM đề nghị người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước những luồng thông tin trên mạng xã hội. Trước hết là không chia sẻ những thông tin không chính thống, không lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận.
"Đối với các hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý nghiêm", lãnh đạo Công an TP HCM nói.
Hồi giữa tháng 6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong đó có nội dung mọi người phải tuân thủ 4 quy tắc chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Nghị định 15 của Chính phủ cũng quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân...