Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biết đến trong vai trò là một nhà quân sự tài ba, nhưng Đại tướng còn là một nhà báo tiên phong trước Cách mạng Tháng Tám. Với Báo Lao Động, Đại tướng cũng đã giành nhiều tình cảm yêu mến.
Một nhà báo Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên tại làng An Xá đất Quảng, một vùng đồng bằng nhỏ hẹp nhất Việt Nam. Cụ bà thân sinh cậu Giáp, những hôm không bận việc đồng áng thì cặm cụi bên khung cửi để mưu sinh. Cụ ông là một nông dân có học thức, tự cày cấy ruộng nhà và truyền lại cho cậu bé Giáp chữ nghĩa, vốn tri thức và tình yêu quê hương đất nước trên một miền quê mà mỗi tấc đất đều mang một chứng tích lịch sử.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết báo, làm báo từ rất sớm trên con đường cách mạng của mình. Đại tướng đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén, hiệu quả trong mỗi giai đoạn hoạt động cách mạng của mình với bút danh như: Vân Đình, Hải Thanh, Hồng Nam, Chính Nghĩa…
Năm 1929, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó chỉ là một chàng thanh niên bắt đầu làm việc tại Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư do đồng chí Đào Duy Anh sáng lập; và tham gia viết báo Tiếng Dân của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại Huế. Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết nhiều bài chính luận về chính luận, xã hội, khoa học…
Sau khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh 1930, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng. Tháng 10.1930, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị mật thám bắt ở nhà in báo Tiếng Dân trong vụ “cứu tế Nghệ An Đỏ” bị tuyên án 2 năm tù, giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, do có Hội Cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh, đồng chí và một số người khác được trả tự do và đưa về quản thúc ở quê nhà Quảng Bình cho đủ hạn 2 năm theo án tù đã tuyên.
Năm 1936, đồng chí Võ Nguyên Giáp bước vào công việc làm báo cách mạng trong phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương Đại hội sôi nổi những năm 1936-1939. Trong những năm 1936-1939, nghề chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dạy học ở trường Thăng Long. Đại tướng vừa dạy Lịch sử vừa dạy Địa lý, đồng thời tiếp tục học trường Luật, nhưng phần lớn thời gian của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại dành cho hoạt động báo chí.
Năm 1936, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bạn bè ra tờ báo bằng tiếng Pháp với tên gọi Le Travaill (Lao Động) ra số đầu tiên. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành một biên tập viên chính, được phân công viết khá nhiều đề tài như cổ vũ Đông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân…
Trong công việc báo chí, sở trường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là viết chính luận, phân tích, bình luận tình hình thời sự - chính trị quốc tế, phê phán kinh tế chính trị học. Công tác thực tế thể hiện nhà báo Võ Nguyên Giáp đã trải qua hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi cả việc phát hành báo…
Năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy hiệu dành cho những người đã từng có từ 25 năm làm báo trở lên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đón nhận phần thưởng này với ít nhiều những tự hào.
Tình cảm đặc biệt với Báo Lao Động
Theo tư liệu lịch sử của Báo Lao Động, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ít nhất đã hai lần đến thăm trụ sở Báo Lao Động.
Theo nhà báo Trần Đức Chính - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động: “Một ngày cuối năm 1946, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam Võ Nguyên Giáp đến tòa soạn Báo Lao Động ở 51 phố Hàng Bồ, Hà Nội. Từ trên sân thượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát địa hình 36 phố phường để bài binh bố trận cho cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm bắt đầu từ giữa lòng phố cổ thủ đô.
Ngôi nhà 51 Hàng Bồ được tự vệ công nhân Hà Nội chiếm đóng từ ngày cướp chính quyền 19.8.1945. Ban Công vận và Xứ ủy Bắc kỳ của Đảng làm việc ở đây cùng với tòa soạn Báo Lao Động - cơ quan của Hội Công nhân cứu quốc (sau đổi thành Tổng LĐLĐVN)”.
Đó là một trong những thời điểm lịch sử của Báo Lao Động. Những ngày cuối năm 1946, Hà Nội sôi nổi chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến. Phố Hàng Bồ mọc lên những ụ chướng ngại vật không cho xe quân Pháp ngang nhiên đi lại khiêu khích nhân dân ta. Công nhân âm thầm tháo dỡ máy móc, sắt thép, vận chuyển lên vùng núi phía Bắc. Ngày 12.12.1946, Báo Lao Động ra số 42, không ngờ đó là số báo cuối cùng ở thủ đô Hà Nội trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.
50 năm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc này đã thôi cầm quân, ông lại đến 51 Hàng Bồ, lần này để biểu dương tờ báo công đoàn Việt Nam đang đi đầu trong sự nghiệp đổi mới báo chí và thăm lại nơi từng là Sở chỉ huy Liên khu I của mặt trận Hà Nội - thành Hoàng Diệu hồi toàn quốc kháng chiến. Một sở chỉ huy đóng cùng với cơ quan của tờ báo công đoàn - một vinh dự và mốc son trong lịch sử Báo Lao Động, một tờ báo “Anh hùng Lao Động” ra đời từ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ban Biên tập và phóng viên Báo Lao Động nhớ mãi hình ảnh vị “nguyên soái” già nhưng vẫn khỏe và vui. Cuộc thăm hỏi thân mật của Đại tướng - một người bên cạnh sự nghiệp cách mạng còn có nhiều năm viết báo (cả bằng tiếng Pháp) là Chủ tịch Hội Báo chí Bắc Kỳ thời kỳ trước 1945 - như tiếp thêm sức mạnh cho tờ báo công đoàn bước vào thời kỳ mới.
Không chỉ trực tiếp đến thăm, tại các Hội báo Xuân, khi có dịp đến dự, Đại tướng vẫn đến gian trưng bày của báo để động viên các cán bộ, nhân viên của báo.
Những lời chia sẻ chân thành cùng những gợi ý trong nghiệp vụ làm báo của Đại tướng trở thành những đóng góp quý báu trong quá trình phát triển của Báo Lao Động.