'Với tinh thần quyết liệt, cụ thể và đồng bộ, tôi tin rằng TP kiểm soát được dịch', Chủ tịch UBND TP.HCM nói khi đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức kiên quyết thực hiện kế hoạch 2715, tranh thủ thời gian giãn cách để kiểm soát dịch.
Cuối buổi làm việc trực tuyến với các quận huyện và TP Thủ Đức về triển khai kế hoạch số 2715 và công văn số 2718 vào tối 16-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ, dứt khoát trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Rêng khâu tổ chức, cần thực hiện cần đồng bộ, nhịp nhàng, phân công rõ ràng và có thời gian hoàn thành cụ thể.
Kiểm soát giãn cách là tiền đề cắt đứt nguồn lây nhiễm
Theo Chủ tịch UBND TP, việc kiểm soát dịch bệnh thành công phụ thuộc rất lớn vào việc giãn cách giữa người với người, nhà với nhà. Kiểm soát được giãn cách là tiền đề để cắt đứt nguồn lây nhiễm.
Vì thế các địa phương cần tăng cường tuyên truyền tại địa phương, đơn vị, khu dân cư, từng hộ dân, từng hộ dân... một cách cụ thể, sinh động, thuyết phục; giúp người dân nắm rõ tình hình, nguy cơ, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tạo sự đồng thuận thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội.
Ông Phong đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức phải thực hiện nghiêm tinh thần "ai ở đâu ở đó". Tuyệt đối không để xảy ra giãn cách xã hội theo hình thức, hoặc ngoài chặt, trong lỏng, nhất là tại các khu phong tỏa.
Hiện nay tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức đều còn nhiều khu phong tỏa. Ông Phong đề nghị xem lại 11 nhiệm vụ của tổ quản lý khu phong tỏa mà UBND TP đã ban hành. Các địa phương cần thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều nguy cơ lây nhiễm, xử lý nghiêm các quy phạm đối với mọi hành động không tuân thủ, cản trở, chống đối thực hiện theo quy định các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Người đứng đầu UBND TP đề nghị Công an TP chỉ đạo công an địa phương tham mưu các cấp ủy chính quyền làm thật tốt trong tổ chức thực hiện nghiêm nhiệm vụ chống dịch.
Ông đề nghị Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Sở Giao thông vận tải đo lường mức độ di chuyển của người dân phân theo các quận huyện và TP Thủ Đức, báo cáo hàng ngày đến UBND TP cũng như các địa phương khác để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Các quận, huyện và TP Thủ Đức phải kiên quyết thực hiện kế hoạch từng ngày, tranh thủ "thời gian vàng" giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh từ nay đến 15-9. "Chúng ta cần tinh thần quyết liệt, hết sức cụ thể và đồng bộ. Tôi tin rằng sẽ kiểm soát được dịch" - ông Phong nhấn mạnh.
Không để F0 chuyển nặng không được điều trị, tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin
Về công tác điều trị, ông Phong đề nghị Sở Y tế TP tổ chức cuộc họp giao ban mỗi ngày. Cần cấp thuốc kịp thời cho người bệnh để giảm tỉ lệ tử vong, không để xảy ra trường hợp chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị.
Để làm được điều này, ông Phong đề nghị các địa phương lưu ý cung cấp F0 và gia đình F0 danh sách số điện thoại tổ phản ứng nhanh và các bác sĩ tư vấn trực tuyến, phân công tổ phản ứng nhanh theo dõi từng nhóm gia đình, kết nối thường xuyên giữa tổ phản ứng nhanh với tình hình sức khỏe của F0.
Đối với F0 điều trị tại nhà, cần phải có túi thuốc theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đối với F0 hoàn cảnh khó khăn thì phải chuẩn bị gói an sinh (lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm...), F0 có đủ điều kiện kinh tế thì giúp họ mua thực phẩm.
Sở Y tế cũng cần khẩn trương phối hợp tổ chuyên gia điều trị và trung tâm điều phối đầu tư của hệ thống điều trị rà soát tất cả các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn.
Ông Phong lưu ý, "chìa khóa" để kiểm soát dịch vẫn là vắc xin, vì thế đảm bảo tỉ lệ bao phủ vắc xin mang tính chất quyết định trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19. Ông đề nghị các quận, huyện nào còn tiêm chậm cần khẩn trương tăng tốc tiêm.
Sau khi nghe các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM báo cáo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận xét các thành viên đều thống nhất kế hoạch, không ý kiến phản biện, chỉ có một số ý kiến đề xuất.
"Tôi tự suy nghĩ rằng, nếu các đồng chí nghiên cứu thật kỹ và tự tin làm được thì không bàn tới lui, phải thực hiện" - ông Nên nói và cho rằng đây là tín hiệu tích cực.
Theo ông Nên, thời gian qua, TP đã có những kinh nghiệm chống dịch, buộc công tác chống dịch chắc chắn hơn, tự tin hơn. Điều này cũng thể hiện qua việc TP đã có thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19, vắc xin, túi an sinh xã hội, túi thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, các hệ thống điều trị đã dần dần đáp ứng, có thêm nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ; công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng thông suốt.