Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: Trong dịch bệnh, báo chí cần được xem như sản phẩm thiết yếu để cung cấp thông tin chính thức đến tay bạn đọc.
Báo chí cần được hỗ trợ thiết thực, kịp thời
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, báo chí đã góp sức xây đắp niềm tin xã hội, trở thành “vaccine tinh thần” trong đại dịch. Sự hiện diện thông tin của báo chí, đặc biệt càng có ý nghĩa khi tin giả, tin xấu tràn lan trên các mạng xã hội và tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của nhiều người trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh cam go trên cả nước.
Bên cạnh nỗ lực và đóng góp quan trọng của báo chí, đồng thời, cần thấy phía sau đó là khó khăn ngày càng gay gắt của các cơ quan báo chí. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã dành thời gian trò chuyện cùng Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Báo chí cần được xem như sản phẩm đặc biệt, thiết yếu
- Ông nhìn nhận như thế nào về sự đóng góp của báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của cả nước, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trong những ngày này?
Hàng ngày hàng giờ, toàn xã hội chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần cống hiến, hy sinh quên mình của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Đó là đội ngũ y, bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, các tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi, các lực lượng khác ở Trung ương, địa phương, các ngành, các cấp. Ở đâu cũng xuất hiện những câu chuyện chạm đến trái tim chúng ta. Đó là sức mạnh của ý chí chiến đấu, không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, là sức mạnh của tình đoàn kết, sức mạnh của tình yêu thương, lòng nhân ái trong xã hội ta. Đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế ở các tâm dịch, nhất là những người đang âm thầm, kiên cường chiến đấu để giành lại từng mạng sống cho bệnh nhân Covid thực sự là những người hùng trong cuộc chiến đầy hiểm nguy này. Cả xã hội ta vô cùng cảm phục và biết ơn họ.
Phải nói, đây là cuộc chiến chưa từng có và đang được triển khai với những biện pháp quyết liệt nhất từ trước đến nay. Một tinh thần thống nhất chỉ đạo từ trên xuống dưới cùng với sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, lao vào những nơi khó khăn...
Những điều đó được truyền tải từ chính các cơ quan báo chí. Xã hội tiếp nhận thông tin chính xác, tin cậy qua báo chí. Báo chí đưa những những thông tin, những câu chuyện, những hình ảnh đó, trong đó có nhiều chi tiết cảm động vô cùng. Báo chí đang góp phần quan trọng xây đắp niềm tin xã hội ở những thời khắc đầy thử thách cam go này. Đó là “vaccine tinh thần” trong thời đại dịch này. Báo chí cũng vào cuộc, tác nghiệp giống như y bác sĩ, quân đội, công an thì mới có được những thông tin như vậy. Tôi biết hiện nay, một số các nhà báo làm nhiệm vụ ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã trở thành F0. Điều đó chứng tỏ tinh thần chiến đấu và cống hiến rất cao của của những người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước bày tỏ tình đồng nghiệp với anh em đang quả cảm chiến đấu ở các tâm dịch.
Dịch bệnh đang hoành hành ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương phía Nam, gây ra những tổn thất nặng nề. Cả đất nước ta đang dồn sức để đẩy lùi dich bệnh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và sống còn vào lúc này. Báo chí tuy gặp khó khăn lớn, nhưng không vì thế mà đội ngũ những người làm báo cách mạng suy giảm tinh thần chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm. Tất cả các cơ quan báo chí đều thấy rằng đây là lúc mà không ai được chần chừ, không ai ngoài cuộc, không ai được thoái lui, khi được giao nhiệm vụ thì cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất. Với tinh thần tiên phong như y bác sĩ, nhiều phóng viên được giao nhiệm vụ đã vào cuộc với tinh thần chủ động rất cao.
Mới đây, trong thư gửi lực lượng tuyến đầu, cùng với y tế, quân đội, công an, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương và đánh giá rất cao “những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đánh giá cao vai trò báo chí trong việc truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận, người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác báo chí, thông tin truyền thông. Báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.
Báo chí đang góp phần quan trọng xây đắp niềm tin xã hội ở những thời khắc đầy thử thách cam go này (trong ảnh: Báo chí tác nghiệp trong đại dịch)
- Thưa ông, ngay trong thời điểm hiện nay khi TP Hồ Chí Minh tiếp tục kéo dài giãn cách và nhiều tỉnh, thành phía Nam cũng căng thẳng vì dịch bệnh, báo chí cũng đã bộc lộ những khó khăn để duy trì sự hiện diện?
Tôi muốn nói đến một diễn biến mới trong đời sống báo chí, đó là bắt đầu từ 23/8, báo Thanh Niên sẽ tạm ngừng xuất bản tờ báo in đến ngày 15-9. Dù nhìn dưới góc độ nào thì đây là một điều không vui không chỉ đối với báo Thanh niên mà còn đối với giới báo chí và bạn đọc cả nước. Việc này càng cho thấy rõ thêm nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt báo in, đang đứng trước khó khăn rất lớn.
Chúng ta biết Thanh Niên không phải là tờ báo đầu tiên tạm dừng xuất bản báo in. Nhưng đây là một trong những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất cả nước, một tờ báo có sức hút mạnh, có lượng bạn đọc đông đảo. Thế mà bây giờ việc “không đặng đừng” phải ngừng xuất bản tạm thời, cho thấy khó khăn của báo chí đang ở cấp độ nghiêm trọng. Khó khăn thì nhiều, nhưng có thể thấy một nguyên nhân trực tiếp là do giãn cách xã hội khiến hệ thống phát hành khó hoạt động, không thể đưa báo đến tay bạn đọc.
- Có thể hình dung sẽ có những hụt hẫng về mặt thông tin hay không, thưa ông? Và báo chí điện tử sẽ bù đắp khoảng hẫng này?
Như đã nói, Thanh Niên là tờ báo quen thuộc của độc giả, đây là một trong những tờ báo có đóng góp rất đáng khích lệ trong việc hình thành và giữ được thói quen đọc báo in, nhìn xa hơn là góp phần giữ được vị thế của báo in ở nước ta trong thời đại thông tin kỹ thuật số. Bản thân tôi, ngày nào cũng đọc báo in Thanh Niên. Vì vậy, tôi nghĩ, việc ngừng xuất bản tạm thời có thể gây ra sự hẫng hụt nhất định không chỉ về thông tin, nhất là thông tin về phòng chống dịch, mà còn về tâm lý của bạn đọc, mặc dù tôi biết, bên cạnh báo in, Thanh Niên điện tử có lượng truy cập rất cao, có ngày lên tới 13-14 triệu lượt truy cập. Và đương nhiên, khi tạm ngừng xuất bản báo in thì tôi tin các đồng nghiệp ở Thanh Niên sẽ tập trung cao độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo điện tử.
Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ không chỉ với các đồng nghiệp ở báo Thanh Niên mà còn với anh em ở các cơ quan báo chí khác vẫn đang nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cầm cự, tiếp tục tiến về phía trước. Hy vọng các cơ quan báo chí sẽ có phương án phù hợp để vẫn giữ được ấn phẩm chính đưa đến tay bạn đọc. Có thể các cơ quan báo chí sẽ tính toán phương án nào đó để cân đối hơn, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội như hiện nay, ví dụ như tính toán giảm bớt lượng phát hành, giảm kỳ, nhưng vẫn duy trì được hệ thống phát hành, ít nhất là đến được các đầu mối lớn, ít nhất là để tờ báo vẫn hiện diện trên mặt trận văn hoá - thông tin như một vũ khí chiến đấu.
Từ trường hợp của Thanh Niên, rõ ràng mối quan tâm chúng ta không chỉ riêng với một tờ báo mà cần nhìn nhận vấn đề trên tầm tổng thể và có tính hệ thống. Không thể không xem xét tác động về mặt xã hội, nếu như không phải chỉ một mà một số tờ báo nào đó sẽ phải tạm ngừng xuất bản do không đủ sức vượt qua khó khăn ngày càng gay gắt. Báo chí đang rất cần được hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính mà còn cần các điều kiện, phương diện khác nữa để nhanh chóng vượt qua được khó khăn hiện nay, trong đó, đuơng nhiên vấn đề nổi cộm nhất là tự chủ tài chính, cân đối thu chi.
Cần hỗ trợ cấp thiết, đặc thù
- Như ông đề cập, có thể sẽ có nhiều tờ báo, tạp chí sẽ tính tới “giãn cách” bớt báo in…
Cũng từ trường hợp không chỉ của Thanh Niên, chúng ta thấy, rõ ràng có thể vấn đề không hẳn chỉ là tài chính. Đó còn là khó khăn về hệ thống phát hành, về an toàn trong hoạt động. Trong giãn cách xã hội, nếu các cơ quan báo chí không tính toán, không duy trì được hoạt động phát hành thông suốt mà vẫn in với số lượng như thường lệ thì lại là sự lãng phí lớn. Không thể in báo ra lại xếp đống để đó. Nhưng nếu không có báo chí, đặc biệt báo in, thì như đã nêu, bạn đọc sẽ hụt hẫng, thiếu kênh tiếp cận thông tin chính thống, đáng tin cậy, nhất là đối với cuộc chiến phòng chống dịch hiện nay.
Do đó, tôi cho rằng cần phải coi báo chí như một loại hàng hoá đặc biệt, một sản phẩm thiết yếu; người phát hành, cung cấp báo chí phải được phép hoạt động vì hơn lúc nào hết, báo chí có vai trò chủ lực trên mặt trận thông tin. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, đã có rất nhiều tin giả, tin xấu độc liên quan đến dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội, tác động mạnh đến tâm lý, nhận thức xã hội, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Chính lúc này vai trò của báo chí càng cần được phát huy hơn nũa, cần sự hiện diện, đặc biệt là báo in, bởi độ tin cậy của bạn đọc với báo in là rất cao. Tin tức, một khi đã đưa lên báo in, hiển nhiên thường được tin tưởng 100% là thông tin chính thức, chuẩn xác, tin cậy.
Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19 Báo chí tác nghiệp đưa tin về doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc xét nghiệm COVID-19 cho công nhân.
-Vậy báo chí cần được hỗ trợ cụ thể như thế nào vào lúc này, thưa ông?
Đề xuất hỗ trợ cho báo chí đã được các được các cơ quan báo chí nêu lên nhiều lần. Hội Nhà báo Việt Nam rất chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí hiện nay. Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị các nội dung hỗ trợ các cơ quan báo chí bao gồm:
1) Đề xuất miễn, giảm thuế cho các cơ quan báo chí;
2) Đề xuất miễn phạt chậm nộp thuế cho các cơ quan báo chí;
3) Đề xuất một số cơ quan báo chí có Quỹ phát triển sự nghiệp thì được phép sử dụng quỹ đó để trước hết đảm bảo hoạt động cho các phóng viên trong dịch bệnh, , mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của phóng viên trong điều kiện dịch bệnh, mua sắm trang thiết bị để thiết lập kênh trực tuyến duy trì hoạt động của các cơ quan báo chí, phát huy mô hình báo chí hội tụ trong điều kiện không thể thuận tiện đi lại gặp mặt, hội họp.
4) Đối với một số cơ quan báo chí có quỹ phát triển sự nghiệp, nay do khó khăn về tài chính, không có đủ tiền trả lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi cho phóng viên và các cán bộ nhân viên, thì đề xuất cho phép các cơ quan này được sử dụng quỹđó, trích bổ sung thu nhập để duy trì đời sống của anh em, giảm nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ nhuận bút…
Ngoài ra, tôi nghĩ, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các cơ quan báo chí, bởi ngay cả việc miễn, giảm thuế nếu được áp dụng, cũng không hẳn tất cả các cơ quan báo chí đều thực sự được thụ hưởng. Trên thực tế, chỉ những cơ quan báo chí có nguồn thu và doanh số đáng kể mới có thể thụ hưởng, còn những cơ quan báo chí không có nguồn thu thì cũng không nộp thuế. Các cơ chế hỗ trợ đặc thù này có thể bao gồm: Thứ nhất, cho các cơ quan báo chí được vay ưu đãi lãi suất 0%, hoặc lãi suất thỏa thuận ở mức thấp, phù hợp điều kiện của các cơ quan báo chí để trả lương và duy trì hoạt động; Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ phóng viên tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch, mức hỗ trợ có thể tương tự như các lực lượng trên tuyến đầu khác…
Đương nhiên, một số giải pháp như tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí, thực hiện các chuyên đề, tăng cường đặt mua báo vv…, Hội nhà báo Việt Nam vẫn đề xuất và mong được thúc đẩy hơn để có hiệu quả thục sự. Về lâu dài, để giải quyết bài toán kinh tế báo chí, có lẽ cần một Đề án cấp quốc gia, đòi hỏi có sự chủ trì và tham gia của các Bộ ngành liên quan thì mới có thể giải quyết được.
Hội Nhà báo Việt Nam trân trọng cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông... đã sát cánh, thấu hiểu khó khăn, đóng góp của báo chí và có những giúp đỡ, đề xuất hỗ trợ đúng với nhu cầu, mong muốn của các cơ quan báo chí hiện nay.
Hy vọng với sự đánh giá cao, sự quan tâm sâu sắc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị Tư lệnh ngành, những đề xuất này sẽ thành hiện thực, kịp thời, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trước mắt là làm tốt vai trò lực lượng chủ lực trên mặt trận thông tin, tiên phong trên tuyến đầu chống dịch, lan tỏa “vaccine tinh thần” cùng cả nước đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh!
- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam!
Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM trao hỗ trợ cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ Võ Đức Chiến Giám đốc Bệnh viện đại diện BV nhận
Nhằm động viên tinh thần phòng chống dịch Covid-19, đại diện đoàn Hội Nhà báo TPHCM trao tặng quà hỗ trợ các y bác sĩ BV Hùng Vương