Ngày 24-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị giáo dục đại học (GDĐH) năm 2021. Báo cáo kết quả GDĐH năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, đến nay đã có 142/175 cơ sở GDĐH công lập kiện toàn hội đồng trường. 

Đặc biệt, trong năm học vừa qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến pức tạp, các cơ sở GDĐH đã áp dụng phương thức giảng dạy, học tập trực tuyến linh hoạt trong tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập.

Giáo dục đại học cần thích ứng với tình hình dịch bệnh ảnh 1
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ảnh: THANH TÙNG
Tuyển sinh cơ bản giữ ổn định

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như việc triển khai tự chủ đại học còn chậm, có nơi còn lúng túng; còn chậm đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ. Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (thiếu nguồn lực); trong khi đó, một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực (kết quả nhập học năm học 2020-2021 tại các trường cho thấy, gần 25% trường có tỷ  lệ nhập học thấp). Số lượng chương trình đào tạo của GDĐH được kiểm định chưa tăng nhiều.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT xác định từ năm học 2021-2022, GDĐH sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đại học triển khai giải pháp chuyển đổi số trong quản trị đại học như thanh toán học phí trực tuyến; đăng ký tuyển sinh trên Cổng dịch vụ công quốc gia; khuyến khích và lựa chọn một số cơ sở GDĐH hàng đầu,  phối hợp xây dựng nền tảng trực tuyến dùng chung.

Về công tác tuyển sinh đại học, theo bà Nguyễn Thu Thủy, sẽ cơ bản giữ ổn định với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tuyển sinh; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH.

Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.

Cụ thể, nếu các trường thi riêng, thi bổ sung, thi đánh giá năng lực thì phải bảo đảm yêu cầu gọn nhẹ, có thể thi 1 - 2 môn, thi năng khiếu, kết hợp kết quả thi THPT. Có thể hình thành Trung tâm Khảo thí độc lập, với yêu cầu là chuẩn hóa ngân hàng đề thi, thi trên máy tính, có thể thi nhiều lần trong năm. Bên cạnh đó, các trường có thể thi theo nhóm trường với yêu cầu phải gọn nhẹ, giảm tải, chỉ còn 1 buổi thi để tạo thuận lợi, tiết kiệm cho thí sinh…

Tự chủ đại học phải đầy đủ, có chiều sâu

Tại hội nghị, các trường tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến tự chủ đại học, công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng, thi và tuyển sinh… Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, toàn ngành xác định năm học mới 2021-2022 phải tăng cường biện pháp để thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài. Như vậy, cần có sự điều chỉnh, chuyển đổi, thích ứng. GDĐH phải có những chuyển biến mạnh, trong đó có chuyển từ đào tạo trực tiếp sang kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến cho từng môn, từng bộ phận. Phải kiên trì vấn đề bảo đảm chất lượng. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở GDĐH tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện. 

Giáo dục đại học cần thích ứng với tình hình dịch bệnh ảnh 2
Thí sinh thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 28-3-2021
Ảnh: THANH HÙNG
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả. Phải thực hiện cho được định hướng lớn là: tự chủ để cho đại học được năng động hơn, giải phóng được các nguồn lực và sức sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. “Tự chủ chỉ có giá trị khi nó đem lại sức mạnh để phát triển các trường đại học. Nếu tự chủ không đem lại điều đó, thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh”, Bộ trưởng nêu quan điểm. Bộ trưởng cũng cho rằng, cần chú ý vấn đề tự chủ học thuật, trong đó có đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học. Thực thi quyền tự chủ đại học cần lan tỏa được tới chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học. Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, làm cho tiếng nói chuyên môn của nhà khoa học, chuyên gia trở thành sức mạnh quan trọng trong quản trị, trong vận hành của cơ sở GDĐH, có như vậy mới làm cho tự chủ đại học đầy đủ, có chiều sâu. Đi cùng với việc tăng cường tự chủ, cơ sở giáo dục phải làm rõ hơn, mạnh hơn cơ chế về trách nhiệm giải trình: giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước, trước người học, trước các bên liên quan và trước xã hội.

Về vấn đề tuyển sinh, trong bối cảnh chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm gần đây, Bộ trưởng  cho biết Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án và lấy ý kiến rộng rãi về phương án đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng năng động hơn, tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT. “Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị, tuy nhiên, 2 ĐHQG và đại học vùng có thể bắt tay vào ngay việc xây dựng và củng cố hệ thống trung tâm khảo thí để tạo ra tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng cho biết.

Đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở GDĐH đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, trong đó có tham gia công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Riêng một số trường khu vực miền Trung, miền Nam đang gặp rất nhiều khó khăn; một số trường thuộc khối y dược, công an, quân đội đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh phía Nam nên chưa thể kết thúc năm học.


ĐBSCL: Linh động các phương án tuyển sinhChiều 24-8, ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên công tác tuyển sinh năm nay gặp khó khăn hơn mọi năm. Các em tham gia xét tuyển tại trường hầu hết đến từ các tỉnh ĐBSCL, thế nhưng hiện các tỉnh trong vùng đang thực hiện giãn cách xã hội. Để đảm bảo kế hoạch, mọi hoạt động liên quan đến công tác tuyển sinh của trường đều chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Hiện đối với phương pháp xét tuyển bằng cách đánh giá học bạ, trường đã công bố kết quả trúng tuyển sơ tuyển, các em đạt điều kiện xét tuyển sẽ làm thủ tục nhập học bằng hình thức trực tuyến. PGS-TS Lê Hồng Kỳ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, thông tin, nhà trường đã thực hiện xong 3 phương thức tuyển sinh trực tuyến gồm: xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, đánh giá theo năng lực. Hiện các em đăng ký xét tuyển bằng 3 phương thức trên đã làm thủ tục nhập học và bắt đầu học đạt hơn 60%. Đối với phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, đến ngày 15-9 nhà trường sẽ công bố.

                                                                                TUẤN QUANG


Thêm nhiều trường công bố điểm sàn

Nhiều trường đại học (ĐH) tiếp tục công bố điểm nhận hồ sơ (điểm sàn) với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. 
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) có 2 mức điểm sàn: với chương trình do trường cấp bằng - điểm sàn từ 18 điểm trở lên; chương trình liên kết có điểm sàn 15 điểm. Trường ĐH Giao thông Vận tải - Phân hiệu tại TPHCM có điểm sàn các ngành dao động 15 - 21 điểm, tùy từng ngành. Trường ĐH Nha Trang điểm sàn 15 - 23 điểm. Trong đó, nhiều ngành có môn chính có điểm sàn cao hơn vì môn chính nhân hệ số 2. 

                                                                        HÙNG THANH

Hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng


Bộ GD-ĐT vừa công bố tài liệu hướng dẫn sử dụng chức năng điều chỉnh nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển trực tuyến cho thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. 


Theo đó, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập vào hệ thống thực hiện điều chỉnh NV bằng phương thức trực tuyến, dùng mã OTP để xác nhận việc thực hiện điều chỉnh NV. Mật khẩu để đăng nhập hệ thống của thí sinh là mật khẩu được cấp khi đăng ký dự thi, trường hợp đã thay đổi mật khẩu sau khi được cấp thì dùng mật khẩu đã thay đổi. Nếu thí sinh quên mật khẩu, liên hệ điểm thu nhận hồ sơ để xin cấp lại. Thí sinh tự chịu trách nhiệm bảo mật tài khoản và mật khẩu đăng nhập hệ thống của mình. Thí sinh muốn điều chỉnh NV trực tuyến phải đăng ký số điện thoại. Nếu thí sinh chưa khai số điện thoại hoặc đổi số điện thoại thì khi đăng nhập vào hệ thống để điều chỉnh NV có thể khai báo lại.


Thí sinh thực hiện điều chỉnh NV theo phương thức trực tuyến trong thời gian từ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 5-9. Thí sinh được thay đổi tối đa 3 lần trong thời gian này (không được tăng thêm số NV). Với phương thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký, thí sinh được tăng số NV đăng ký và thời gian thực hiện từ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 5-9.  

                                                                           THANH MINH