Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, công nghệ đóng góp vào sự kết nối giữa các bệnh viện, bệnh viện với người dân và người dân với nhau.

Vai trò của công nghệ trong việc kết nối được ông Dũng chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch" do VnExpress tổ chức sáng 24/8. Theo ông Dũng, ngay từ khi Covid-19 khởi phát tại Việt Nam năm 2020, công nghệ đã tham gia tích cực vào câu chuyện này.

Việc kết nối đến từ nhu cầu thực tế từ người dân trong xã hội, người bệnh, người gặp khó khăn, đến bệnh viện và đội ngũ tư vấn y tế. Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, trong tất cả những kết nối này, công nghệ đã và đang đóng vai trò quan trọng. Qua quá trình triển khai thực tế, ông cho rằng "công nghệ đã và đang giúp, không chỉ là giúp bệnh viện kết nối với nhau, mà còn giữa bác sĩ và người cần tư vấn, giữa người khó khăn và người có khả năng giúp đỡ trong xã hội, để chúng ta cùng đẩy lùi dịch bệnh".

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng. Ảnh: Minh Sơn

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trong một sự kiện về chuyển đổi số tại Bộ TT&TT. Ảnh: Minh Sơn

Kết nối bệnh viện với bệnh viện

Tại lễ công bố kết nối Telehealth tới tất cả tuyến huyện ngày 8/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói "kết nối truyền hình để thực hiện Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế", và trong bối cảnh có hàng trăm nghìn ca Covid-19, việc tư vấn khám chữa bệnh từ xa có vai trò quan trọng.

Tại Việt Nam, "bệnh viện với bệnh viện" là một trong những kết nối được triển khai đầu tiên trong đại dịch, theo Thứ trưởng Dũng, với mục tiêu phục vụ việc hội chẩn tư vấn từ xa.

Ông Dũng cho biết, đến nay "đã có 2.000 điểm được kết nối trong hệ thống, đặc biệt 100% bệnh viện tuyến huyện đã kết nối với tuyến trung ương". Trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư, nhiều tuyến mới cũng được mở ra, như kết nối với các bệnh viện dã chiến ở TP HCM, Bình Dương, Long An; kết nối để vận chuyển các ca cấp cứu giữa các bệnh viện với nhau.

Kết nối bác sĩ, bệnh viện với người bệnh và người nhà

Đây là nhu cầu ngày càng lớn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại một số tỉnh thành. Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), chỉ ra hai bài toán về kết nối đang được đặt ra. Thứ nhất, những F0, F1 đang phải điều trị tại nhà vì quá tải cần được kết nối với bác sĩ một cách dễ dàng. Thứ hai, những bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện có nhu cầu kết nối với người thân ở nhà, nhưng do đặc thù của việc điều trị bệnh khiến liên lạc gặp khó khăn.

Trong việc cung cấp thông tin người bệnh cho người nhà, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết tại TP HCM đang triển khai thí điểm công cụ kết nối F0, cho phép người nhà tra cứu ở một số thông tin mà họ quan tâm. Công cụ này đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm thông qua website http://tracuuf0.medinet.org.vn/.

Với việc kết nối người bệnh với bệnh viện và đội ngũ y tế, một trong những giải pháp công nghệ đầu tiên được đưa ra là tổng đài VOV Bác sĩ 24. Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, nhiều nền tảng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh cũng được triển khai. Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 mới đây cũng bảo trợ cho hai dự án gồm Giúp tôi! - kết nối người bệnh với bác sĩ tư vấn, và Zalo Connect - có tính năng tư vấn y khoa.

Ông Vòng Thanh Cường, đại diện đội ngũ phát triển nền tảng Giúp tôi! cho biết, chỉ trong 30 giây, người dân có thể kết nối với y, bác sĩ có chuyên môn để được giải đáp thắc mắc. "Đây là điều người dân rất mong đợi. Khi cần giúp đỡ, họ mong có thông tin ngay. Người dân rất vui vì được giải đáp, trấn an ngay lập tức", ông Cường nói.

Kết nối người cần hỗ trợ với nhà hảo tâm

Nhu cầu kết nối giữa người cần hỗ trợ và nhà hảo tâm xuất hiện trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội thời gian dài, kéo theo một bộ phận người dân gặp khó khăn, không có thu nhập. Theo đại diện Bộ Y tế, giải quyết vấn đề an sinh cho người dân cũng là góp phần đẩy lùi dịch bệnh, vì người dân sẽ an tâm và tuân thủ các biện pháp chống dịch. Trong khi nguồn lực của chính quyền không thể kịp thời bao quát hết, sự chung tay của cộng đồng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.

Để việc kết nối người dân với người dân hiệu quả, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ xây dựng những nền tảng khác nhau. Ví dụ, ông cho hay, với giải pháp Zalo Connect, sau 15 ngày đã có hơn 320.000 lượt đề nghị trợ giúp. Nhờ công nghệ, người có tấm lòng hoặc năng lực giúp đỡ có thể tìm thấy người cần giúp đỡ ở xung quanh mình để hỗ trợ. Một giải pháp kết nối khác cũng được triển khai là tổng đài 1022 tại TP HCM. Hàng chục nghìn cuộc gọi mỗi ngày qua hệ thống này cũng đã giúp đỡ cho nhiều người khó khăn.

Ông Nguyễn Trường Nam nhận định các giải pháp công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua "đã đạt được những thành công nhất định". Điều này được thể hiện trong việc đẩy nhanh tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, truy vết, kết nối cơ sở y tế tuyến trên, dưới, bác sĩ với người dân. Để các giải pháp công nghệ phát huy hiệu quả hơn nữa, ông cho rằng cần có những hướng dẫn chính xác từ cơ quan quản lý đến người dân, để mọi người hiểu ứng dụng công nghệ là thiết thực và là xu hướng chung của thế giới.

Theo Thứ trưởng Dũng, việc triển khai giải pháp công nghệ trong thời gian qua "đã có những câu chuyện thành công, nhưng cũng có những câu chuyện chưa hiệu quả". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định "công nghệ sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng và là công cụ vận hành không thể thiếu trong bất cứ hoạt động gì trong tương lai".

Tọa đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch" diễn ra sáng 24/8, bàn về việc công nghệ làm được và chưa làm được gì trong việc kết nối thông tin. Chương trình có sự tham gia của các diễn giả là ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Thông tin và truyền thông; ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế; ông Vòng Thanh Cường - CEO Kompa Group; và ông Nguyễn Đình Quân - Kỹ sư quản lý dự án, Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG.