Nhiều người về quê tự phát bị chặn lại ở cửa ngõ phía Đông, TP Thủ Đức, ngồi vạ vật giữa trưa nắng mong được qua chốt kiểm soát.
Từ sáng sớm 15/8, hàng trăm người dân lỉnh kỉnh hành lý ùn ùn kéo về quê trên Xa Lộ Hà Nội, TP HCM. Dòng người bị chặn lại ở chốt kiểm soát gần Khu du lịch Suối Tiên.
Để không xảy ra ùn tắc, Công an TP Thủ Đức phối hợp lực lượng quân sự hướng dẫn người dân tập kết ở trước cổng Bến xe miền Đông mới.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT TP HCM cho biết, nhiều đội CSGT phối hợp Công an TP Thủ Đức và TP Dĩ An vận động người dân tập trung ở quốc lộ 1, quận Bình Tân và dưới chân cầu vượt Linh Xuân quay về nơi ở.
Đến trưa vẫn còn rất nhiều người không quay đầu xe, vạ vật chờ mong được giải quyết cho chạy xe về quê.
Ngồi giữa trưa nắng trên thành của cổng vào bến xe, Hồng Mến cho biết đi từ 6h sáng, đến đây cô bị chặn lại. "Em nghe trong hội đồng hương Hà Tĩnh báo hôm nay cùng nhau chạy xe máy về quê nên cũng đi theo. Ba tháng nay em không có tiền, ráng cầm cự mà giờ không lo nổi nữa rồi", cô gái 25 tuổi nói.
Phía dưới thảm cỏ trong khuôn viên bến xe, hàng dài người vật vờ, chờ được qua chốt kiểm soát. Họ phần lớn ở các tỉnh miền Trung từ Ninh Thuận ra đến Nghệ An.
Gia đình chị Lê Thị Mỹ Hồng, 30 tuổi, trải áo mưa, ngồi từ sáng đến trưa cạnh bốt bảo vệ. Người phụ nữ quê Bình Định cho biết: "Hai vợ chồng làm công ty may mà thất nghiệp ba tháng nay rồi. Bữa giờ không có đoàn nào của tỉnh đón nên nay hai vợ chồng liều chạy xe về. Giờ phòng trọ cũng trả, cả nhà còn đúng 500.000 đồng đi đường mà chính quyền bắt quay lại thì biết ở đâu".
Chờ đợi nhiều tiếng không được giải quyết khiến mọi người mệt mỏi, nhiều bé ngủ thiếp trên thảm cỏ.
Ngồi chờ suốt 5 tiếng, bà Nguyễn Thị Hoàng vẫn mong được chạy xe về Thanh Hóa. Bà cùng cháu trai làm phụ hồ, hết tiền nên đã trả phòng trọ hai ngày nay, phải sống tạm dưới gầm cầu An Sương (quận 12). Khi nghe tin có nhóm hội đồng hương rủ nhau về quê nên bà cũng chạy xe máy về.
"Đường xa mấy tôi cũng ráng đi, về nhà đói nghèo thì vẫn có làng xóm nương đỡ nhau. Giờ nghe bảo thành phố giãn cách thêm cả tháng nữa, sợ chưa chết vì dịch thì đã tiêu do đói rồi", bà nói.
Nữ sinh quê Quảng Ngãi bật khóc khi nói về hoàn cảnh của mình. Cô cho biết, vừa mới ra trường nên chưa kịp xin việc làm thì dịch bùng phát, để có tiền trang trải phải bán laptop. "Giờ hết sạch tiền, phòng trọ cũng trả nên không về quê thì biết đi đâu được nữa", cô gái 22 tuổi nói.
Nhóm bạn quê Nghệ An trang bị quần áo bảo hộ, trên xe chất đầy valy. Nhiều người bóp còi yêu cầu lực lượng chức năng cho qua.
Lực lượng chức năng liên tục phát loa yêu cầu người dân giãn cách và quay về nơi ở, chính quyền địa phương sẽ có biện pháp hỗ trợ.
Ngoài dùng loa, lực lượng công an, dân quân đến từng nhóm người vận động cho bà con hiểu để quay về.
Đến 14h, lượng người tập trung vắng dần, họ chấp nhận quay đầu xe về lại nơi ở cũ.
Trong công điện hôm 31/7, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, "tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép". Các tỉnh sau đó dừng đón người dân về quê tự phát bằng xe máy, thay vào đó đưa người về quê bằng máy bay, tàu lửa, ôtô.
Trong lần bùng phát dịch lần thứ tư,TP HCM triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Việc này thực hiện theo yêu cầu Thủ tướng, là "không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc" trong thời gian thực hiện giãn cách, giúp họ yên tâm "ai ở đâu ở đấy", không tự phát về quê.
Thường trực Thành ủy TP HCM vừa yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ tiền nhà trọ; lương thực thực phẩm, không để ai thiếu đói; hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt) trong tháng 8 và 9. Đồng thời, các địa phương tổ chức để người dân tiêm vaccine.