Thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định dừng tất cả hoạt động trong 7 ngày để áp dụng biện pháp chống dịch cao hơn, quyết liệt hơn. Trong đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu phóng viên phải thực hiện 3 tại chỗ, phóng viên đi làm phải về lại cơ quan, không được về nhà.
Theo đó, kể từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8, TP Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn, yêu cầu mọi người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, "ai ở đâu thì ở đó", không được di chuyển đi lại ngoài đường. Người dân bắt buộc thực hiện tuyệt đối nhà cách ly với nhà. Mọi người không được di chuyển ra, vào thành phố, trừ những người được phép tham gia và các hoạt động được quy định.
Đối với các cơ quan báo chí, nhóm thực hiện tác nghiệp báo chí (trừ tạp chí) được đăng ký số người tối đa là 6 người đối với đơn vị phát thanh, truyền hình (bao gồm cả lái xe) và tối đa là 2 người đối với báo in, báo điện tử.
Theo danh sách phân bổ phóng viên đăng ký tác nghiệp, có 92 người của 51 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại Đà Nẵng (bao gồm cả lái xe cho cơ quan báo chí truyền hình) được đăng ký ra đường tác nghiệp trong 7 ngày Đà Nẵng phong tỏa. Trong đó có hai cơ quan truyền hình được đăng ký nhiều nhất là 6 người, còn lại các cơ quan báo in, báo điện tử hầu hết chỉ được đăng ký 1 người.
Theo quy định, các phóng viên muốn tác nghiệp phải đăng ký với Sở TT&TT Đà Nẵng để được cấp giấy thông hành. Các cơ quan báo chí chịu trách nhiệm quản lý phóng viên đáp ứng 3 tại chỗ. Các cơ quan báo chí có tòa soạn hoặc văn phòng đại diện đóng trên địa bàn cam kết phóng viên đi làm về lại cơ quan, không về nhà.
Trước đó, chiều 14/8, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2788/QĐ-UBND bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách thực hiện nhiệm vụ phòng, chống Covid-19. Trong đó nêu rõ, thực hiện tác nghiệp báo chí: Tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; tối đa 2 người/báo in, báo điện tử (trừ các loại hình tạp chí).