Tháng 8-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chớp thời cơ thuận lợi nhất, lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành tổng khởi nghĩa, đánh đổ đế quốc phong kiến, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Mở lối tiên phong
Đây là mốc son chói lọi, mở lối tiên phong cho con đường phát triển thể chế dân chủ, cộng hòa ở nước ta sau hàng ngàn năm bị thống trị bởi chế độ phong kiến và gần 100 năm xiềng xích thực dân. Từ đó, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
76 năm kế thừa và phát huy các giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta vẫn không thể nào quên những bài học còn nguyên giá trị, có ý nghĩa với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay của đất nước.
Trước hết, đó là bài học sức mạnh niềm tin. Một trong những nhân tố cơ bản nhất làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là nhờ sức mạnh đoàn kết cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc. Một khi lòng dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn; mỗi khi Đảng tin dân, dựa vào dân thì không có trở lực nào cản nổi, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên".
Ngày nay, xây dựng, hun đúc lòng tin vẫn là bài học sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và kể cả như bây giờ là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Thứ hai, bài học chính quyền phải dựa vào dân. Nhân dân là người sáng tạo lịch sử và quyết định vận mệnh của đất nước. Trong hành trình 76 năm của dân tộc kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dựa vào dân để xây dựng nhà nước, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".
Các giá trị cốt lõi của nền dân chủ, cộng hòa luôn được thể chế hóa trong các quyết sách của Đảng, Nhà nước ở các cấp; thể hiện được quan điểm quyền lực của Nhà nước là do dân ủy thác, giao cho thông qua cơ chế: Chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy.
Trong thời khắc cấp bách khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, bài học chính quyền dựa vào dân, tin dân, thiết lập các vùng xanh (vùng an toàn), các tổ chống Covid-19 ở cộng đồng, kêu gọi người dân chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, là hết sức quan trọng. Việc TP HCM thành lập các tổ phản ứng nhanh ở cấp phường, xã, thị trấn để hỗ trợ cấp cứu F0 tại nhà… chính là hành động dựa vào dân và rất kịp thời trong lúc này.
Thứ ba, chính quyền tận tụy với dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Sinh thời, trong tác phẩm "Sao cho được lòng dân", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư". Chính quyền được lòng dân là do cán bộ biết trọng dân, một lòng một dạ phục vụ dân.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình, nơi 76 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TTXVN
Dân tin, dân đồng lòng
Hiện nay, khi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tập trung toàn tâm, toàn lực với những quyết sách tích cực, hiệu quả nhất để vừa phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
"Chống dịch như chống giặc", cuộc chiến nào cũng không tránh khỏi sự mất mát, hy sinh. Điều cốt lõi là trong những thời kỳ đầy cam go, khó khăn, Đảng và chính quyền các cấp luôn một lòng một dạ tận tụy phục vụ nhân dân, coi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
Bảo vệ dân, được dân quý, dân tin, dân đồng lòng cũng chính là bảo vệ các giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự tồn vong của chế độ.