Tối qua 19-8, Bộ Y tế thông báo đã có thêm trên 1,2 triệu liều vắc xin AstraZeneca đến Việt Nam. Theo ước tính sơ bộ, đến nay Việt Nam đã nhận được khoảng 24 triệu liều vắc xin và đã tiêm xấp xỉ 16 triệu liều.
Bác sĩ Bệnh viện quận 4 hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân COVID-19 cách sử dụng bình oxy - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo Bộ Y tế, lô vắc xin này là lần giao thứ 9 trong hợp đồng mua 30 triệu liều thông qua Công ty VNVC, với 6,7 triệu liều đã được giao cho đến nay.
Ngoài vắc xin mua từ AstraZeneca, Việt Nam còn nhận được hỗ trợ từ COVAX, mua của Pfizer và nhận được hỗ trợ từ Nhật Bản, Vương quốc Anh, Trung Quốc. Đến nay, có khoảng 24 triệu liều đã được giao và đã tiêm xấp xỉ 16 triệu liều.
Hiện vắc xin vẫn về hằng tuần tuy số lượng hạn chế. Trong tháng 9 tới, dự báo có thêm 9,3 triệu liều sẽ về, nhưng so với nhu cầu, số lượng vắc xin về còn ít ỏi, nhiều tỉnh thành nằm trong khu vực có dịch nhưng tỉ lệ tiêm còn thấp.
Trong ngày 19 và 20-8, có nhiều đoàn y bác sĩ từ các Bệnh viện Nội tiết trung ương, Hữu nghị, Phụ sản trung ương chi viện cho khu vực phía Nam. Trong đó, đoàn của Bệnh viện Hữu Nghị chi viện cho Tiền Giang, Bệnh viện Nội tiết trung ương chi viện Vĩnh Long, Bệnh viện Phụ sản trung ương chi viện Bình Dương và TP.HCM.
Tại cuộc làm việc trực tuyến với các tỉnh thành đang có dịch nóng gồm TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương, Bộ Y tế đã bàn một số giải pháp, trong đó có mô hình trạm y tế lưu động, phục vụ quản lý người nhiễm tại cộng đồng.
Bộ Y tế cho biết trước đây mỗi xã phường có 1 trạm y tế, nhưng trong tình hình dịch hiện nay thì bố trí thêm trạm lưu động, đặc biệt tại các khu đông dân cư, nhiều người nhiễm COVID-19 như TP.HCM. Trạm sẽ được bố trí tại các địa điểm như nhà văn hóa, trường học, phòng khám đa khoa khu vực... tại phường.
Mô hình này sẽ được triển khai trước tại TP.HCM. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn chăm sóc và điều trị người bệnh COVID-19 tại trạm lưu động. Trạm cũng sẽ là nơi quản lý, chăm sóc người bệnh ban đầu, thực hiện các công việc: phát thuốc, chăm sóc và theo dõi các F0 đang ở cộng đồng, theo dõi thời gian chuyển tuyến...
Đông Nam Á vẫn căng thẳng với dịch bệnh
Tính đến ngày 20-8, thế giới đã có hơn 210 triệu người mắc bệnh và hơn 4,4 triệu người tử vong vì COVID-19. Hơn 188 triệu người đã hồi phục nhưng vẫn còn 17,5 triệu người đang được điều trị.
Theo thống kê của Hãng tin AFP, Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 624.000 ca tử vong trên tổng số hơn 38 triệu ca bệnh, tiếp đó là Brazil, Ấn Độ, Mexico và Peru. Về tổng số ca, châu Á đã vượt các khu vực khác trên thế giới, hiện có khoảng 67 triệu ca, và đứng đầu thế giới về số ca tử vong, khoảng 1,15 triệu ca.
Tại Ấn Độ, một số bang đang gấp rút xây dựng thêm các cơ sở y tế để bổ sung giường bệnh nhi và bình oxy y tế do lo ngại trẻ em trở lại trường học mà không được tiêm phòng sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt lây nhiễm thứ 3. Hiện Ấn Độ chỉ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng đến nay chưa có bằng chứng rằng Delta hay các biến thể khác ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn các nhóm dân số khác.
Đông Nam Á vẫn là một điểm nóng của dịch bệnh. Theo Hãng tin Reuters, ngày 19-8, Malaysia thông báo số ca bệnh trong ngày cao kỷ lục, 22.948 ca, trong khi Bộ Y tế Philippines ghi nhận 14.895 ca mắc mới, mức cao thứ hai theo ngày kể từ khi bùng phát dịch ở nước này. Tổng số ca mắc tại nước này đến nay là 1,79 triệu ca, trong khi số ca tử vong đã tăng lên 30.881 ca sau khi ghi nhận thêm 258 ca.
Đối với Indonesia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải hối thúc nước này hành động nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch sau khi dữ liệu mới cho thấy hoạt động đi lại trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí đã phục hồi về mức trước đại dịch tại một số khu vực trọng điểm. Nói về vấn đề này, người phát ngôn cơ quan chống dịch Indonesia cho biết "điều này cho thấy quá trình hồi phục kinh tế nhanh, nhưng cũng cần phải cẩn thận số ca có thể gia tăng vào tuần tới".
Tại Campuchia, chính quyền thành phố Phnom Penh đang xem xét kéo dài lệnh giới nghiêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch, đặc biệt là biến thể Delta sau khi phát hiện một loạt ca lây nhiễm biến thể này trong cộng đồng. Trong khi đó, Lào đã gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 20-8. Đây là lần thứ 8 Lào gia hạn lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 22-4 vừa qua.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết ông và vợ sẽ tiêm liều vắc xin thứ 3 trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiêm ngừa bổ sung cho người dân từ tháng sau. Còn Israel từ cuối tuần này sẽ bắt đầu tiêm bổ sung cho những người trên 40 tuổi.
Ngày 19-8, thành phố Berlin của Đức đã trao tặng Việt Nam 30.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19. Theo TTXVN, ông Christian Rickerts, quốc vụ khanh Bộ Kinh tế bang Berlin - đại diện cho chính quyền thành phố, đã trao tặng tượng trưng số kit xét nghiệm trên cho Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Toàn bộ số hàng này đã được đưa đến sân bay Frankfurt để chuyển về Việt Nam theo đường hàng không.
Trước đó, nhiều địa phương của Đức cũng đã tích cực ủng hộ khẩu trang, kit xét nghiệm nhanh, máy thở, dụng cụ bảo hộ y tế cho Việt Nam. Những sản phẩm này đã được tiếp nhận và nhanh chóng chuyển tới các tỉnh thành để phục vụ công tác phòng chống đại dịch.