Dự kiến khoảng 5-10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch với 1 trong 4 phương án mới từ nay đến ngày 15.9, theo Kế hoạch của UBND TP.HCM.
Các doanh nghiệp phía Nam và TP.HCM phản ánh phương án sản xuất 3 tại chỗ khó duy trì lâu dài
ẢNH: L.N
Báo cáo sơ kết sau 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16 và Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, UBND TP.HCM đề xuất 4 phương án cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội 1 tháng tới, đến ngay 15.9.2021.
|
Thêm 5-10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất lại
Cụ thể, về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, UBND TP.HCM đưa ra mục tiêu phải ổn định sản xuất an toàn, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy, nâng tỷ lệ lên khoảng 5-10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, phải chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân từ nay đến hết tháng 9, bảo đảm chuỗi cung ứng, lương thông hàng hóa thực phẩm cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn thành phố với chất lượng và giá cả họp lý.
Từ đó, TP.HCM khẳng định sẽ tạo điều kiện và tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong 4 điều kiện phòng chống dịch theo 1 trong 4 phương án sau:
Phương án 1: tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn và nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất, ăn, và nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2: tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).
Phương án 3: tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh. Theo đó, “người lao động xanh” được đi bằng phương tiện cá nhân đến nơi làm việc, không dừng đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp.
Phương án 4 là kết hợp các phương thức nêu tại các phương án trên.
Ngoài ra, về cung ứng hàng hóa, ngoài các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và các mô hình chợ an toàn, UBND TP.HCM yêu cầu bổ dung phương thức phân phối mới là đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp từ nhà máy, trang trại đến người tiêu dùng qua việc tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng để đưa nông sản sản, thực phẩm trực tiếp đến người dân, khu phong tỏa… theo chương trình hàng đồng giá, giúp người dân tiếp cận nguồn thực phẩm tươi, chất lượng và giá phù hợp.
|
Doanh nghiệp trong khu công nghiệp đề xuất phương án “2 tại chỗ - một vùng xanh”
Để xóa bất cập sau thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) vừa có đề xuất được thực hiện phương án “2 tại chỗ - một vùng xanh”.
Với phương châm này, công nhân sẽ sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ nhưng về ngủ nơi “vùng xanh” là “khu an toàn”. Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch HBA - cho biết, phương án này qua đề xuất làm thí điểm của Chi hội Khu Công nghệ cao (SBA) và ý kiến nhiều doanh nghiệp các KCX-KCN về việc cần cải thiện phương thức “3 tại chỗ”.
Muốn được vậy, doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng chính quyền xây dựng “vùng xanh”. Cụ thể là nơi ở của công nhân, có thể là nhà riêng/nhà trọ/ khu nhà trọ/ khách sạn nhưng trước hết phải nằm trong “vùng xanh” đã được khảo sát lựa chọn của doanh nghiệp nhằm bảo đảm đi lại bằng xe đưa đón tập trung.
Khi thực hiện phương án này, doanh nghiệp phải kết nối chặt chẽ với khu phố/nhà trọ, chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ, phối hợp củng cố xây dựng vùng xanh có công nhân cư trú, xem như một khu an toàn. Mọi chi phí cho phương án này có thể tốn kém hơn nhiều so với các phương án khác nhưng công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn.
Để thực hiện, HBA kiến nghị Ban quản lý các khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) và Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHPT), Công ty Đầu tư hạ tầng các khu hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối với khu vực và chính quyền địa phương nhằm xây dựng vùng xanh nơi có công nhân ở.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM phải tạm dừng sản xuất vì mô hình "3 tại chỗ" gặp khó khăn, khó có thể duy trì dài lâu vì chi phí lớn, quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng “3 tại chỗ” gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới. Đặc biệt, sau thời gian áp dụng, tâm lý của công nhân không tốt, không muốn ở mãi trong nhà máy hay trong khách sạn nên các doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị thay đổi mô hình để bảo đảm đường dài hơn trong phòng chống dịch và sản xuất.