Bộ KH-ĐT vừa hoàn tất dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, sẽ có khoảng 1 triệu lượt DN, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó với đại dịch; khoảng 160.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất... 

Tuy nhiên, trong bối cảnh 80.000 DN đã rút lui khỏi thị trường, hàng chục ngàn DN khác vẫn đang nỗ lực gắng gượng duy trì sản xuất, kinh doanh thì “bài thuốc” hiệu nghiệm nhất để cứu giúp DN, động viên họ “xung trận” trong giai đoạn này là tháo gỡ những rào cản vô lý, không cần thiết, những thủ tục rườm rà rất khó vượt qua. 

Thành công lớn của nền kinh tế nước ta trong những năm qua, rõ ràng cũng không phải dựa vào tiền, mà chủ yếu dựa vào việc tháo bỏ rào cản, đổi mới cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực và sức mạnh nội tại. Do vậy, bên cạnh việc “chống dịch như chống giặc” thì cần phải mạnh dạn tháo gỡ, khơi dậy cơ hội, tiềm lực sẵn có, thậm chí cần tính tới việc áp dụng một số chính sách kinh tế đặc biệt thông thoáng để đối phó với “thời chiến”. Thực tế, vẫn còn quá nhiều quy định của các ngành, các địa phương đang là rào cản lớn, chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ và rất chậm sửa chữa. 

Đành rằng phòng chống dịch là quan trọng, nhưng thời gian qua có nhiều nơi, nhiều lúc đã “ngăn sông, cấm chợ” và cách ly một cách vô lý, tràn lan, làm phân tán, tốn kém, suy giảm nguồn lực, nên lại buông bỏ những chỗ, những khâu nguy cơ thật sự cần tập trung cứu chữa, phòng ngừa. Đối với hoạt động kinh tế, cần chấp nhận cho một số DN cần thiết và có điều kiện phòng dịch duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, một số phải giảm công suất, thậm chí tạm ngừng. Một số lĩnh vực đang được Chỉ thị 16 coi là thiết yếu như luật sư, công chứng, thậm chí cả ngân hàng cũng phải giảm thiểu, chỉ cần duy trì khoảng 10%-20% làm việc tại văn phòng, còn lại đều có thể làm online, chứ không nhất thiết “được quyền” đi làm tất cả. 

Chính phủ cũng nên mạnh dạn và nhanh chóng trong việc ứng chi để cứu nguy và hỗ trợ DN giữ lao động, duy trì sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng. Nhưng khi thắt chặt để chống dịch, thì không thể đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, mà chỉ có thể lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để hạn chế thiệt hại lớn, chấp nhận thiệt hại nhỏ, đồng thời góp phần vào chính công cuộc chống dịch. Chẳng hạn, nguy cơ cao thì cấm xe khách là đúng, nhưng xe tải thì ít nguy cơ và phải chấp nhận nguy cơ để duy trì hoạt động; sản xuất trong nhà xưởng kín thì nên hạn chế, nhưng xây dựng ngoài trời thì vẫn cần được tiếp tục. “Xe ôm” truyền thống thì nên siết, nhưng đồng thời lại cần khuyến khích xe công nghệ hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, vì dễ dàng theo dõi, quản lý được toàn bộ hành trình, lịch sử tiếp xúc của họ. Tất nhiên, đi kèm với đó là tăng cường 5K và nhanh chóng tiêm vaccine Covid-19 cho lực lượng này. 

Đối với các DN sản xuất, cần tăng cường các biện pháp phòng dịch và giảm mật độ tiếp xúc để tiếp tục hoạt động như bình thường nhằm phân tán rủi ro. Phương thức “3 tại chỗ” chỉ thích hợp cho giai đoạn đầu tiên, khi số người mắc Covid-19 còn rất ít và chủng virus khó lây hơn. Hiện nay, giải pháp hợp lý là duy trì “3 tại chỗ” với quy mô tập trung nhỏ, chừng 200 người trở lại, có thể là khoanh từng vùng làm việc, lưu trú và bếp ăn một cách tương đối độc lập… 

Sẽ có nhiều DN không thể sống sót, nhưng bù lại phải cấp cứu, nâng đỡ, để DN nào còn sức, còn cơ hội thì tranh thủ bứt phá, lấp vào chỗ trống, bù đắp vào sự thiếu hụt của thị trường. Nền kinh tế quốc gia nói chung hay của TPHCM nói riêng cũng như cơ thể con người, bảo đảm sức sống là tiền đề tốt nhất để chống đỡ bệnh tật.