Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) vừa ban hành kế hoạch số 3235/KH-BTTTT về triển khai thông tin, truyền truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian tới.

Không giật tít tin, bài theo kiểu dạng nghi vấn, lửng lơ

Theo đó, nhằm huy động các lực lượng truyền thông (gồm: các cơ quan báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, trang tin điện tử, mạng xã hội, mạng viễn thông...) để tạo đồng thuận, đoàn kết toàn dân chống dịch, tin tưởng ủng hộ các giải pháp mạnh, tăng cường của Chính phủ. Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền nổi bật các giải pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền Thành phố; nỗ lực của Thành phố chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, đặc biệt ở tầng lớp người nghèo, người lao động tự do...

Nhấn mạnh sự tăng cường tham gia của quân đội, công an, các lực lượng khác là để cùng TP.HCM hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch (đặc biệt là lo cái ăn và lo chữa bệnh cho người dân). Thận trọng khi sử dụng và không bình luận hình ảnh các phương tiện, vũ khí, khí tài của quân đội, công an tại thành phố, tránh để bị lợi dụng, kích động, xuyên tạc, chống phá; đấu tranh, phản bác kịp thời các thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng.

Lực lượng quân đội đến tận nhà tặng thực phẩm cho người dân Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: LDO

Lực lượng quân đội đến tận nhà tặng thực phẩm cho người dân Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: LDO

Không giật tít tin, bài theo kiểu dạng nghi vấn, lửng lơ để gây suy diễn, hiểu theo hướng tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, không phản ánh bản chất tình hình chung...

Tăng cường thông tin hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống dịch, như: thực hiện giãn cách, đảm bảo phòng, chống dịch trong sinh hoạt hàng ngày, tự theo dõi và bảo vệ sức khỏe, cách ly và điều trị tại nhà.

Tập trung thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước, tiến độ nhập, phân phối và tiêm vắc xin gắn với việc thiết lập các vùng an toàn với F0 (được hiểu là các vùng đã được tiêm vắc xin đối với đại bộ phận dân cư).

Thông tin nhanh, đúng, đủ liều lượng, rõ ràng về các giải pháp mới của ngành y tế trong việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tự xét nghiệm, hoạt động của các đội chăm sóc y tế lưu động tại các phường, xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Nhằm giúp người dân yên tâm và biết cách huy động sự trợ giúp về y tế trong quá trình theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú.

Kế hoạch cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cử phóng viên có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn chuyên trách thông tin về phòng, chống dịch; chủ động theo dõi các thông tin, quan điểm, hình ảnh trên không gian mạng xã hội để lan tỏa những thông tin tích cực đã được kiểm chứng; cảnh báo tin giả, xuyên tạc, bóp méo, cắt cúp sự thật. Trực tiếp chủ động đấu tranh ngay trên không gian mạng hoặc trên mặt báo đối với các thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái.

Có giải pháp huy động các “KOLS” (người nổi tiếng, người dẫn dắt tư tưởng), đặc biệt là những tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng tốt trong giới báo chí, truyền thông cùng tham gia chia sẻ những quan điểm, góc nhìn, cách làm có tác động tích cực đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống dịch.

Tổ công tác đặc biệt có thể yêu cầu gỡ những tin, bài, hình ảnh nếu thấy không phù hợp

Tất cả thông tin trên báo chí (báo in, diện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh) liên quan đến TP.HCM, các tinh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đều phải được đăng, phát hết sức thận trọng.

Đặc biệt lưu ý việc sử dụng tít bài phù hợp, lựa chọn ảnh, video clip, không giật tít tin, bài nghi vấn liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đối không khai thác lại mà không kiểm chứng, xác minh đối với những chất liệu chỉ xuất hiện trên mạng xã hội; tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, không phản ánh bản chất tình hình chung.

Thanh niên TX.Tân Uyên tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở phường Tân Phước Khánh, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương Online)

Thanh niên TX.Tân Uyên tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở phường Tân Phước Khánh, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương Online)

Các địa phương chủ động, định kỳ họp báo hoặc quyết định phương thức cung cấp thông tin phù hợp cho báo chí từ 1-2 lần/ngày, không bị động, không lắt nhắt sự vụ.

Theo kế hoạch, sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về truyền thông tại TP.HCM (do 1 đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm tổ trưởng và đại diện các cơ quan của TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) để hỗ trợ và trực tiếp chỉ đạo, định hướng, xử lý thông tin trên mọi hạ tầng, mọi phương thức liên quan đến công tác phòng, chống dịch của TP.HCM và 3 tỉnh nêu trên.

Đại diện Tồ công tác đặc biệt có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan báo chí tháo gỡ những tin, bài, hình ảnh nếu thấy không phù hợp với yêu cầu của công tác chống dịch. Khi nhận được yêu cầu, các cơ quan báo chí phải thực hiện ngay, không quá 10 phút từ lúc nhận được yêu cầu.

Các cơ quan báo chí cử đại diện lãnh đạo tham gia đầy đủ các cuộc giao ban về phòng chống dịch tại địa bàn, để cùng đóng góp ý kiến và bàn, thực hiện các giải pháp thông tin, tuyên truyền, giúp tối ưu hoá các biện pháp, giải pháp cụ thể phòng chống dịch và đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhân dân, đặc biệt khi tình hình đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời...